Co thắt đau co thắt

Vai Trò Của Methylcobalamin Trong Điều Trị Biến Chứng Thần Kinh Ngoại Vi Đái Tháo Đường

30/12/2019

TS.BS Nguyễn Quang Bảy

Trưởng khoa nội tiết – Bệnh Viện Bạch Mai

Giảng viên Bộ môn Nội trường Đại Học Y Hà Nội .

Tổng thư ký hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam.

VAI TRÒ CỦA METHYLCOBALAMIN TRONG ĐIỀU TRỊ BIẾN CHỨNG THẦN KINH NGOẠI VI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Ước tính khoảng 30-50% các bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại biên, với tỷ lệ cao hơn ở những bệnh nhân bị đái tháo đường lâu, kiểm soát đường huyết kém. Nguyên nhân chính là do đường huyết cao làm tắc các tiểu động mạch nuôi dưỡng dây thần kinh và giảm điều hoà giãn mạch dẫn đến thiếu oxy gây tổn thương dây thần kinh. Khi mất trên 50% số sợi trục sẽ gây tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh.

Các triệu chứng của biến chứng thần kinh ngoại biên ở giai đoạn sớm là tê bì, tiếp đó là đau và tê rát đối xứng 2 cẳng bàn chân, nặng hơn nữa là mất cảm giác. Mức độ nặng của biến chứng thần kinh không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế do tăng chi phí điều trị và mất khả năng lao động. Đáng lo ngại nhất là biến chứng thần kinh ngoại biên làm tăng nguy cơ bị loét bàn chân và cắt cụt chân, đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy tất cả bệnh nhân đái tháo đường cần được khám sàng lọc định kỳ biến chứng thần kinh ngoại biên, chủ yếu là khám bàn chân và thực hiện các test thần kinh bằng monofilament, âm thoa…

Điều trị biến chứng thần kinh ngoại vi do đái tháo đường, gồm (1) điều trị theo cơ chế bệnh sinh, và (2) điều trị triệu chứng. Trong đó, kiểm soát đường huyết tốt (đạt mục tiêu và ít dao động) ngay từ đầu là cực kỳ quan trọng, có giá trị nền tảng trong dự phòng và điều trị biến chứng thần kinh ngoại biên do đái tháo đường.

Có 5 nhóm thuốc được FDA chấp thuận cho điều trị đau trong biến chứng thần kinh ngoại biên đái tháo đường, gồm (1) thuốc chống trầm cảm 3 vòng, (2) thuốc ức chế chọn lọc tái

bắt giữ serotonin (SSRI), (3) thuốc chống co giật, (4) thuốc opiate và (5) các loại kem/tấm dán. Trong đó nhóm thuốc chống co giật (Gabapentin và Pregabalin), điều hòa đáp ứng quá mức của neuron thần kinh, có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên do biến chứng thần kinh ngoại biên có cơ chế bệnh sinh phức tạp và thường được phát hiện muộn nên hiệu quả điều trị không cao, ít bệnh nhân hết đau hoàn toàn và nếu giảm đau 30-50% được coi là có ý nghĩa lâm sàng. Vì vậy cần có thêm các phương pháp điều trị phối hợp để cải thiện triệu chứng của biến chứng thần kinh ngoại biên.

Các nghiên cứu phát hiện thiếu vitamin B12 cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh gây biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân đái tháo đường. Thiếu vitamin B12 có thể gây (1) Tổn thương vỏ myelin bảo vệ các dây thần kinh, và (2) Thoái hóa và làm chết các sợi trục thần kinh. Đồng thời điều trị bổ sung vitamin B12 có ảnh hưởng đến vỏ myelin thông qua 4 cơ chế:

1. Cần thiết để tạo lipid và protein, là nguyên liệu để tạo myelin

2. Làm giảm nồng độ các acid amin độc cho hệ thần kinh

3. Có tác dụng điều hòa các cytokines và các yếu tố dinh dưỡng thần kinh

4. Có tác dụng chống oxy hóa trong hệ thần kinh trung ương, bảo vệ dây thần kinh khỏi viêm mãn tính, các gốc tự do và độc tố

Trên cơ sở đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh methylcobalamin (dẫn xuất của vitamin B12) có hiệu quả tốt đối với biến chứng đa dây thần kinh do đái tháo đường. Cụ thể, đơn trị liệu methylcobalamin làm giảm có ý nghĩa triệu chứng của bệnh lý thần kinh ngoại biên (thang điểm DNS, DNE, SAS) ở các bệnh nhân đái tháo đường; và phối hợp methylcobalamin với gabapentin làm tăng có ý nghĩa tác dụng điều trị đau do biến chứng thần kinh đái tháo đường sau 3 tháng điều trị so với điều trị gabapentin đơn thuần.

Tài liệu tham khảo:

1. Alpesh Chauhan. Screening and Assessment of Polyneuropathy in Diabetic Patients and the Effect of Vitamin B12 Administration on the Course of Neuropathy. Journal of clinical and Diagnostic Research. 2018, Aug, Vol 12 (8) 2. Aisha Hasan. Comparison of Gabapentin Monotherapy vs. Combination Therapy of Methylcobalamin and Gabapentin in Treating Diabetic Neuropathic Pain. Journal of Biology and Today's World, (2020) Volume 9, Issue 9

3. Alzoubi, K., Khabour, O., Hussain, N (2012). Mutation Research/Genetic Toxicology and Environmental Mutagenesis, 748(1), 48-51.

4. Lee, Y. J., Wang, M. Y., Lin, M. C., & Lin, P. T. (2016). Investigative Ophthalmology and Visual Science, vol. 38, no. 5, pp. 848-854, 1997

5. Victor M, Ropper AH. Adams and Victor’s principles of neurology, 7th ed. New York’ McGraw-Hill; 2001. p. 1218–22.

Chia sẻ: