Yêu bao tử

VAI TRÒ CỦA HỆ VI SINH ĐƯỜNG RUỘT TRONG CÁC BỆNH LÝ TIÊU HÓA

13/10/2021

Hệ vi sinh đường ruột của con người 

Hệ sinh sinh ruột của con người rất đa dạng bao gồm: vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Trong đó, vi khuẩn là thành phần quan trọng, chiếm tỷ lệ cao nhất và được nghiên cứu nhiều nhất. Cơ thể con người có khoảng 10 ngàn tỷ (1014) vi khuẩn, 80% số lượng vi khuẩn nằm ở đường tiêu hóa.  

Vi khuẩn trong cơ thể con người được chia làm 4 ngành chính: Firmicutes (65%), Bacteroidetes (16%), Acinobacteria (9%) và Proteobacteria (5%). Bacteroidetes và Firmicutes chiếm hơn 90% số lượng vi khuẩn trong ống tiêu hóa, 99% là vi khuẩn kỵ khí. Helicobacter pylori và Escherichia coli cũng gặp trên người khỏe mạnh, chúng trở nên gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. 

 Do ảnh hưởng của acid dịch vị và dịch mật nên thành phần và số lượng vi khuẩn sẽ thay đổi theo từng phân đoạn của ống tiêu hóa, thấp nhất ở dạ dày <102 /mL dịch hút, càng xuống thấp lượng vi khuẩn càng tăng, lượng vi khuẩn ở đại tràng là 1012 /mL dịch hút. Thành phần vi khuẩn ruột sẽ khác nhau giữa các cá thể và sẽ thay đổi trong quá trình phát triển từ lúc sinh ra đến lúc tuổi già. 

 

Sự hình thành hệ vi sinh đường ruột 

Sự hình thành hệ vi khuẩn ruột ảnh hưởng đầu tiên từ người mẹ trong lúc mang thai. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trong quá trình hình thành nên hệ vi sinh đường ruột trong những năm đầu đời. Nhiều nghiên cứu nhận thấy thành phần vi khuẩn ruột sẽ khác nhau giữa bé sinh thường và sinh mỗ, bú bình hay sữa mẹ, chế độ ăn dặm và sử dụng thuốc kháng sinh. Khi trẻ được 3 tuổi thì hệ vi sinh tương đối hoàn chỉnh, chế độ ăn góp phần quan trọng trong thành phần hệ vi sinh của mỗi cá thể sau này. Ngoài ra, thành phần vi khuẩn trong đường tiêu hóa của người khỏe mạnh còn phụ thuộc vào một số yếu tố: tuổi, giới tính, mội trường, hệ miễn dịch, di truyền, yếu tố xã hội, chủng tộc, văn hóa, thuốc (kháng sinh, thuốc ức chế tiết acid, metformin…). 

 

Vai trò của hệ vi sinh đường ruột 

  • Vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Tác dụng có lợi của vi khuẩn đường ruột là: 
  • Tạo ra nhiều loại vitamin: B1, B6, B9 và K được cơ thể hấp thu và sử dụng. 
  • Tạo ra các men giúp cơ thể hấp thu các chất điện giải: Ca, Mg, Fe. 
  • Tạo ra lớp chất nhày là hàng rào bảo vệ niêm mạc ruột. 
  • Tiêu hóa các chất thải đến ruột già để tạo ra các acid béo chuỗi ngắn (SCFAs) cung cấp năng lượng chính cho niêm mạc ruột. 
  • Giúp tiêu hóa đường và chất xơ không hấp thu nhưng không tạo ra hơi trong đường ruột. 
  • Một số vi khuẩn đường ruột tiết ra một số chất kháng khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể và trung hòa độc tố. 
  • Tạo ra một số chất bảo vệ cơ thể chống lại hiện tượng viêm và điều hòa miễn dịch.

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột là gì? 

Hệ sinh đường ruột có thành phần vi khuẩn rất phong phú và đa dạng, trong đó có khoảng 85% vi khuẩn có lợi, 15% vi khuẩn có thể gây bệnh cho cơ thể. Tuy nhiên, mỗi loài vi khuẩn có một vai trò khác nhau và có sự cân bằng giữa các loài vi khuẩn lợi và hại. Một cơ thể khỏe mạnh khi có sự cân bằng giữa các loài vi khuẩn và tính đa dạng của hệ vi sinh đường ruột.  

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột xảy ra khi có mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột (thay đổi số lượng vi khuẩn, tăng chủng loại khuẩn có hại và giảm chủng loại khuẩn có lợi) và giảm đi chủng loại (tính đa dạng) của vi khuẩn có trong ruột. 

 

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột gây ra những bệnh lý nào? 

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột sẽ ảnh hưởng đến chức năng chuyển hóa và miễn dịch của ruột, thay đổi hàng rào niêm mạc ruột, chuyển vị vi khuẩn ruột sẽ gây ra một số bệnh lý tiêu hóa. 

  • Phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non (small intestinal bacterial overgrowth = SIBO). Nguyên nhân là do giảm tiết acid dạ dày hoặc dịch mật hoặc dịch tụy, giảm vận động của ruột như dùng thuốc hay bệnh lý thần kinh, bất thường giải phẫu, suy giảm miễn dịch. Triệu chứng thường là đau bụng, đầy bụng, chướng căng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón, sụt cân. Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán là hút dịch tá tràng vi khuẩn > 103 CFU/ mL hoặc dịch hổng tràng > 105CFU/mL.  
  • Hội chứng lên men ruột: là bệnh lý hiếm gặp và khó chẩn đoán, thường gặp bệnh nhân tiểu đường, xơ gan, sử dụng kháng sinh kéo dài, ăn quá nhiều carbohydrat. Nguyên nhân do vi khuẩn Klesiella pneumonia, E coli, Streptococcus, Clostridium, nấm Candida, nấm Saccharomyces chuyển hóa carbohydrat thành rượu nội sinh. Bệnh nhân có triệu chứng: đau bụng, bụng chướng, thay đổi tri giác. Chẩn đoán dựa vào có sự hiện diện rượu trong máu, hơi thở hoặc nước tiểu trên người không uống rượu. Ngoài ra có thể xét nghiệm dịch đường tiêu hóa hay phân để tìm nguyên nhân gây bệnh. 
  • Hội chứng ruột kích thích (irritable bowel syndrome = IBS): thay đổi vi khuẩn ruột là một trong những nguyên nhân gây IBS. Bệnh nhân IBS có giảm tính đa đạng của vi khuẩn ruột, tăng Firmicutes và giảm Bacteroidetes. Bệnh nhân có triệu chứng chính là đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu mà không có tổn thương đường tiêu hóa. 
  • Bệnh ruột viêm (Inflammatory bowel disease = IBD) bao gồm 2 bệnh: viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Bệnh nhân IBD có giảm tính đa dạng và giảm số lượng Firmicutes và Bacteroidetes, tăng chủng Preoteobacteria (E coli…). IBS là do phản ứng của môi trường (chế độ ăn, hút thuốc, stress) với kiểu gen của ký chủ làm thay đổi vi trùng thường trú ở đại tràng. Triệu chứng thường gặp là tiêu chảy máu, sốt, đau bụng, sụt cân…Chẩn đoán chủ yếu dựa vào nội soi sinh thiết niêm mạc ruột. 
  • Viêm ruột hoại tử: thường gặp ở trẻ em. Giảm đi tính đa dạng và tăng số lượng vi khuẩn Proteobacteria là nguyên nhân chính gây bệnh 

Điều trị rối loạn hệ vi sinh đường ruột 

Thành phần hệ vi sinh đường ruột của người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn. Để có hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh nên có một chế độ ăn phù hợp giúp cân bằng thành phần cũng như tính đa dạng của hệ vi sinh. 

 

Chế độ ăn cân bằng các chất: glucid, lipid, protid, chất xơ, vitam min và các chất vi lượng là cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, mỗi thành phần thức ăn sẽ làm tăng hoặc giảm các chủng vi khuẩn đường ruột. Nên chựa chọn chế độ ăn phù hợp với từng cá thể và dựa vào từng loại bệnh lý. 

 

Ngoài các chất dinh dưỡng chính, vitamin có sẵn trong cơ thể cũng ảnh hưởng đến vi khuẩn ruột. Vitamin D có vai trò quan trọng trong điều hòa thành phần vi khuẩn ruột. Thiếu vitamin D sẽ gây loạn khuẩn ruột, tăng tình trạng viêm và viêm đại tràng nặng nề hơn. Vì vậy cần bổ dung vitamin D cho bệnh nhân có rối loạn khuẩn ruột. 

 

Chế độ ăn theo người “cổ đại” hay” tự nhiên” được xem như phù hợp cho hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh. Phương pháp chế biến và lựa chọn thành phần thức ăn cũng rất cần thiết. 

  • Thực phẩm nên để tươi hoặc chế biến: hấp, luộc hoặc om. 
  • Sử dụng thường xuyên: nước suối, trà thảo dược, thực phẩm lên men, trái cây tươi, rau xanh, giá đỗ, trái cây tươi, dầu oliu, protein từ nạc cá. 
  • Ăn uống điều độ: gạo lức, kiều mạch, rau củ, sản phẩm sữa lên men, cà phê, trà, động vật ăn cỏ. 
  • Ăn không thường xuyên: thịt nấu chín không chứa nitrit, rượu vang đỏ. 

Không nên ăn những loại thức ăn: 

  • Thực phẩm có chỉ số đường huyết cao 
  • Ngũ cốc chứa gluten 
  • Chất béo bão hòa 
  • Thịt chưa nấu chín, thịt từ động vật không nuôi bằng cỏ  

Bổ sung thêm probiotic là những vi sinh vật sống khi đưa vào cơ thể khi đưa vào cơ thể với lượng đầy đủ sẽ có lợi sức khỏe người dùng. Các loại probiotic thường sử dụng: Saccharomyces boulardii, Bifidobacterium, Lactobacillus. Probiotic có tác dụng ức chế phát triển mầm bệnh, ngăn tiêu chảy, tạo ra các vitamin B và acid folic, điều hòa miễn dịch, chống đầy bụng…. Ngoài ra probiotic còn có vai trò trong điều trị ung thư trong một số nghiên cứu. Probiotic sẽ biến mất khỏi phân sau 1 tuần, vì vậy nên uống liên tục. 

Kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp rối loạn khuẩn ruột như: SIBO, hội chứng lên men ruột, viêm ruột hoại tử…. 

THS.BS. Mã Phước Nguyên 

Phó Trưởng Khoa Nội Tiêu Hóa - Bệnh viện Chợ Rẫy

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. El-Salhy, M., Hatlebakk, J. G., & Hausken, T. (2015). Understanding and Controlling the Irritable Bowel. Springer International Publishing. 
  2. Ginnebaugh, B., Chey, W. D., & Saad, R. (2020). Small intestinal bacterial overgrowth: how to diagnose and treat (and Then Treat Again). Gastroenterology Clinics, 49(3), 571-587. 
  3. Bayoumy, A. B., Mulder, C. J., Mol, J. J., & Tushuizen, M. E. (2021). Gut fermentation syndrome: A systematic review of case reports. UEG Journal, 9(3), 332-342. 
  4. Sartor, R. B. (2008). Microbial influences in inflammatory bowel diseases. Gastroenterology, 134(2), 577-594. 
  5. Biswas, D., & Rahaman, S. O. (Eds.). (2020). Gut Microbiome and Its Impact on Health and Diseases. Springer International Publishing. 
  6. Haller, D. (Ed.). (2018). The gut microbiome in health and disease. Springer. 
  7. Petersen, C., & Round, J. L. (2014). Defining dysbiosis and its influence on host immunity and disease. Cellular microbiology, 16(7), 1024-1033.
Chia sẻ: