Hiểu về Alzheimer

Sa sút trí tuệ: Quá trình lão hóa bình thường hay hậu quả của một số yếu tố bệnh?

20/03/2023

Tuổi tác ngày càng tăng cũng đồng nghĩa con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh khác nhau. Trong đó, tình trạng sa sút trí tuệ là nỗi lo lắng của nhiều người. Vậy sa sút trí tuệ là gì? Liệu nó có phải là quá trình lão hóa bình thường của cơ thể hay là hậu quả của những bệnh khác? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

1. Quá trình lão hóa và yếu tố ảnh hưởng

Lão hóa là một quá trình tự nhiên của cuộc sống. Cùng với việc ngày càng lớn lên, chúng ta sẽ dần dần trải qua những thay đổi trên não bộ và trên cơ thể. Trong đó, một số thay đổi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của con người, cũng như làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Mỗi người sẽ trải qua quá trình lão hóa khác nhau. Mức độ lão hóa sẽ thay đổi theo tuổi tác và đến một thời điểm nhất định, quá trình này sẽ trở nên rõ ràng hơn.

Vậy những điều gì ảnh hưởng đến sự lão hóa của con người?

Bên cạnh những yếu tố về di truyền, sự lão hóa còn phụ thuộc vào cách sống và môi trường sống của mỗi người.

Nhìn chung, một số cách hỗ trợ cho quá trình lão hóa khỏe mạnh có thể kể đến như: thách thức não bộ, ăn uống lành mạnh, thường xuyên hoạt động thể chất và hoạt động xã hội.

Mặc dù những giải pháp trên không giúp bạn chắc chắn có một cuộc sống không bệnh tật. Nhưng đây chính là những giải pháp tốt nhất đảm bảo sức khỏe và giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh khi chúng ta lớn tuổi

2. Sa sút trí tuệ không phải là một phần của sự lão hóa

Sa sút trí tuệ không phải là một phần của quá trình lão hóa mà là một nhóm các triệu chứng do các bệnh lý gây ra. Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ là do các loại bệnh gây tổn thương não.

Sa sút trí tuệ bao gồm mất khả năng nhận thức - suy nghĩ, trí nhớ, học hỏi, khả năng lý luận - năng lực hành vi, ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày và  chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mất trí nhớ, mặc dù là triệu chứng thường gặp, nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của sa sút trí tuệ. Những người bị sa sút trí tuệ có thể cũng sẽ gặp phải vấn đề về ngôn ngữ, nhận thức, và sự tập trung. Một số người còn có sự thay đổi về tính cách…

Trong khi đó, sự lão hóa bình thường có thể bao gồm yếu cơ xương, xơ cứng động mạch và các mạch máu, và một số thay đổi về trí nhớ do tuổi tác như:

  • Thỉnh thoảng không nhớ nơi để chìa khóa xe.
  • Khó khăn trong việc tìm một từ vựng nhưng lại nhớ ra sau đó.
  • Quên tên của người quen.
  • Quên những sự kiện xảy ra gần đầy.
  • Thông thường, kiến thức và trải nghiệm tích lũy được sau nhiều năm, kỉ niệm cũ và ngôn ngữ sẽ không bị ảnh hưởng.

Nhiều người thường lầm tương sa sút trí tuệ là một dấu hiệu bình thường của tuổi già, tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn sai.

Hình 1. Nhiều người thường lầm tương sa sút trí tuệ là một dấu hiệu bình thường của tuổi già, tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn sai

3. Sa sút trí tuệ là triệu chứng của các bệnh gây tổn thương não

Những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ phổ biến gồm có:

Các bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm:

  • Bệnh Alzheimer's.
  • Bệnh Parkinson's.
  • Bệnh Huntington's.
  • Một số loại đa xơ cứng.

Các bệnh này thường diễn tiến xấu đi theo thời gian.

Các bệnh tim mạch. Các bệnh này ảnh hưởng đến việc lưu thông máu não.

  • Tổn thương đầu nghiêm trọng do tai nạn xe, té ngã, chấn thương đầu.
  • Các bệnh nhiễm trùng trên hệ thần kinh trung ương, như: HIV, viêm màng não, và bệnh Creutzfeldt-Jakob.
  • Sử dụng rượu bia hoặc các chất gây nghiện trong thời gian dài
  • Một số dạng của bệnh não úng thủy - sự tích tụ chất lỏng ở não.

Các nguyên nhân gây sa sút trí tuệ có thể phục hồi được như:

  • Lạm dụng rượu bia và các chất gây nghiện.
  • Khối u.
  • Tụ máu dưới màng cứng, huyết khối ở dưới lớp màng não.
  • Não úng thủy áp bình thường.
  • Rối loạn chuyển hóa ví dụ như thiếu vitamin B12.
  • Suy tuyến giáp trạng: nồng độ hormone tuyến giáp thấp.
  • Hạ đường huyết.
  • Rối loạn chức năng não bộ liên quan HIV (HAND).

Hình 2. Sa sút trí tuệ có thể gây ra bởi các bệnh ảnh hưởng đến não bộ

4. Giúp bạn so sánh các dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ và một quá trình lão hóa bình thường

Có nhiều cách để bạn có thể phân biệt các vấn đề về trí nhớ do quá trình lão hóa và sa sút trí tuệ.

Dấu hiệu của giảm trí nhớ do lão hóa

  • Không thể nhớ chi tiết của một cuộc hội thoại hay một sự kiện diễn ra một năm về trước.
  • Không nhớ được tên của người quen.
  • Thỉnh thoảng quên một vài thứ hoặc các sự kiện.
  • Thỉnh thoảng khó khăn trong việc tìm từ vựng để biểu đạt.
  • Lo lắng về trí nhớ của bạn nhưng bạn bè và họ hàng của bạn thì không.

Dấu hiệu của sa sút trí tuệ

  • Không nhớ được chi tiết của cuộc hội thoại hoặc sự kiện gần đây.
  • Không thể nhận biết hoặc nhớ tên của những thành viên trong gia đình.
  • Thường xuyên quên vài thứ hoặc các sự kiện.
  • Thường xuyên có những khoảng lặng và lấp lửng khi tìm từ để biểu đạt.
  • Bạn bè và người thân lo lắng về trí nhớ của bạn nhưng bạn không nhận thức được về vấn đề này.

5. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sa sút trí tuệ. Một vài yếu tố chỉ làm tăng nhẹ nguy cơ bị sút trí tuệ trong khi một số yếu tố khác nhiều khả năng có thể dẫn đến tình trạng này. Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với đa số mọi người là tuổi tác và di truyền. Bên cạnh đó, nguy cơ một người bị sa sút trí tuệ còn có thể bị ảnh hưởng bởi:

  • Giới tính.
  • Sắc tộc.
  • Lượng dự trữ nhận thức - khả năng của não bộ để đối phó với bệnh tật.
  • Đang mắc các bệnh khác.
  • Lối sống, ví dụ như: hút thuốc và lạm dụng rượu bia.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm.

 

Hình 3. Lối sống của mỗi người cũng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến nguy cơ bị sa sút trí tuệ

 

Quá bài viết này, hy vọng đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức về tình trạng sa sút trí tuệ. Đây không phải là một tình trạng bình thường của quá trình lão hóa mà là hậu quả của nhiều loại bệnh và các yếu tố nguy cơ khác. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng sa sút trí tuệ, mỗi người nên chọn cho mình một lối sống lành mạnh và tích cực.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Dintica CS, Yaffe K. Epidemiology and Risk Factors for Dementia. Psychiatric Clinics. 2022 Oct 14.

 

[2] The differences between normal aging and dementia. Alzheimer Society of Canada. Available from: https://alzheimer.ca/en/about-dementia/do-i-have-dementia/differences-between-normal-aging-dementia

[3] Is it getting older, or dementia? | Alzheimer’s Society. www.alzheimers.org.uk. Available from: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/symptoms-and-diagnosis/how-dementia-progresses/is-it-getting-older-or-dementia

[4] National Institute on Aging. Memory, Forgetfulness, and Aging: What’s Normal and What’s Not?. National Institute on Aging. 2020. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/memory-forgetfulness-and-aging-whats-normal-and-whats-not

[5] Centers for Disease Control and Prevention. What Is Dementia?. www.cdc.gov. 2019. Available from: https://www.cdc.gov/aging/dementia/index.html#:~:text=Dementia%20is%20not%20a%20specific

 

[6] Jia L, Du Y, Chu L, Zhang Z, Li F, Lyu D, Li Y, Zhu M, Jiao H, Song Y, Shi Y. Prevalence, risk factors, and management of dementia and mild cognitive impairment in adults aged 60 years or older in China: a cross-sectional study. The Lancet Public Health. 2020 Dec 1;5(12):e661-71.

 

[7] Juan SM, Adlard PA. Ageing and cognition. Biochemistry and cell biology of ageing: part II clinical science. 2019:107-22.

Chia sẻ: