Yêu bao tử

THỞ CƠ HOÀNH GIÚP GIẢM TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

09/11/2021

 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thở bằng cơ hoành (thở bụng) là một phương thức của liệu pháp trị liệu không dùng thuốc cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

 

Trào ngược dạ dày thực quản, một phần là kết quả của việc gia tăng áp lực trong dạ dày dẫn đến dãn cơ thắt thực quản dưới (LES) thoáng qua gây ra cơn trào ngược axit dạ dày. 

Bài tập thở cơ hoành có thể giúp gì cho người bệnh GERD, đặc biệt có kèm chứng ợ hơi? 

Trào ngược dạ dày thực quản và chứng ợ hơi dạ dày

Ở những bệnh nhân GERD, người ta nhận thấy rằng có 40 – 49% phàn nàn rằng ợ hơi là một triệu chứng chủ yếu. Đôi lúc tình trạng ợ hơi trở nên quá mức làm trầm trọng thêm các triệu chứng của GERD. 

Vị trí của cơ hoành (Diaphagm)  

Hiện nay, thuốc ức chế bơm proton (PPI) luôn là thuốc đầu tiên và cơ bản trong điều trị cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) với cơ chế giảm tiết axit dạ dày, từ đó giảm được các triệu chứng ợ nóng ợ hơi của bệnh. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân bị tái phát GERD với chứng ợ nóng, ợ hơi không thuyên giảm và phải điều trị PPI lâu dài. 

Bài thở cơ hoành là gì? Vai trò của thở bằng cơ hoành 

Về mặt giải phẫu, cơ hoành là cơ ngăn cách giữa khoang ngực và khoang bụng. Là một trong những cơ hô hấp chính, đóng vai trò quan trọng để cơ thể hô hấp tốt. Mặt khác: 

  • Chuyển động cơ hoành khi thở có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ thần kinh trong cơ thể, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động của dây thần kinh vận động và khối lượng não. 
  • Cơ hoành kiểm soát sự ổn định của tư thế, đại tiện, tiểu tiện và sinh đẻ bằng cách điều chỉnh áp lực trong ổ bụng.  
  • Hơn nữa, chức năng của cơ hoành cũng có liên quan đến sự cân bằng trao đổi chất và hệ thống bạch huyết trong phúc mạc và tim mạch. 

Bình thường chúng ta thường sử dụng cơ ngực để thở thay vì sử dụng cơ hoành, do đó nhịp thở thường nông, nhanh và không đều. 

Bài tập thở cơ hoành được gọi với tên khác là “thở bụng”, là một bài tập kiểm soát hơi thở chú trọng hơi thở chậm, sâu qua đó cơ thể chủ động hơn trong việc hít thở hiệu quả và tăng cường chức năng tuần hoàn. Bạn có thể rất quen thuộc với phương pháp thở cơ hoành khi bạn biết đến yoga, võ, hay trong thiền định. 

 

Kĩ thuật tập bài thở cơ hoành và những lưu ý trong khi tập. 

Bài tập thở cơ hoành được chuẩn hóa từ nghiên cứu của Ming-Liang Ong và cộng sự khi nghiên cứu ở trên người bệnh GERD và ợ hơi quá mức, cụ thể: 

  • Giải thích cơ chế ợ hơi và mục đích của bài tập thở cho người bệnh. 
  • Người bệnh bắt đầu bài tập với tư thế nằm ngửa. Một tay đặt lên ngực và tay còn lại đặt trên bụng ngay phía trên rốn. 
  • Hướng dẫn hít vào bằng mũi và thở ra với miệng mở, chú ý chỉ di chuyển phần bụng. Hãy tưởng tượng như việc bạn đang thổi phồng và làm xẹp một quả bong bóng trong bụng mình.

  • Mục đích là cảm nhận sự phình lên và xẹp xuống của bụng rõ ràng theo từng nhịp thở, trong khi ngực và vai vẫn nằm yên. Điều quan trọng là hãy hoàn toàn đặt sự chú ý vào sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. 
  • Hít vào và thở ra thật chậm, người bệnh có thể đếm nhẩm trong đầu mình 1-2-3-4 khi hít vào và thở ra. Sau đó, hít vào được đếm tới 4 và thì thở ra từ từ được kéo dài đếm dần đến 8. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kéo dài hơi thở ra, người bệnh có thể mím nhẹ môi thở ra. 
  • Bài tập thở hoành với tư thế nằm ngửa (Hình: Physical Solution
  • Khi những động tác trên được thực hiện một cách thành thạo, người bệnh tập bài tập với tư thế ngồi và sau đó là tư thế đứng. 
  • Người bệnh hoàn toàn có thể tự tập ở nhà và được khuyến khích nên thực hiện 30 nhịp thở hoặc thở trong 5 phút x 3 lần/ngày và mỗi lần 5 phút khi có triệu chứng. 
  • Mỗi người bệnh được nhà trị liệu nhìn trong 4 phiên hoặc cho đến khi người bệnh có thể thực hiện bài thở cơ hoành như được dạy ở tư thế nằm ngửa và thẳng đứng. 

Một số lý do khiến người bệnh tập bài thở cơ hoành không đạt được hiệu quả như mong muốn: 

  • Người bệnh gặp khó khăn trong việc duy trì bài tập thở. Không đảm bảo được chất lượng bài tập của mình khi không có người hướng dẫn, theo dõi. 
  • Với người bệnh có các triệu chứng ợ hơi do các nguyên nhân khác: cơ thắt thực quản dưới (LES) co thắt bất thường do chướng bụng. 

Nếu bạn đang lo lắng quá nhiều vì chính mình đã uống thuốc điều trị mà cơn trào ngược hay ợ hơi vẫn luôn thường trực, bạn hãy thử nghiên cứu và áp dụng bài tập thở cơ hoành này. Trong một phân tích gộp của 7 nghiên cứu có đối chứng, tập bài thở cơ hoành (thở bụng) có thể làm giảm 1.36 lần triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. 

Ngay cả khi bạn là một người hoàn toàn khỏe mạnh bài tập thở cơ hoành cũng có những tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần của bạn bởi đây là bài tập có sự kết hợp giữa tập thể dục tâm trí – cơ thể. 

Đối với người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dai dẳng và phải dùng thuốc kéo dài, việc kết hợp bài tập thở cơ hoành giúp bạn giảm trào ngược dạ dày thực quản. Có thể giúp người bệnh giảm ợ hơi và các triệu chứng của GERD, giảm việc sử dụng thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Ong, A. M. L., Chua, L. T. T., et al. (2018). Diaphragmatic breathing reduces belching and proton pump inhibitor refractory gastroesophageal reflux symptoms. Clinical Gastroenterology and Hepatology, 16(3), 407-416. https://doi.org/10.1016/j.cgh.2017.10.038  
  2. Qiu, K., et al. (2020). The effect of breathing exercises on patients with GERD: a meta-analysis. Ann Palliat Med, 9(2), 405-413. http://dx.doi.org/10.21037/apm.2020.02.35  
  3. Halland, M., Bharucha, A. E., et al. (2021). Effects of diaphragmatic breathing on the pathophysiology and treatment of upright gastroesophageal reflux: a randomized controlled trial. Official journal of the American College of Gastroenterology| ACG, 116(1), 86-94. http://doi.org/10.14309/ajg.0000000000000913  
  4. Hamasaki, H. (2020). Effects of Diaphragmatic Breathing on Health: A Narrative Review. Medicines, 7(10), 65. https://doi.org/10.3390/medicines7100065  

 

Chia sẻ: