Yêu bao tử

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI NỘI SOI DẠ DÀY

04/10/2021

Nội soi dạ dày là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến, mang lại hiệu quả cao trong khám chữa bệnh. Là một phương pháp sử dụng một ống soi chuyên dụng, có bộ phận chiếu sáng và camera gắn ngay đầu ống nội soi. Hình ảnh nội soi được hiển thị trên màn hình Tivi. 

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn về cách chuẩn bị cho quá trình nội soi, tuy nhiên dưới đây là một số giải đáp chung có thể giúp bạn đảm bảo bạn đã sẵn sàng. 

 

Nội soi dạ dày được dùng để? 

Nội soi dạ dày là một phương pháp hữu ích, chính xác để kiểm tra sự hiện diện, mức độ trầm trọng của các bệnh lý ống tiêu hóa. 

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản 
  • Viêm loét hoặc sưng tấy 
  • Loại bỏ các khối u 
  • Dị vật, dị dạng mạch máu 
  • Polyp đại tràng… 

Đồng thời, nội soi dạ dày giúp sàng lọc được nhiều bệnh lý tiêu hóa quan trọng như ung thư. Bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra kỹ hơn – được gọi là sinh thiết. 

 

Các phương pháp nội soi dạ dày? Có đau hay không? 

Hiện nay các phương pháp thường được sử dụng là nội soi qua đường miệng và nội soi qua đường mũi.  

  • Nội soi thông thường: là phương pháp nội soi qua đường miệng – họng, người bệnh thường có cảm giác khó chịu, buồn nôn và đau. 
  • Nội soi gây mê: Với thời gian gây mê ngắn, thời gian tỉnh nhanh, bệnh nhân sẽ hoàn toàn không cảm thấy đau. Thủ thuật này tương đối an toàn những vẫn cần bác sĩ gây mê để đảm bảo không có các tai biến xảy ra. 
  • Nội soi qua đường mũi là phương pháp nội soi mới. ống nội soi có kích thước nhỏ nên cũng giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh. Bệnh nhân có thể được phun thuốc co mạch vào mũi để giảm kích thích tiết dịch ở xoang mũi. 
  • Các loại nội soi khác: nội soi đại trực tràng, nội soi niệu đạo, nội soi tử cung, nội soi khớp, nội soi phế quản… 

Việc tìm hiểu thủ thuật, biết trước các bước sẽ diễn ra sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm hơn và bớt lo lắng khi làm một thủ thuật. 

 

Nội soi dạ dày có gây ảnh hưởng đến sức khỏe không? 

Nội soi dạ dày là một biện pháp được sử dụng phổ biến và có độ an toàn cao. Tỷ lệ gây rủi ro cho sức khỏe rất thấp. 

Khi thực hiện phương pháp nội soi gây mê, người bệnh sẽ lưu lại nghỉ ngơi khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Sau đó sẽ tỉnh táo hoàn toàn và có thể tự đi về được. 

Nhưng khi bạn thực hiện tại cơ sở yếu kém, bất cẩn, không vệ sinh thiết bị nội soi kỹ càng thì cũng có nguy cơ gặp những rủi ro, biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương đến niêm mạc ống tiêu hóa. Vì vậy để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, bạn nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện nội soi dạ dày. 

 

Điều bạn cần làm trước khi nội soi dạ dày? 

Bạn cũng nên cho Bác sĩ về tình trạng sức khỏe, các bệnh mắc phải và các loại thuốc, hay tình trạng dị ứng trước khi nội soi. Thông tin này giúp Bác sĩ biết có nên thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thiết nào để thực hiện thủ thuật một cách an toàn nhất hay không. 

Không ăn và uống khoảng 6 – 8 giờ trước khi nội soi  

  • Thức ăn thì ảnh hưởng đến kết quả nội soi và nhằm tránh tình trạng bạn bị trào ngược, sặc thức ăn. 
  • Các loại đồ uống: như coca, sữa, nước có màu (đỏ và cam), café… ảnh hưởng đến kết quả nội soi dạ dày. Bạn chỉ nên uống nước lọc để dạ dày được sạch sẽ. 

Đối với nội soi gây mê bạn cần tuyệt đối nhịn ăn uống từ 6 – 8 tiếng, để tránh nước trào ngược vào phổi trong lúc gây mê. 

Ăn mặc thoải mái và tránh đeo đồ trang sức vì nội soi vẫn có thể gây ra một số khó chịu cho bạn dù đã được dùng thuốc an thần trước đó. 

 

Cần chú ý điều gì sau khi nội soi dạ dày xong? 

Để tránh những bất lợi sau khi nội soi dạ dày, bạn cần nhớ không nên ăn uống bất kỳ thứ gì trong vòng 1 - 2 giờ sau nội soi hoặc trước khi có sự kết luận, đánh giá từ Bác sĩ. 

Bạn có thể gặp phải một số vấn đề sau sau khi nội soi dạ dày: 

  • Cảm giác hơi đau họng, khó chịu vùng họng, buồn nôn 
  • Cảm giác hơi chướng bụng nhẹ 
  • Quặn bụng 

Bạn không cần lo lắng vì chúng là điều bình thường, sẽ biến mất nhanh chóng sau 12 – 24 tiếng và có thể ăn uống bình thường. Điều bạn có thể làm để bớt khó chịu: 

  • Xúc miệng bằng nước muối loãng giúp bạn giảm cảm giác khó chịu ở họng 
  • Nên dùng thức ăn lỏng như cháo, súp để êm dịu và dễ tiêu hóa. Tránh đồ ăn cay nóng. 
  • Vì lý do an toàn, bạn không thể lái xe trong 24 giờ sau khi làm thủ thuật, vì thuốc an thần được sử dụng cần thời gian để hết tác dụng. Nên người lớn tuổi cần có người thân đưa về nhà và tránh đưa ra các quyết định quan trọng trong đời đến khi hoàn toàn bình phục. 

Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế? 

Hãy gặp Bác sĩ khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào để có thể kiểm tra lại kỹ hơn và có hướng xử lý kịp thời. 

Các dấu hiệu bao gồm: 

  • Đỏ, đau hoặc sưng nơi ống nội soi được đưa vào 
  • Chảy dịch hoặc mủ nơi ống nội soi được đưa vào 
  • Bạn bị sốt, cảm thấy nóng hoặc rùng mình 

Một số dấu hiệu khác: 

  • Phần đen hoặc sẫm màu 
  • Khó thở 
  • Đau bụng dữ dội, hoặc cơn đau tái phát, không biến mất 
  • Nôn ra máu 
  • Tức ngực 
  • Khó nuốt 

Với thông tin bài viết cung cấp, mong bạn đã hoàn toàn yên tâm với phương pháp chẩn đoán bệnh này. Chúc bạn sức khỏe! 

 DS. Đàm Thị Nga

Tài liệu tham khảo: 

  1. Jonathan Cohen. (May 2021). Patient education: Upper endoscopy (Beyond the Basics). https://www.uptodate.com/contents/upper-endoscopy-beyond-the-basics  
  2. Endoscopy. (December 2021). https://www.nhs.uk/conditions/endoscopy/  
  3. Upper GI endoscopy. (July 2017). https://www.niddk.nih.gov/health-information/diagnostic-tests/upper-gi-endoscopy  
Chia sẻ: