Yêu bao tử

MỘT SỐ LƯU Ý TRONG PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

12/10/2021

Lưu Thị Minh Huế1, Đào Việt Hằng1,2,3 

1Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật 

2Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội 

3Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội 

Khó tiêu chức năng nằm trong nhóm bệnh lý rối loạn chức năng đường tiêu hóa với hai nhóm biểu hiện chính là đau, nóng rát thượng vị và đầy bụng, mau no sau ăn. Đây không phải bệnh lý có tổn thương thực thể nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.  

A picture containing person, wearing, clothing, standing

Description automatically generated 

Nguyên nhân gây khó tiêu chức năng 

Tỉ lệ khó tiêu chức năng trên thế giới vào khoảng 5-11%. Hiện nay nguyên nhân và cơ chế dẫn đến rối loạn khó tiêu chức năng còn chưa được hiểu rõ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm:  

  • Rối loạn nhu động dạ dày 
  • Tăng nhạy cảm ống tiêu hóa 
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori 
  • Thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột 
  • Tình trạng viêm tá tràng 
  • Một số vấn đề tâm-thần kinh như lo âu, trầm cảm 

Chẩn đoán bệnh khó tiêu chức năng 

Chẩn đoán khó tiêu chức năng dựa trên việc loại trừ các bệnh lý và rối loạn khác. Các phương pháp thăm dò thường dùng để loại trừ các tổn thương thực thể thường gặp như là: nội soi đường tiêu hóa trên, kiểm tra vi khuẩn Helicobacter Pylori, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu v.v..  

Sau khi loại trừ các bệnh lý thực thể và các rối loạn khác, khó tiêu chức năng được chẩn đoán khi có ít nhất một trong 4 triệu chứng chính. Trong đó các triệu chứng có biểu hiện trong 3 tháng gần đây nhất và khởi phát trên 6 tháng, mức độ biểu hiện của triệu chứng phải đủ nặng gây ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày: 

  • Đau vùng thượng vị  
  • Nóng rát ở vùng thượng vị 
  • Cảm giác nhanh no  
  • Đầy bụng sau ăn  

Một số triệu chứng báo động, gợi ý người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sơ y tế để tránh bỏ sót các tổn thương thực thể, đặc biệt là loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày như nuốt nghẹn, nuốt khó, giảm cân không dự định, nôn máu, đi ngoài phân đen, nôn dai dẳng. Những trường hợp bệnh nhân trên 60 tuổi cũng cần được tầm soát. 

Khó tiêu chức năng có thể biểu hiện chồng lắp với triệu chứng của các rối loạn tiêu hóa khác như trào ngược dạ dày thực quản, liệt dạ dày, hội chứng ruột kích thích v.v.. Do vậy việc chẩn đoán và tối ưu hóa điều trị đặt ra nhiều thách thức.  

Phân loại khó tiêu chức năng 

“Khó tiêu chức năng” bao gồm 2 thể chính đó là “Hội chứng đau thượng vị” với biểu hiện ưu thế là đau, nóng rát vùng thượng vị và tần suất triệu chứng ít nhất 1 lần/tuần và “Hội chứng khó chịu sau ăn” với biểu hiện ưu thế là đầy bụng sau ăn và cảm giác nhanh no và tần suất triệu chứng ít nhất 3 lần/tuần. Hai thể bệnh sẽ có cách tiếp cận và quản lý điều trị ban đầu khác biệt. 

Helicobacter Pylori và Khó tiêu chức năng 

Helicobacter Pylori (HP) là một xoắn khuẩn cư trú tại dạ dày, là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, ung thư dạ dày và chứng khó tiêu. Nếu có tình trạng nhiễm HP, theo đồng thuận Kyoto, người bệnh sẽ được điều trị diệt trừ HP sau đó đánh giá lại mức độ cải thiện lâm sàng. Nếu sau diệt trừ HP, triệu chứng của người bệnh không được cải thiện, hoặc tái phát thì chẩn đoán là “Khó tiêu chức năng”. Nếu sau diệt trừ HP, triệu chứng được cải thiện và duy trì ít nhất 6 tháng thì chẩn đoán được xác định là “Khó tiêu liên quan đến vi khuẩn HP”. Việt Nam có tỉ lệ nhiễm HP cao do vậy đây là một trong những nguyên nhân cần loại trừ ở bệnh nhân có biểu hiện khó tiêu chức năng. 

Điều trị khó tiêu chức năng 

Điều trị khó tiêu chức năng hiện nay bao gồm các phương pháp: điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt và điều trị dùng thuốc. Trong quá trình quản lý điều trị bệnh lý này, một số khó khăn thường gặp bao gồm triệu chứng không đặc hiệu, thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, bệnh nhân kèm theo các rối loạn lo âu, trầm cảm.  

  • Điều trị không dùng thuốc bao gồm thay đổi chế độ ăn, lối sống. Người bệnh cần tránh các thực phẩm như dầu mỡ, đồ chiên, đồ ăn cay nóng, các đồ uống có gas, các thực phẩm khởi phát hoặc làm nặng lên các triệu chứng của bản thân. Thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống bao gồm chia nhỏ các bữa ăn, hạn chế đồ uống có cồn, cà phê và không hút thuốc lá.   

FODMAP là thuật ngữ viết tắt của các carbohydrate chuỗi ngắn (oligosacarit lên men, disacarit, monosacarit và polyol) được hấp thu kém qua đường tiêu hóa từ đó gây ra các biểu hiện khó chịu của đường tiêu hóa như chướng bụng, tiêu chảy và đau bụng...Chế độ ăn có hàm lượng FODMAP thấp có thể áp dụng với người bệnh khó tiêu chức năng để giảm các triệu chứng đầy bụng, nhanh no, tuy nhiên hiệu quả của chế độ ăn này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.  

 

A picture containing different

Description automatically generated 

Một số thực phẩm thuộc nhóm thấp FOPMAP tốt cho người bệnh khó tiêu chức năng 

 

Graphical user interface, application

Description automatically generated

Một số thực phẩm thuộc nhóm FOPMAP cần hạn chế ở người bệnh khó tiêu chức năng 

 

  • Điều trị dùng thuốc: Các thuốc điều trị khó tiêu chức năng chính bao gồm:  
    • Thuốc ức chế bài tiết acid dạ dày: Các thuốc ức chế bơm proton (PPI) có tác dụng ức chế bài tiết acid dạ dày, có hiệu quả tốt trong điều trị khó tiêu chức năng, đặc biệt ở nhóm “Hội chứng đau thượng vị”. Các thuốc kháng thụ thể H2 cũng có tác dụng giảm triệu chứng, tuy nhiên hiệu quả duy trì không tốt bằng nhóm thuốc PPI.  
    • Thuốc hỗ trợ nhu động đường tiêu hóa (prokinetics): một số nghiên cứu cho thấy các thuốc hỗ trợ nhu động có hiệu quả trong điều trị khó tiêu chức năng, đặc biệt có hiệu quả hơn ở nhóm “Hội chứng khó chịu sau ăn”. Một số nghiên cứu đã chứng minh sử dụng nhóm thuốc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt là giấc ngủ của người bệnh. Tuy nhiên, một số thuốc trong nhóm này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn đặc biệt với người lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch vì vậy cần sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.   
    • Thuốc chống trầm cảm: các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng cho nhóm bệnh nhân có kèm theo biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm. Các thuốc nhóm chống trầm cảm ba vòng có thể điều hòa cân bằng trục não-ruột và tình trạng tăng nhạy cảm của ống tiêu hóa. Những trường hợp không đáp ứng cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa tâm thần, áp dụng một số liệu pháp thay đổi hành vi nhận thức để đạt hiệu quả tốt trong kiểm soát triệu chứng của khó tiêu chức năng.  

TS. BS. Đào Việt Hằng

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Yamawaki H, Futagami S, Wakabayashi M, et al. Management of functional dyspepsia: state of the art and emerging therapies. Ther Adv Chronic Dis. 2018;9(1):23-32. doi:10.1177/2040622317725479 
  2. Moayyedi, Paul M MB, ChB, PhD, MPH, FACG1; Lacy, Brian E MD, PhD, FACG2; Andrews, Christopher N MD3; Enns, Robert A MD4; Howden, Colin W MD, FACG5; Vakil, Nimish MD, FACG6 ACG and CAG Clinical Guideline: Management of Dyspepsia, American Journal of Gastroenterology: July 2017 - Volume 112 - Issue 7 - p 988-1013. doi: 10.1038/ajg.2017.154 
  3. Sugano K, Tack J, Kuipers EJ, et al. Kyoto global consensus report on Helicobacter pylori gastritis. Gut. 2015;64(9):1353-1367. doi:10.1136/gutjnl-2015-309252 

 

Chia sẻ: