Yêu bao tử

VAI TRÒ CỦA THUỐC ỨC CHẾ BƠM PROTON (PPI)

27/09/2021

Thuốc ức chế bơm proton là loại thuốc ức chế tiết axit dạ dày được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.  

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) được biết đến là thuốc ức chế bài tiết axit dạ dày mạnh và được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quan đến axit dịch vị như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng....  

Thuốc ức chế bơm proton là gì? 

Con người đã đối phó với các bệnh liên quan đến axit theo nhiều cách khác nhau, đã có nhiều thuốc được phát triển như các thuốc trung hòa axit dịch vị chứa nhôm hoặc magie, hay thuốc kháng histamin H2… 

Thuốc ức chế bơm proton ức chế bơm H+ / K+ ATPase (bơm proton), con đường cuối cùng trong việc bài tiết axit dịch vị. 

Các thuốc ức chế bơm proton khi mới được giới thiệu 

Kể từ khi omeprazole được giới thiệu vào năm 1989, thuốc ức chế bơm proton (PPI) đã làm mờ dần các thuốc kháng H2 và trở thành thuốc chính trong điều trị liên quan đến rối loạn do tăng tiết axit dịch vị cho đến ngày nay. 

Tính đến năm 2021, có 6 loại PPI có sẵn ở Việt Nam bao gồm thuốc dưới đây theo hoạt chất và tên biệt dược gốc: 

  • Omeprazole (Prilosec, Losec) 
  • Lansoprazole (Prevacid) 
  • Rabeprazole (Aciphex, Pariet) 
  • Pantoprazole (Protonix, Pantoloc) 
  • Esomeprazole (Nexium, Nexium Mup, đồng phân S của omeprazole) 
  • Dexlansoprazole (Dexilant, đồng phân R của lansoprazole). 

PPIs điều trị những bệnh hoặc tình trạng nào? 

PPI là một thuốc cần được Bác sĩ kê đơn cho từng bệnh lý cụ thể và liệu trình cụ thể.  

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD hoặc NERD) 
  • Bệnh loét dạ dày – tá tràng (PUD) bao gồm cả do sử dụng aspirin/NSAIDs 
  • Là một phần của liệu pháp tiệt trừ Helicobacter pylori 
  • Hội chứng Zollinger – Ellisson 
  • Khó tiêu chức năng 
  • Các tình trạng tăng tiết bệnh lý khác 

GERD gây viêm thanh quản và ho mãn tính 

Barret thực quản 

Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan 

PPIs ức chế tiết axit bằng cách nào?  

Dạ dày sản xuất axit mạnh để tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Cơ thể tạo ra những hàng rào chất nhầy tự nhiên để chóng lại sự ăn mòn của axit dạ dày. Ở một số người sự cân bằng tự nhiên này bị phá vỡ và gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Ở những người khác, khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động bất thường gây ra tình trạng trào ngược axit.

  

Thuốc PPI làm giảm axit dạ dày bằng cách ức chế các thụ thể tạo ra axit trong niêm mạc dạ dày. Giúp vết loét mau lành hoặc ngăn ngừa chúng hình thành, PPI cũng giúp giảm các triệu chứng liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản do axit như chứng ợ nóng. 

PPI ban đầu ở dạng tiền thuốc (dạng chưa hoạt hóa) là một bazơ yếu, không bền với axit và có tính thấm qua màng. PPI đi qua dạ dày và được hấp thu ở ruột non. Sau khi được hấp thụ, tuần hoàn vận chuyển PPI khuếch tán vào thành dạ dày, tập trung trong các ống tiết axit. Tại đây, ở môi trường axit của niêm mạc dạ dày PPI được hoạt hóa thành dạng có hoạt động, sau đó liên kết với bơm H+ / K+ ATPase, bất hoạt bơm, ngăn cản tiết axit vào lòng dạ dày cho đến khi có các bơm mới thay thế.  

Có sự khác biệt giữa các chất ức chế bơm proton không? 

Có.  

Tất cả PPI đều có nhân benzimidazole cùng với nhóm pyridine được liên kết bởi một nhóm methylsulfinyl. Tuy nhiên, các thuốc PPI khác nhau được bào chế dựa trên sự thay thế khác nhau trên vòng pyridine và/ hoặc benzimidazole. 

Nên PPI khá tương tự nhau về mặt đặc tính dược lý học, hiệu quả tương tự nhau, nhưng có sự khác biệt liên quan đến các đặc tính dược động học, chuyển hóa thuốc và các tương tác thuốc. 

Thuốc ức chế bơm proton có an toàn hay không? 

Ngày nay, PPI vẫn là một điều trị thành công trong bệnh lý do tăng tiết axit dịch vị bởi thuốc dung nạp tốt, an toàn, hiệu quả. 

Trải qua gần 30 năm, những nghi ngờ về PPI cũng đang dần len lỏi trong cộng đồng. Điều khiến người bệnh quan tâm đặc biệt về tác dụng phụ và tương tác giữa thuốc PPI với thuốc khác. 

Tác dụng phụ của thuốc ức chế bơm proton là gì? 

Tất cả các loại thuốc được sử dụng đều có tác dụng phụ, PPI cũng không ngoại lệ.  

Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ khi bạn gặp hoặc nghi ngờ đó là do tác dụng phụ của thuốc vì nó cũng có thể nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh, phổ biến nhất là: 

  • Buồn nôn 
  • Khó chịu ở bụng 
  • Táo bón 
  • Đầy hơi 
  • Tiêu chảy. 
  • Tác dụng hiếm gặp: bệnh cơ (nghiêm trọng là tiêu cơ vân), đau khớp, nhức đầu và phát ban trên da. 

Tác dụng phụ ít gặp khi sử dụng dài ngày: 

  • Kém hấp thu chất dinh dưỡng: sắt, canxi, magie, vitamin B12… 
  • Tăng nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân loãng xương 
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn Clostridium diffile… 
  • Giảm trí nhớ 

Mặc dù các nguy cơ này rất nghiêm trọng nhưng không phải lúc nào cũng chứng minh được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả và vẫn đang còn được nghiên cứu thêm. 

Tuy nhiên người bệnh có thể yên tâm bởi hầu hết những người dùng thuốc ức chế bơm proton đều dung nạp tốt và không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào. 

Những tương tác giữa thuốc ức chế bơm proton và thuốc khác cần chú ý 

Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng: 

  • Ketoconazole (thuốc chống nấm), PPI làm giảm hấp thu thuốc và có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. 
  • Digoxin (thuốc chống loạn nhịp, trợ tim): PPI làm tăng sự hấp thu và nồng độ của thuốc có thể làm gia tăng độc tính của digoxin. 
  • Diazepam (thuốc an thần), phenytoin (thuốc điều trị động kinh) và warfarin (thuốc làm loãng máu): omeprazole và esomeprazole làm giảm sự phân hủy của thuốc qua gan và dẫn đến tăng nồng độ thuốc trong máu. 
  • Clopidogrel: thuốc ngăn chặn sự hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, thường được sử dụng ở người bị bệnh tim nhằm ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ. Liệu pháp kép với aspirin được khuyến cáo sau khi đặt stent mở động mạch vành nhưng có nguy cơ gây loét đường tiêu hóa. 
  • Để hoat hóa được clopidogrel, hoạt động của enzyme CYP2C19 là cần phải có và PPI cũng chuyển hóa qua men này. Theo Hội tim mạch Châu Âu năm 2019: “Thuốc ức chế bơm proton ức chế CYP2C19, đặc biệt là omeprazole và esomeprazole, có thể làm giảm đáp ứng dược lực học với clopidogrel. Mặc dù điều này không được chứng minh là ảnh hưởng đến nguy cơ biến cố thiếu máu cục bộ hoặc huyết khối trong stent, không khuyến cáo dùng đồng thời omeprazole hoặc esomeprazole với clopidogrel”. Có nhiều chiến lược được đề xuất để tránh tương tác, trong đó có sử dụng PPI ít chuyển hóa qua men CYP2C19 hơn như rabeprazole, pantoprazole. 

Để biết danh sách đầy đủ các tác dụng phụ và tương tác thuốc đầy đủ có thể xảy ra, hãy xem tờ hướng dẫn sử dụng thuốc mà bạn đang sử dụng.  

Điều cần nhớ khi sử dụng thuốc ức chế bơm proton? 

Nhiều người dùng PPI khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, có thể xảy ra sau khi ăn xong và cách này thường không hiệu quả, không giúp làm giảm triệu chứng. Do khi bạn dùng PPI vào đầu bữa ăn hoặc sau khi ăn, PPI cần thời gian để hấp thu và vào thời điểm PPI bắt đầu hoạt động, dạ dày của bạn đã giải phóng hầu hết axit. 

Để có kết quả tốt nhất, hãy: 

  • Uống thuốc trong khoảng 30 – 60 phút trước khi ăn, thường là buổi sáng. Hoặc nếu cần dùng liều thứ hai là trước khi ăn tối. 

Tóm lược 

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) vẫn là thuốc ức chế tiết axit mạnh nhất có sẵn và có hiệu quả cao trong điều trị, được dung nạp tốt, an toàn cho hầu hết người sử dụng. 

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời gian dài làm tăng nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng.   

Nhưng mọi can thiệp y tế đều cần xem xét cân bằng lợi ích và rủi ro. Vì vậy khi bạn có những vấn đề về tiết axit dạ dày nên đi khám để có lựa chọn tốt nhất cho mình. 

 

DS. Đàm Thị Nga

Tài liệu tham khảo: 

  1. Strand, D. S., Kim, D., & Peura, D. A. (2017). 25 years of proton pump inhibitors: a comprehensive review. Gut and liver, 11(1), 27. DOI: https://dx.doi.org/10.5009%2Fgnl15502  
  2. Kinoshita, Y., Ishimura, N., & Ishihara, S. (2018). Advantages and disadvantages of long-term proton pump inhibitor use. Journal of neurogastroenterology and motility, 24(2), 182. 
  3. Knuuti, J., Wijns, W., et al. (2020). 2019 ESC Guidelines for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes: the Task Force for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes of the European Society of Cardiology (ESC). European heart journal, 41(3), 407-477. https://doi.org/10.1093/eurheartj/ehz425  
  4. Wedemeyer, R. S., & Blume, H. (2014). Pharmacokinetic drug interaction profiles of proton pump inhibitors: an update. Drug safety, 37(4), 201-211. DOI: https://doi.org/10.1007/s40264-014-0144-0 
Chia sẻ: