Yêu bao tử

NGUYÊN NHÂN & ĐIỀU TRỊ VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

14/07/2021

Viêm loét dạ dày tá tràng là gì? 

Viêm loét dạ dày tá tràng là loét nằm ở bề mặt của dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Triệu chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là đau vùng bụng trên

Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là do nhiễm vi khuẩn HP - Helicobacter pylori (H. pylori), sử dụng thuốc aspirin lâu dài (một loại thuốc ức chế kết tập tiểu cầu dùng để phòng ngừa các biến chứng hệ tim mạch) hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) (Ibuprofen, naproxen,…). Sự căng thẳng và những thức ăn chua cay cũng làm tăng nguy cơ loét khi có sự hiện diện của vi khuẩn H. pylori khiến triệu chứng của loét nặng hơn.

Chú thích: Ổ loét nằm ở dạ dày được quan sát khi nội soi

Triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng

  • Cảm giác đau rát vùng bụng trên 
  • Cảm giác nhanh no, chướng bụng hoặc đầy hơi
  • Không dung nạp được thức ăn nhiều mỡ
  • Ợ nóng
  • Buồn nôn, nôn

Triệu chứng thường gặp nhất của viêm loét dạ dày tá tràng là cảm giác đau rát vùng bụng trên (thượng vị). A-xít dạ dày làm cho cơn đau nặng hơn, thường xảy ra khi bụng đói. Cơn đau thường giảm khi ăn một số thức ăn giúp trung hòa a-xít dạ dày hoặc uống những thuốc trung hòa a-xít, nhưng chỉ có tác dụng tạm thời. sau đó thường đau lại. Sau đó, cơn đau sẽ thường nặng hơn giữa các bữa ăn và về đêm

Tuy nhiên, phần lớn (75%) bệnh nhân dù có bị viêm loét dạ dày tá tràng nhưng lại không hề có triệu chứng nào.

Một số người bệnh bị viêm loét khi có biến chứng có thể gây ra các triệu chứng nặng nề như:

  • Nôn ra máu đỏ hoặc máu đen như bã cà phê
  • Phân đen dính do có máu trong phân hoặc phân máu đỏ
  • Triệu chứng của thiếu máu: chóng mặt, mệt mỏi, nhợt nhạt, ngất xỉu, khó thở khi gắng sức
  • Nôn sau ăn, nôn liên tục và kéo dài
  • Nuốt đau, nuốt khó kéo dài, tăng dần
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Chán ăn
  • Đau bụng dữ dội, đột ngột

Khi nào người bệnh cần tái khám bác sĩ

Người bệnh cần đi tái khám ngay nếu có những triệu chứng nặng kể trên. Người bệnh cũng cần đi khám nếu cơn đau tái phát lại mặc dù đã uống các thuốc trung hòa a-xít và các thuốc ức chế tiết a-xít

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi a-xít hủy hoại lớp bề mặt của dạ dày hoặc tá tràng. Bình thường, ống tiêu hóa được phủ bởi một lớp nhầy giúp bảo vệ khỏi sự hủy hoại của a-xít. Nếu lượng a-xít gia tăng hoặc lớp nhầy bị mỏng đi, ổ loét có thể hình thành. Những nguyên nhân thường gặp là: 

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori. Khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn này. Phần lớn người bị nhiễm không bị viêm loét. Nhưng ở một số người, vi khuẩn có thể gây viêm dạ dày-tá tràng và dẫn đến loét. Vi khuẩn này lây qua đường tiêu hóa như khi ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, lây qua tiếp xúc nước bọt của người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
  • Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc giảm đau.  Dùng aspirin và các thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) có thể gây viêm dạ dày và tá tràng. Những thuốc này bao gồm ibuprofen, naproxen, ketoprofen,.... Những người lớn tuổi bị viêm khớp sử dụng thường xuyên những thuốc này để giảm đau, sẽ có nguy cơ cao dẫn đến loét. 
  • Các thuốc khác. Việc dùng chung một số thuốc với thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), như nhóm thuốc steroid (P-r-e-d-n-i-s-o-n, M-e-d-r-o-l,..), thuốc kháng đông, a-l-e-d-r-o-n-a-t-e trong điều trị loãng xương có thể tăng đáng kể nguy cơ hình thành viêm loét dạ dày – tá tràng.

Yếu tố nguy cơ của bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng

Bên cạnh các nguyên nhân được nêu trên người bệnh có thể tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng nếu:

  • Hút thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ loét ở những người đã có nhiễm vi khuẩn H. pylori.
  • Uống rượu bia (các loại nước uống có cồn). Rượu bia gây kích thích và phá hủy lớp niêm mạc và làm tăng sản xuất a-xít dạ dày
  • Căng thẳng
  • Ăn nhiều thức ăn chua cay

Những yếu tố này nếu đứng một mình thì chưa thể gây loét, nhưng chúng có thể làm vết loét có sẵn nặng hơn và khó lành hơn. 

Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kết hợp hỏi bệnh, thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định chẩn đoán như:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ đưa ống soi mềm từ họng đến thực quản tới dạ dày và tá tràng để tìm ổ loét. Nội soi cũng giúp xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori, thực hiện sinh thiết nếu nghi ngờ có ung thư dạ dày, chẩn đoán chảy máu từ dạ dày, tá tràng và nguyên nhân chảy máu. Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm loét dạ dày, tá tràng
  • Chụp X quang tiêu hóa cản quang. Đối với những bệnh nhân không thể thực hiện nội soi được, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang đường tiêu hóa cản quang với chất cản quang barium để chẩn đoán và xác định vị trí của ổ loét. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là có thể bỏ sót những ổ loét nhỏ, không thể xét nghiệm tìm vi khuẩn H.pylori, không thể sinh thiết cũng như không phát hiện chảy máu đường tiêu hóa.
  • Xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori. Có nhiều cách để xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori. Thông thường, bác sĩ sẽ xét nghiệm tìm vi khuẩn bằng phương pháp nội soi, xét nghiệm không xâm lấn như xét nghiệm hơi thở u-rê, xét nghiệm tìm kháng nguyên vi khuẩn trong phân. Tùy thuộc vào người bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp nào thích hợp nhất.

Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.

Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng nếu không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng khó lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe:

  • Chảy máu đường tiêu hóa. Chảy máu có thể diễn ra chậm và dẫn đến thiếu máu hoặc có thể diễn ra nhanh, nhiều và cần phải nhập viện để truyền máu. Chảy máu nhiều có thể gây ra triệu chứng nôn ra máu đỏ hoặc nôn ra máu đen giống như bã cà phê hoặc đi tiêu phân máu.
  • Thủng dạ dày, tá tràng. Loét có thể dẫn đến thủng dạ dày tá tràng và dẫn đến viêm và nhiễm trùng ổ bụng nặng.  
  • Tắc ruột.  Ổ loét có thể tạo sẹo hoặc viêm to và có thể ngăn thức ăn đi xuống ruột non, làm cho người bệnh có cảm giác nhanh no, nôn và sụt cân
  • Ung thư dạ dày. Những người bệnh bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori có thể dẫn tới nguy cơ ung thư dạ dày. Do đó, việc điều trị và theo dõi bệnh rất quan trọng trong việc phát hiện sớm ung thư.

Phòng ngừa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Bạn có thể giảm nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng nếu thực hiện những hướng dẫn được khuyến cáo để dự phòng và điều trị viêm loét như:

  • Dự phòng nhiễm khuẩn: Do vi khuẩn H. pylori lây qua đường tiêu hóa, bạn có thể phòng ngừa lây nhiễm bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn những thức ăn được nấu chín kĩ,…
  • Điều trị nhiễm khuẩn. Nếu không may mắc phải vi khuẩn H. pylori, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều trị tiệt trừ vi khuẩn H. pylori khi có chỉ định. 
  • Cẩn thận khi dùng thuốc giảm đau. Người bệnh nên tránh dùng nhóm thuốc giảm đau NSAIDs. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải thường xuyên dùng thuốc nhóm thuốc giảm đau này, thì cần phải thực hiện một số biện pháp để phòng ngừa loét như: 
  1. Tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc phù hợp nhất với liều thấp nhất có thể giảm đau. Ngoài ra, đối với một số thuốc như thuốc giảm đau NSAIDs, aspirin, bác sĩ có thể kê một số nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và ức chế tiết a-xít như nhóm thuốc ức chế bơm Proton, ví dụ: Pariet (r-a-b-e-p-r-a-z-o-l-e), omeprazole, lansoprazole,…
  2. Nên uống thuốc lúc no
  3. Hạn chế bia rượu

Ngoài ra, lựa chọn lối sống lành mạnh như chế độ ăn sạch, nhiều rau, hoa quả, tránh các thức uống có cồn..v..v.. có thể giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng

Điều trị lành ổ viêm loét: 

  • Nhóm thuốc ức chế bơm proton. Hầu hết bệnh nhân sẽ được điều trị với thuốc ức chế bơm proton. Nhóm thuốc này giúp ức chế tiết a-xít dạ dày, do đó giúp làm lành ổ viêm loét. Những thuốc ức chế bơm proton hiệu quả gồm R-a-b-e-p-r-a-z-o-l-e (Pariet), omeprazole, lansoprazole,...Nhóm thuốc này cần uống trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ để có hiệu quả tối đa, nếu uống không đúng cách có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của thuốc và dẫn đến chậm lành loét, thậm chí thất bại điều trị. Thông thường thời gian cần thiết để điều trị lành loét là vài tuần, bác sĩ sẽ nội soi kiểm tra ổ viêm loét đã lành chưa khi cần thiết.
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2. Nhóm thuốc này ít được dùng hơn nhóm thuốc ức chế bơm proton do hiệu quả lành loét thấp hơn. Những thuốc trong nhóm này gồm Ranitidine, Cimetidine,...
  • Điều trị tiệt trừ vi khuẩn H.pylori. Nếu người bệnh có nhiễm vi khuẩn, thì việc điều trị tiệt trừ vi khuẩn là bắt buộc để làm lành ổ viêm loét và ngăn ngừa loét tái phát. Các phác đồ điều trị tiệt trừ H.pylori thường cần phối hợp từ 3-4 nhóm thuốc kéo dài trong 10-14 ngày. Các nhóm thuốc này bao gồm nhóm thuốc ức chế bơm proton (R-a-b-e-p-r-a-z-o-l-e (Paritet), omeprazole, pantoprazole,...) để ức chế sự tiết a-xít của dạ dày, phối hợp với thuốc kháng sinh, và thuốc Bismuth. Do vi khuẩn HP rất khó điều trị, việc uống đúng cách và đúng liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng
  • Ngưng thuốc kháng viêm NSAIDs. Ở những bệnh nhân bị loét do thuốc NSAIDs, việc ngưng dùng nhóm thuốc này rất quan trọng. Với những bệnh nhân không thể ngưng thuốc vì lí do cần thiết, nhóm thuốc ức chế bơm proton như r-a-b-e-p-r-a-z-o-l-e (Pariet) được khuyến cáo sử dụng để phòng ngừa viêm loét.

Ths.Bs. Đoàn Hoàng Long

ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Khoa nội tiêu hóa

Tài liệu tham khảo

1. https://gi.org/topics/peptic-ulcer-disease/ (access date: 25/05/2020).

2. Medscape. Peptic Ulcer Disease Treatment & Management (Updated: Mar 25, 2020).

3. https://www.webmd.com/digestive-disorders/peptic-ulcer-overview#1 (access date: 25/05/2020).

4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peptic-ulcer/symptoms-causes/syc-20354223 (access date: 25/05/2020).

Chia sẻ: