Yêu bao tử

VI KHUẨN HP DẠ DÀY NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT

14/07/2021

Helicobacter Pylori - HP dạ dày là gì?

H. pylori là một loại vi khuẩn HP dạ dày, lây nhiễm ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày ở người. Nó là một nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày tá tràng và có liên quan chặt chẽ với ung thư dạ dày. Hơn một nửa dân số trên thế giới được cho là nhiễm H. pylori, và hầu hết do nhiễm từ lúc còn bé. Tỷ lệ nhiễm Helicobacter Pylori khác nhau giữa các cộng đồng dân cư khác nhau và khu vực địa lý khác nhau. Hầu hết mọi người không biết mình bị nhiễm H. pylori vì phần đông không có triệu chứng. Những người có các triệu chứng của viêm loét dạ dày tá tràng cần phải đến gặp bác sĩ để được điều trị nhằm ngăn chặn sự diễn biến thành các bệnh mãn tính như viêm dạ dày mãn tính, bệnh loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.

Con đường lây truyền Helicobacter Pylori -HP dạ dày?

Vi khuẩn HP dạ dày có khả năng lây nhiễm từ người sang người

Dưới đây là một số con đường lây truyền chính của vi khuẩn HP dạ dày:

+ Tiếp xúc trực tiếp dịch tiêu hóa của người nhiễm Helicobacter pylori

Đây được coi là phương thức chủ yếu làm lây nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Do vi khuẩn HP tồn tại trong dịch vị dạ dày, nước bọt, mảng bám răng nên chúng được lây truyền từ người này sang người khác khi dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con. Theo nhiều nghiên cứu, nếu trường hợp trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày thì tỷ lệ những người còn lại mắc bệnh là rất cao.

+ Tiếp xúc với chất thải của người nhiễm Helicobacter Pylori ( Phân, chất nôn )

Vi khuẩn HP sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài môi trường qua đường phân. 

Vi khuẩn HP thường trú ngụ và phát triển trong dạ dày, nên khi người bị nhiễm khuẩn HP xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày hay nôn sẽ là con đường vận chuyển HP lẫn chung với dịch dạ dày thải ra ngoài.

Vì vậy, sau khi đi đại tiện, thu dọn chất đại tiện, chất nôn nếu không rửa tay bằng xà phòng có thể bị nhiễm vi khuẩn HP.

+ Lây do các can thiệp chẩn đoán Y tế

Trong trường hợp này, người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm khuẩn HP thông qua các dụng cụ, thiết bị y tế khi tiến hành nội soi dạ dày, đặt sonde dạ dày. Khi tiến hành can thiệp nếu dụng cụ không được vệ sinh khử trùng đúng tiêu chuẩn thì vi khuẩn HP có thể bám lại và thâm nhập vào cơ thể người thực hiện tiếp theo.

Triệu chứng nhiễm Helicobacter Pylori - HP dạ dày?

Đa số người bệnh khi nhiễm HP dạ dày thường không có triệu chứng.

Một số triệu chứng có thể gợi ý như:

- Đau tức vùng thượng vị dạ dày, cảm giác cồn cào hoặc nóng rát, thường liên quan bữa ăn (khi đói hoặc khi ăn no), giảm đau khi uống các thuốc băng niêm mạc dạ dày.

- Đầy hơi chướng bụng, ăn nhanh no.

- Ợ chua, ợ nóng.

- Buồn nôn, nôn ói.

Khi có các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Chẩn đoán nhiễm Helicobacter Pylori - HP dạ dày bằng cách nào?

Có nhiều phương pháp chẩn đoán tình trạng nhiễm H. pylori. Căn cứ vào việc có yêu cầu nội soi hay không, các phương pháp này được chia ra thành hai nhóm: 

 * Nhóm các phương pháp xâm nhập (invasive methods) 

Đòi hỏi phải tiến hành thủ thuật nội soi và sinh thiết dạ dày- tá tràng

  • Phương pháp nhuộm soi trực tiếp
    Mảnh sinh thiết được áp trực tiếp lên lam kính, dàn mỏng và in dấu trên lam kính, để khô tự nhiên hoặc cố định trên đèn cồn, rồi nhuộm để soi. 
  • Phương pháp mô bệnh học:
    Nhuộm H.E và Giemsa được sử dụng thường quy vì rẻ tiền và dễ thực hiện, tuy nhiên độ nhạy thấp (33%- 90% tuỳ kinh nghiệm của các nhà giải phẫu bệnh). Các phương pháp nhuộm tẩm bạc, nhuộm hóa-mô-miễn dịch, có độ nhạy cao trên 90% nhưng đắt tiền và phức tạp.
  • Urease tests –clotest: đưa mảnh sinh thiết vào một lượng nhỏ dung dịch ure có chỉ thị màu. Nếu thử nghiệm dương tính trong vòng 30 phút thì hầu như không có dương tính giả (độ đặc hiệu được coi như 100)
  • Nuôi cấy:Nuôi cấy được coi là phương pháp chuẩn để xác minh sự có mặt của H. pylori. Phương pháp này còn cho phép xác định tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn và rất cần thiết trong trường hợp bệnh nhân có dị ứng với kháng sinh, hay đã điều trị kháng sinh thất bại. 
  • PCR (Polymerase Chain Reaction):
    Đây là kỹ thuật sinh học phân tử dựa trên nguyên lý khuếch đại gen H. pylori trong bệnh phẩm sinh thiết dạ dày. PCR chẩn đoán H. pylori  có độ nhạy và đặc hiệu đạt trên 95%.

 * Nhóm các phương pháp không xâm nhập (non-invasive methods).

Bao gồm:

+ Test thở với urea gắn 14C hoặc 13C

+ Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể 

+ Xét nghiệm phân tìm kháng nguyên Hp. 

+ Xét nghiệm nước bọt và nước tiểu: Các xét nghiệm này dựa trên việc phát hiện kháng thể kháng H. pylori có trong nước bọt và nước tiểu 

Những ai cần điều trị tiệt trừ Helicobacter Pylori - HP dạ dày?

  • Người bị loét dạ dày, loét hành tá tràng
  • Người bị chứng khó tiêu: Đầy bụng sau ăn, ăn mau no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị
  • Người bị thiếu máu thiếu sắt
  • Người bị xuất huyết giảm tiểu cầu không không rõ căn nguyên
  • Người bị ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật
  • Người bị ung thư dạ dày sớm được cắt hớt niêm mạc qua nội soi
  • Những người có bố, mẹ, anh em ruột bị ung thư dạ dày
  • Người bị viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày
  • Người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày:khai thác than, quặng….
  • Những người thường xuyên phải dùng thuốc giảm đau kháng viêm..

Điều trị Helicobacter Pylori - HP dạ dày như thế nào?

Hiện tại không có một loại thuốc đơn lẻ nào có thể điều trị diệt trừ Helicobacter Pylori. Hầu hết các phác đồ diệt Helicobacter pylori đều phải kết hợp các thuốc với nhau và dùng liên tục trong vòng 14 ngày. Không có phác đồ nào có khả năng diệt khuẩn đạt tỷ lệ 100% ( thường chỉ đạt 85-95%)

Thông thường phác đồ diệt Helicobacter pylori  - HP dạ dày được kết hợp các loại thuốc sau:

 + Thuốc ức chế bơm proton. Thuốc này làm giảm sản xuất axit trong dạ dày, giúp chữa lành các mô bị tổn thương do nhiễm trùng. Ví dụ về thuốc ức chế bơm proton bao gồm: rabeprazole (Pariet), dexlansoprazole (Dexilant), esomeprazole (Nexium), pantoprazole (Pantoloc), lansoprazole, omeprazole.

+ Thuốc kháng sinh. Phối hợp từ hai đến ba loại kháng sinh; điều này làm giảm nguy cơ thất bại trong điều trị và kháng kháng sinh.

+ Các loại muối Bismuth: Thuốc có vai trò ức chế hoạt động của vi khuẩn  Helicobacter pylori và diệt khoảng 20% vi khuẩn, củng cố thêm hàng rào phòng thủ niêm mạc dạ dày.

  • Ngày càng có nhiều bệnh nhân nhiễm H. pylori đề kháng với thuốc kháng sinh, vì vậy điều quan trọng là phải uống tất cả các loại thuốc được kê đơn và làm xét nghiệm xác định đã điều trị khỏi sau khi kết thúc liệu trình.

Điều trị diệt  Helicobacter pylori  - HP dạ dày có thể gặp phải những tác dụng phụ nào?

Tần suất tác dụng phụ có thể gặp khi dùng các phác đồ diệt  Helicobacter pylori có thể lên đến 50-80% trường hợp, phụ thuộc vào phác đồ được lựa chọn và cơ địa bệnh nhân. Tuy nhiên phần nhiều tác dụng phụ chỉ ở mức nhẹ và trung bình, bệnh nhân có thể chịu được.

Một số tác dụng phụ hay gặp:

+ Miệng có vị kim loại: Tác dụng phụ này thường gặp với phác đồ có chứa metronidazol hoặc clarithromycin. Uống nước đầy đủ, sử dụng một số loại kẹo có thể làm giảm bớt triệu chứng này. Một số loại hoa quả hoặc đồ ăn cũng giúp giảm cảm giác khó chịu.

+ Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh: các tác dụng này có thể gặp khi sử dụng phác đồ có metronidazole,  tác dụng phụ này nặng thêm khi dùng  chung với rượu. Vì vậy, cần lưu ý tránh sử dụng rượu khi đang dùng và sau khi dùng metronidazol ít nhất 24 giờ.

+ Đau mỏi cơ toàn thân, đau xương khớp, đau khớp gối làm đi lại khó khăn: Các tác dụng phụ này hay gặp khi dùng phác đồ có chứa levofloxacin ở phụ nữ, người lớn tuổi, người có tiền sử đau viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối. Nếu có tiền sử đau xương khớp, viêm khớp, thoái hóa khớp nên tránh phác đồ có chứa levofloxacin.

+ Phân đen, táo bón: bismuth có thể khiến cho lưỡi bị đen, phân có màu xám đen và gây táo bón. Triệu chứng này sẽ tự hết, đặc biệt khi kết thúc đợt điều trị. Tuy nhiên, cần phân biệt với phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để được hỗ trợ nếu có các triệu chứng nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa như nôn máu, đau bụng, mệt mỏi, tái nhợt..


+ Nhiều phác đồ có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy: Cần bổ sung thêm men vi sinh để giảm các tác dụng phụ này.

BS CKII. Cao Nguyên Đính

TK Trung tâm Nội soi tiêu hóa Bệnh viện 22 - 12

Tài liệu tham khảo

1. Hội khoa học tiêu hóa Việt Nam, Khuyến cáo chẩn đoán và điều trị Helicobacter pylori tại Việt Nam. Hà Nội: NXB Y học, 2013.

2. Trần Thiện Trung, Vi khuẩn helicobacter pylori Các phương pháp chẩn đoán.Bệnh dạ dày - Tá tràng và Nhiễm H.Pylori. NXB Y học, 2008.

3. Chey WD, Leontiadis GI, et all. ACG Clinical Guideline: Treatment of Helicobacter pylori Infection. Am J Gastroenterol 2017; 112:212.

4. Fallone CA, Chiba N, et al. The Toronto Consensus for the Treatment of Helicobacter pylori Infection in Adults. Gastroenterology 2016; 151:51.

5. Malfertheiner P, Megraud F, et al. Management of Helicobacter pylori infection-the Maastricht V/Florence Consensus Report. Gut 2017; 66:6.

6. Thomas Lamon. Patient education: Helicobacter pylori infection and treatment (Beyond the Basics) https://www.uptodate.com

7. Warren and Marshall, “Cập nhật Hướng dẫn điều trị Helicobacter Pylori của hiệp hội tiêu hóa Hoa Kỳ AGC 2017.” 2017.

Chia sẻ: