Hiểu về Alzheimer

Thông tin hữu ích về các phương pháp điều trị bệnh Alzheimer

04/05/2023

Bệnh Alzheimer gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, kinh tế và gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân và gia đình. Bài viết sau đây bạn đọc hãy cùng Bác sĩ… để tìm hiểu thông tin về các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh sa sút trí tuệ nhé!

1. Điều trị không dùng thuốc

Hiện nay, không có cách điều trị dứt điểm bệnh Alzheimer. Tuy nhiên vẫn có một số phương pháp giúp người bệnh sống tốt hơn, bao gồm điều trị không dùng thuốc, chăm sóc và điều trị dùng thuốc. Để lựa chọn phương pháp phù hợp, người bệnh nên nói chuyện với chuyên gia y tế trong ngành, có thể là:

  • Bác sĩ thần kinh hoặc chuyên gia y tế về sức khỏe tâm thần.
  • Nhà tâm lý học lâm sàng.
  • Chuyên gia vật lý trị liệu.
  • Bác sĩ đa khoa.

Đối với người mắc bệnh Alzheimer, việc can thiệp hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất rất quan trọng. Hiện tại có các hiệp hội Alzheimer với bác sĩ và nhân viên y tế  hỗ trợ tận tình. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất với người bệnh và người nhà của bệnh nhân.

Hỗ trợ điều trị không dùng thuốc

Hiện nay có nhiều biện pháp giúp cải thiện trí nhớ và làm quen với triệu chứng cho bệnh nhân Alzheimer. Đầu tiên, bắt đầu từ việc cải thiện thói quen sử dụng thuốc hàng ngày (thuốc dùng để điều trị các bệnh khác). Thuốc sẽ được chia vào hộp thuốc để giúp họ dễ dàng sử dụng trong tuần.

Hộp chia thuốc sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer

Hình: Hộp chia thuốc sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer

Bên cạnh đó còn có các thiết bị công nghệ với chức năng nhắc nhở như đồng hồ hoặc điện thoại thông minh. Người bị Alzheimer có thể quên các hoạt động trong ngày như ăn cơm, uống thuốc, vệ sinh cá nhân. Do đó họ rất cần có các thiết bị nhắc nhở. Các thiết bị này đặc biệt cần thiết trong trường hợp người bệnh sinh sống một mình không có người hỗ trợ bên cạnh.

Đa phần người mắc Alzheimer dễ bị trầm cảm và có các biểu hiện lo lắng. Vì vậy cần các chuyên gia tâm lý trò chuyện để thay đổi nhận thức của người bệnh, từ đó cải thiện cuộc sống của họ.

Tinh thần của người bệnh Alzheimer là điều quan trọng khi điều trị bệnh. Tâm lý của họ cần được giữ cân bằng và luôn trong trạng thái suy nghĩ tích cực. Một số người có thể cải thiện bệnh nhờ việc chia sẻ những câu chuyện của bản thân họ. Từ những câu chuyện đời thường công việc, con cái, hay thành tích đã đạt được. Việc này giúp bệnh nhân cải thiện được trí nhớ và cảm thấy yêu đời hơn.

Giữ tinh thần ổn định và duy trì hoạt động xã hội sẽ tác động tích cực đến người mắc bệnh Alzheimer. Họ có thể tham gia các hoạt động mà họ yêu thích hoặc trải nghiệm những hoạt động mới. Các hoạt động cụ thể sau:

  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ, đi bơi, thái cực quyền.
  • Rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc sách hoặc chơi trò chơi câu đố.
  • Tham gia hoạt động văn nghệ như hát, nhảy hoặc sáng tác nhạc.
  • Tham gia các buổi vẽ tranh, làm thủ công hoặc các hoạt động khác tùy theo sở thích.
  • Tham quan bảo tàng, phòng trưng bày, hoặc tham gia những chuyến du lịch ngắn trong ngày.

Hoạt động gợi nhớ về thời gian, đồ vật, ký ức cho bệnh nhân

Hình: Hoạt động gợi nhớ về thời gian, đồ vật, ký ức cho bệnh nhân

Theo thời gian, những thay đổi trong hành vi của người bệnh Alzheimer như kích động, nổi nóng sẽ dễ xảy ra hơn. Những hành vi này là dấu hiệu cho thấy người bệnh đang gặp khó khăn hoặc không hài lòng với điều gì đó. Nguyên nhân của việc này có thể là do:

  • Bệnh nhân khát nước hoặc đói.
  • Họ đang cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Họ bị đau ở vị trí nào đó. Hoặc có vấn đề khác gây khó chịu như táo bón, ngứa hoặc nhiễm trùng.
  • Nơi ở quá ồn ào, quá nhiều ánh sáng hoặc lộn xộn. Mức độ nhạy cảm tuỳ vào người bệnh.
  • Họ cảm thấy khó chịu khi không đeo được kính hay máy trợ thính, hoặc các thiết bị đó bị lỗi không hoạt động.
  • Khi họ không hiểu được lời nói của người khác.
  • Khi bệnh nhân cảm thấy thất vọng.

Khi chúng ta thấu hiểu được nguyên nhân phía sau những hành động của người bệnh, chúng ta sẽ chọn được phương pháp phù hợp để giúp đỡ họ. Nhờ vào việc cùng nhau tâm sự, kể chuyện về cuộc sống, giải trí và tập thể dục. Quan trọng là phải tạo cho họ cảm giác an toàn, tràn đầy tình yêu thương.

Nhiều người khi mắc bệnh Alzheimer thường bị gián đoạn giấc ngủ giữa đêm và khó ngủ hơn người bình thường. Các nghiên cứu về sóng não chỉ ra có sự suy giảm thời gian trong cả giai đoạn ngủ mơ và không mơ của họ. Khi người bệnh không ngủ được có thể họ sẽ đi lang thang hoặc la hét, gọi to. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người chăm sóc họ.

Ngoài ra người bệnh còn bị rối loạn chu kỳ các giấc ngủ trong ngày. Cụ thể là họ sẽ cảm thấy rất buồn ngủ vào ban ngày, nhưng họ không buồn ngủ vào ban đêm. Họ có thể trở nên bồn chồn hoặc dễ kích động vào cuối buổi chiều, đây được gọi là hiện tượng “mặt trời lặn”. Các chuyên gia ước tính rằng ở giai đoạn cuối của bệnh Alzheimer, bệnh nhân thường ngủ vào ban đêm ít hơn và dành thời gian ngủ ngày nhiều hơn.

Phương pháp điều trị mất ngủ không dùng thuốc

Phương pháp không dùng thuốc dựa trên việc cải thiện thói quen ngủ và môi trường ngủ và giảm giấc ngủ trưa. Các chiến lược điều trị không dùng thuốc phải luôn được áp dụng trước khi dùng thuốc, vì một số loại thuốc ngủ có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Để tạo một môi trường ngủ phù hợp và việc nghỉ ngơi cho người mắc bệnh Alzheimer, bạn hãy:

  • Lên kế hoạch thời gian cho các bữa ăn, giờ đi ngủ và giờ thức dậy.
  • Dẫn bệnh nhân đi dạo vào buổi sáng để người bệnh được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn.
  • Khuyến khích tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhưng không tập vào buổi chiều tối và trước khi đi ngủ.
  • Tránh uống đồ có cồn và chất kích thích như rượu, caffeine và nicotin.
  • Điều trị những cơn đau của người bệnh.
  • Nếu người đó đang dùng thuốc ức chế men cholinesterase (tacrine, donepezil, rivastigmine hoặc galantamine), tránh uống thuốc trước khi đi ngủ.
  • Kiểm soát nhiệt độ phòng ngủ phù hợp với bệnh nhân.
  • Bật đèn ngủ trong phòng và các dụng cụ bảo vệ bệnh nhân.
  • Nếu người bệnh thức dậy, nên dẫn họ ra ngoài đi dạo. Không để bệnh nhân nằm trên giường khi tỉnh táo, lưu ý chỉ khi đi ngủ mới nằm trên giường.
  • Không khuyến khích xem tivi trong tình trạng tỉnh táo.

Các hoạt động ngoài trời giúp bệnh nhân không ngủ ngày

Hình: Các hoạt động ngoài trời giúp bệnh nhân không ngủ ngày

Nếu đã áp dụng các biện pháp không dùng thuốc nhưng không thấy cải thiện, bệnh nhân nên được thăm khám bởi các chuyên gia, bác sĩ lâm sàng để cân nhắc sử dụng thuốc. Những ai đang chăm sóc người bệnh và nhận thấy họ có những biểu hiện tương tự. Thì bạn nên chăm sóc họ như cách chăm sóc bệnh nhân mắc Alzheimer.

2. Điều trị dùng thuốc

Thuốc làm thay đổi diễn tiến bệnh

Aducanumab (Thuốc chưa có tại Việt Nam)

Aducanumab là một kháng thể đơn dòng sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer trong giai đoạn đầu, bao bồm bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) hoặc sa sút trí tuệ nhẹ do bệnh Alzheimer.

  • Aducanumab được chỉ định để điều trị bệnh Alzheimer.
  • Thuốc được nghiên cứu ở những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu - bao gồm những người bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) hoặc sa sút trí tuệ nhẹ do bệnh Alzheimer. Điều trị bằng Aducanumab phù hợp với đối tượng bệnh được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng.
  • Hiện chưa có dữ liệu về tính an toàn hoặc hiệu quả của việc bắt đầu điều trị ở giai đoạn sớm hơn hoặc muộn hơn của bệnh Alzheimer.

Các tác dụng không mong muốn phổ biến nhất bao gồm: bất thường trên ảnh chụp MRI liên quan đến amyloid (ARIA - amyloid-related imaging abnormalities), nhức đầu và té ngã. Một tác dụng phụ nghiêm trọng khác có thể xảy ra là phản ứng dị ứng.

ARIA thường không có triệu chứng, có thể trở nên nghiêm trọng nếu không kịp thời phát hiện. Đặc điểm của ARIA là sưng ở các vùng não và sẽ tự khỏi theo thời gian. Một số người có những đốm xuất huyết nhỏ trong trên bề mặt não kèm theo sưng tấy. Một số người có thể gặp phải các triệu chứng  của ARIA như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, lú lẫn và thay đổi thị lực.

Lecanemab (Thuốc chưa có tại Việt Nam)

Lecanemab là một kháng thể kháng amyloid tiêm truyền tĩnh mạch (IV). Lecanemab được phê duyệt cho điều trị Alzheimer giai đoạn đầu khi có bằng chứng tăng beta-amyloid.

Do đó, trước khi sử dụng Lecanemab, bệnh nhân cần được xác định có sự tăng mảng bám beta-amyloid trong não của họ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo phổ biến nhất là các phản ứng liên quan đến truyền dịch như dị ứng. Ngoài ra còn các bất thường về hình ảnh liên quan đến amyloid (ARIA).

Tên thuốc (Generic/Brand) Chỉ định Tác dụng phụ thường gặp
Aducanumab Bệnh Alzheimer (MCI hoặc chứng mất trí nhớ nhẹ) ARIA, nhức đầu và té ngã
Lecanemab Bệnh Alzheimer (MCI hoặc chứng mất trí nhớ nhẹ) ARIA, phản ứng liên quan đến truyền dịch

Bảng 1. Điều trị thay đổi diễn tiến bệnh

Điều trị triệu chứng liên quan đến nhận thức (trí nhớ và suy nghĩ)

Trong quá trình bệnh Alzheimer tiến triển, các tế bào não chết đi và mất kết nối với các tế bào khác. Điều này khiến cho các triệu chứng liên quan đến nhận thức ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Những loại thuốc này tuy không ngăn chặn được tổn thương do Alzheimer gây ra cho các tế bào não, nhưng chúng có thể giúp giảm bớt triệu chứng. Ngoài ra thuốc sẽ tác động lên một số chất trung gian dẫn truyền thần kinh của não. Dẫn đến giúp ổn định các triệu chứng bệnh trong một khoảng thời gian.

Các loại thuốc sau đây được kê toa để điều trị các triệu chứng liên quan đến trí nhớ và suy nghĩ.

Thuốc ức chế men cholinesterase

Thuốc ức chế men cholinesterase được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan đến trí nhớ, suy nghĩ, ngôn ngữ, phán đoán và các quá trình suy nghĩ khác. Những loại thuốc này ngăn chặn sự phân hủy của acetylcholine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng đối với trí nhớ và học tập. Nhóm thuốc này giúp các tế bào thần kinh kết nối với nhau tốt hơn.

Thuốc thuộc nhóm ức chế Cholinesterase thường được sử dụng bao gồm:

  • Donepezil: được chấp thuận sử dụng điều trị trong tất cả các giai đoạn của bệnh Alzheimer.
  • Rivastigmine: được chấp thuận sử dụng cho bệnh Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra còn điều trị chứng mất trí nhẹ đến trung bình liên quan đến bệnh Parkinson.
  • Galantamine: được chấp thuận sử dụng từ giai đoạn nhẹ đến trung bình của bệnh Alzheimer.

Thuốc thuộc nhóm ức chế Cholinesterase dung nạp tốt. Tuy nhiên thuốc có thể mang lại các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chán ăn và rối loạn tiêu hoá.

Thuốc điều hòa hoạt tính glutamate

Thuốc điều hòa hoạt tính glutamate được sử dụng để cải thiện trí nhớ, sự tập trung, lý trí, ngôn ngữ và khả năng thực hiện các hoạt động đơn giản. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế hoạt tính glutamate. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến bệnh Alzheimer.

Memantine là hoạt chất thuộc nhóm thuốc này, được phê duyệt sử dụng cho người bệnh Alzheimer mức độ từ trung bình đến nặng. Các tác dụng phụ có thể gây ra bao gồm: đau đầu, táo bón, lú lẫn và chóng mặt.

Phối hợp hoạt chất ức chế men cholinesterase và điều hòa hoạt tính glutamate:

Đây là loại thuốc được kết hợp giữa chất ức chế Cholinesterase và chất điều hòa Glutamate, được phê duyệt sử dụng cho bệnh Alzheimer từ mức độ trung bình đến nặng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn, tăng tần suất đi ngoài, táo bón và lú lẫn.

Tên (Chung/Nhãn hiệu) Chỉ định Tác dụng phụ phổ biến
Donepezil Bệnh Alzheimer mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
Bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu (Sa sút trí tuệ trong bệnh mạch máu não)
Tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, nôn, co cứng cơ
Galantamine Sa sút trí tuệ từ nhẹ đến trung bình do bệnh Alzheimer Buồn nôn, nôn, chán ăn và đi ngoài nhiều hơn.
Rivastigmine Sa sút trí tuệ từ nhẹ đến trung bình do bệnh Alzheimer hoặc Parkinson Buồn nôn, nôn, chán ăn và đi ngoài nhiều hơn.
Memantine  Chứng mất trí từ trung bình đến nặng do bệnh Alzheimer Nhức đầu, táo bón, lú lẫn và chóng mặt.
Memantine + Donepezil Sa sút trí tuệ từ trung bình đến nặng do bệnh Alzheimer Buồn nôn, nôn, chán ăn, tăng tần suất đi tiêu, nhức đầu, táo bón, lú lẫn và chóng mặt.

Bảng 2. Điều trị triệu chứng liên quan đến nhận thức (trí nhớ và suy nghĩ)

Điều trị triệu chứng không liên quan đến nhận thức (tâm lý và hành vi)

Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Alzheimer còn bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng liên quan đến hành vi và tâm lý. Các triệu chứng có thể kể đến như rối loạn giấc ngủ, kích động, ảo giác và hoang tưởng. Điều trị bằng thuốc là phương pháp cần thiết để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên chiến lược điều trị không dùng thuốc nên được sử dụng trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc.

Bệnh lý Alzheimer gây lú lẫn, mất trí nhớ, rối loạn hành vi

Hình: Bệnh lý Alzheimer gây lú lẫn, mất trí nhớ, rối loạn hành vi

Hiện nay, FDA đã phê duyệt một loại thuốc với chỉ định làm giảm các triệu chứng mất ngủ ở những người mắc chứng mất trí nhớ. Ngoài ra các loại thuốc điều trị cho triệu chứng về rối loạn hành vi,tâm lý vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Chất đối kháng thụ thể Orexin

Suvorexant được kê đơn để điều trị chứng mất ngủ, với cơ chế ức chế hoạt động của orexin - một loại chất dẫn truyền thần kinh trong chu kỳ ngủ-thức. Trong các thử nghiệm lâm sàng, thuốc cho thấy tác động trên những người mắc bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm buồn ngủ, rối loạn phối hợp vận động (bao gồm cả khả năng lái xe), làm trầm trọng hơn tình trạng trầm cảm hoặc bệnh nhân có ý định tự tử. Ngoài ra còn các hành vi phức tạp khác trong giấc ngủ, ví dụ như mộng du và lái xe khi ngủ, tê liệt và ngừng thở khi ngủ.

Tên (Chung/Nhãn hiệu) Chỉ định Tác dụng phụ thường gặp
Suvorexant Mất ngủ, hiệu quả đã được chứng minh ở những người mắc bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình. Suy giảm sự tỉnh táo và phối hợp vận động, trầm cảm nặng hơn hoặc có ý định tự tử, hành vi ngủ phức tạp, tê liệt khi ngủ, tổn thương chức năng hô hấp.

Bảng 3. Điều trị triệu chứng không liên quan đến nhận thức (tâm lý và hành vi)

Thuốc hỗ trợ thay đổi giấc ngủ

Trong một số trường hợp, các phương pháp không dùng thuốc không hiệu quả hoặc tình trạng rối loạn giấc ngủ xuất hiện thêm hành vi gây rối vào ban đêm. Đối với những người cần dùng thuốc trong trường hợp này, các chuyên gia khuyên rằng việc điều trị “bắt đầu ở mức độ thấp và từ từ”.

Nguy cơ của thuốc ngủ đối với người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức là rất đáng kể. Có thể kể đến như tăng nguy cơ té ngã và gãy xương, lú lẫn và suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu sử dụng thuốc ngủ, nên cố gắng ngừng dùng thuốc khi đã tập được thói quen ngủ đều đặn.

Quyết định sử dụng thuốc chống loạn thần nên được xem xét hết sức thận trọng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những loại thuốc này có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong ở người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu các nhà sản xuất dán nhãn “hộp đen” với những loại thuốc như vậy để cảnh báo về rủi ro của thuốc và nhắc nhở rằng các thuốc này không được chấp thuận để điều trị các triệu chứng sa sút trí tuệ.

2. Điều trị theo mức độ bệnh

Mức độ nhẹ đến trung bình

Điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer mang lại cho người bệnh sự thoải mái và sự độc lập trong thời gian dài hơn. Đồng thời cũng có thể khuyến khích và hỗ trợ tinh thần những người chăm sóc họ. Galantamine, Rivastigmine và Donepezil là những chất ức chế Cholinesterase được kê đơn cho các triệu chứng bệnh Alzheimer từ nhẹ đến trung bình. Những loại thuốc này có thể giúp làm giảm hoặc kiểm soát triệu chứng về nhận thức và hành vi.

Hiện nay vẫn chưa đủ bằng chứng về cơ chế của thuốc ức chế Cholinesterase trong điều trị bệnh Alzheimer. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chúng ngăn chặn sự phân hủy Acetylcholine, một chất quan trọng đối với trí nhớ và tư duy. Khi bệnh Alzheimer tiến triển, não sẽ giảm sản sinh Acetylcholine, vì vậy những loại thuốc này sẽ không phù hợp với giai đoạn muộn của bệnh. Các thuốc trong cùng một nhóm có hiệu quả tương đương nhau. Tuy nhiên người bệnh Alzheimer có thể đáp ứng với một thuốc tốt hơn so với các thuốc khác trong cùng nhóm.

Các loại thuốc tác động vào cơ chế sinh lý bệnh được sẽ làm thay đổi diễn tiến của bệnh. Aducanumab là loại thuốc làm thay đổi diễn tiến bệnh duy nhất hiện được phê duyệt để điều trị bệnh Alzheimer.

Trước khi kê đơn Aducanumab, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu chụp PET hoặc phân tích dịch não tủy để đánh giá xem có chất lắng đọng amyloid trong não hay không. Điều này có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh Alzheimer trước khi kê đơn thuốc. Sau khi bệnh nhân dùng Aducanumab, bác sĩ sẽ kiểm tra kết quả cộng hưởng từ (MRI) định kỳ để theo dõi các tác dụng phụ như sưng não hoặc chảy máu trong não (ARIA - amyloid-related imaging abnormalities).

Hiện tại các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu hiện quả của các loại thuốc khác. Các thuốc này cũng được xem là ứng viên tiềm năng để điều trị Alzheimer giai đoạn nhẹ và suy giảm nhận thức giai đoạn đầu.

Mức độ trung bình đến nặng

Memantine là hoạt chất đối kháng N-methyl D-aspartate (NMDA), được kê đơn để điều trị bệnh Alzheimer ở mức độ từ trung bình đến nặng. Tác dụng chính của thuốc này là làm giảm các triệu chứng. Điều này có thể giúp một số người bệnh duy trì các hoạt động hàng ngày nhất định lâu hơn một chút so với khi không dùng thuốc. Ví dụ, Memantine có thể giúp một người ở giai đoạn muộn của bệnh có khả năng tự tắm trong vài tháng. Đây là một lợi ích đối với cả người mắc bệnh Alzheimer và người chăm sóc.

Memantine hoạt động bằng cách điều chỉnh Glutamate, một chất hóa học quan trọng trong não. Khi được sản xuất với số lượng quá nhiều, Glutamate có thể dẫn đến chết tế bào não. Vì cơ chế đối kháng NMDA hoạt động khác với thuốc ức chế Cholinesterase nên hai loại thuốc này có thể được phối hợp để cùng nhau.

FDA cũng đã phê duyệt cho Donepezil, miếng dán Rivastigmine và thuốc kết hợp Memantine và Donepezil để điều trị bệnh Alzheimer từ trung bình đến nặng.

Tên thuốc Nhóm thuốc và chỉ định Cơ chế hoạt động Tác dụng phụ thường gặp
Aducanumab Liệu pháp miễn dịch thay đổi diễn tiến bệnh được chỉ định để điều trị chứng suy giảm nhận thức nhẹ hoặc bệnh Alzheimer nhẹ. Loại bỏ beta-amyloid bất thường để giúp giảm số lượng mảng bám trong não. Bất thường hình ảnh liên quan đến amyloid (ARIA), có thể gây tụ máu hoặc chảy máu trong não; cũng đau đầu, chóng mặt, té ngã, tiêu chảy, nhầm lẫn.
Donepezil Chất ức chế Cholinesterase được kê toa để điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer nhẹ, trung bình và nặng. Ngăn chặn sự phân hủy Acetylcholine trong não. Tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, nôn, co cứng cơ.
Rivastigmine Chất ức chế Cholinesterase được kê toa để điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer nhẹ, trung bình và nặng. Ngăn chặn sự phân hủy Acetylcholine và Butyrylcholine (một chất hóa học trong não tương tự như Acetylcholine) trong não. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sụt cân, khó tiêu, yếu cơ.
Memantine Chất đối kháng N-methyl D-aspartate (NMDA) được kê đơn để điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer từ trung bình đến nặng. Ngăn chặn các tác động độc hại liên quan đến Glutamate dư thừa và điều chỉnh kích hoạt Glutamate. Chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy, táo bón, lú lẫn.
Phối hợp Memantine và Donepezil Chất đối kháng NMDA và chất ức chế Cholinesterase được kê đơn để điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer từ trung bình đến nặng. Ngăn chặn các tác động độc hại liên quan đến Glutamate dư thừa và ngăn chặn sự phân hủy Acetylcholine trong não. Nhức đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, chán ăn.
Galantamine Chất ức chế Cholinesterase được kê toa để điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer nhẹ đến trung bình. Ngăn chặn sự phân hủy Acetylcholine và kích thích các thụ thể Nicotinic giải phóng nhiều Acetylcholine hơn trong não. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, chóng mặt, nhức đầu.

Bảng 4. Điều trị theo mức độ bệnh

4. Những liệu pháp điều trị mà lợi ích chưa được chứng minh

Hiện nay nhiều liệu pháp bổ sung đã được áp dụng ở những bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ với kết quả phần lớn là đều không như mong đợi.

Liệu pháp estrogen thay thế — Không có bằng chứng nào cho thấy việc bắt đầu thay thế estrogen có lợi trong điều trị hoặc phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ.

Thuốc chống viêm — Vai trò của việc sử dụng thuốc chống viêm trong điều trị và phòng ngừa Alzheimer vẫn đang được nghiên cứu. Các nghiên cứu về sinh lý bệnh đã chứng minh amyloid gây ra phản ứng viêm với sự kích hoạt vi mô thần kinh đệm và giải phóng cytokine. Ngoài ra, một số nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID và các loại thuốc chống viêm khác) có liên quan đến sự giảm tỉ số chênh mắc bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng không ủng hộ phương pháp điều trị này. Ngoại trừ một thử nghiệm lâm sàng nhỏ về indomethacin, các thử nghiệm ngẫu nhiên về thuốc chống viêm bao gồm naproxen, hydroxychloroquine, diclofenac, rofecoxib và aspirin không tìm thấy lợi ích của các thuốc này trong việc làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở bệnh nhân Alzheimer. Ngoài ra, tác dụng phụ xảy ra phổ biến hơn ở những bệnh nhân được điều trị so với nhóm chứng. Đặc biệt, việc sử dụng lâu dài chất ức chế cyclooxygenase 2 (COX-2) rofecoxib có liên quan đến việc tăng nguy cơ biến cố tim mạch.

  • Ginkgo biloba — Theo kết quả từ một nghiên cứu về cây bạch quả trong suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ, chưa ghi nhận được bằng chứng về hiệu quả của cây bạch quả trong bệnh Alzheimer. Hiện chưa có nghiên cứu nào thay đổi kết luận này.
  • Vitamin B – Một thử nghiệm ngẫu nhiên kéo dài 18 tháng khi bổ sung phức hợp vitamin B liều cao (folate, B6, B12) ở 340 bệnh nhân mắc Alzheimer từ nhẹ đến trung bình không thấy tác động có lợi trên nhận thức người bệnh.
  • Axit béo omega-3 – Các nghiên cứu quan sát đã nêu ra mối liên hệ có thể có giữa lượng cá ăn vào và axit béo omega-3 trong chế độ ăn uống với việc giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng đã không chứng minh được khả năng điều trị của việc bổ sung axit béo omega-3 trong bệnh Alzheimer.

Qua bài viết này hy vọng bạn đọc có thêm thông tin về các phương pháp hỗ trợ điều trị sa sút trí tuệ. Lựa chọn cách thức phù hợp nhằm giảm thiểu những gánh nặng y tế mà sa sút trí tuệ gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội.

Tài liệu tham khảo

  1. Alzheimer's Society (2019). Treatment and support of Alzheimer’s disease. Alzheimer’s Society. Available at: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/types-dementia/treatment-support-alzheimers-disease.
  2. Alzheimer's Association (2019). Medications for Memory. Alzheimer’s Disease and Dementia. Available at: https://www.alz.org/alzheimers-dementia/treatments/medications-for-memory.
  3. Alzheimer's Association (2019). Treatments for Sleep Changes. Alzheimer’s Disease and Dementia. Available at: https://www.alz.org/alzheimers-dementia/treatments/for-sleep-changes.
  4. National Institute on Aging (2021). How Is Alzheimer’s Disease Treated? National Institute on Aging. Available at: https://www.nia.nih.gov/health/how-alzheimers-disease-treated.
  5. Breijyeh Z, Karaman R. Comprehensive review on Alzheimer’s disease: causes and treatment. Molecules. 2020 Dec 8;25(24):5789.
  6. Cummings JL, Tong G, Ballard C. Treatment combinations for Alzheimer’s disease: current and future pharmacotherapy options. Journal of Alzheimer's disease. 2019 Jan 1;67(3):779-94.
  7. Thoe ES, Fauzi A, Tang YQ, Chamyuang S, Chia AY. A review on advances of treatment modalities for Alzheimer's disease. Life sciences. 2021 Jul 1;276:119129.
Chia sẻ: