Yêu bao tử

LÀM GÌ KHI BỊ KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG (dyspepsia)

12/10/2021

Đối với những bệnh nhân mắc chứng khó tiêu điều quan trọng là phải loại trừ được các nhóm bệnh thực thể trước khi chẩn đoán xác định họ bị chứng khó tiêu chức năng, đặc biệt là đối với người trên 45 tuổi (thậm chí trên 40 tuổi), lứa tuổi dễ bị bệnh ung thư dạ dày. 

Y học hiện nay có rất nhiều phương pháp để ngăn chặn chứng khó tiêu và cải thiện toàn bộ sức mạnh của hệ tiêu hóa, sau đây là một số phương pháp được cho là có hiệu quả nhất: 

1. Điều trị thay đổi lối sống ở bệnh nhân khó tiêu chức năng 

  • Nhai kỹ và ăn nhiều bữa nhỏ: Nhai kỹ là một trong những cách quan trọng để giảm tải cho hệ tiêu hóa. Nhai kỹ không chỉ giúp nghiền nát thức ăn mà còn báo hiệu cho tuyến nước bọt, dạ dày và ruột non chuẩn bị tiết dịch vị. Ăn nhiều bữa nhỏ tốt hơn là ăn một bữa quá no. Cơ thể chúng ta có từng đó dịch vị, khi quá nhiều thức ăn vào bụng thì đồng nghĩa với việc dạ dày phải tiết ra nhiều axít để tiêu hóa. Điều này dễ gây ra các hiện tượng ợ nóng và khó tiêu. 
  • Bỏ thuốc lá: Khi hút thuốc, nicotin trong thuốc lá sẽ xâm nhập vào cơ thể, kích thích sản sinh ra nhiều chất cortisol. Cortisol hay còn được gọi là hormone stress, nó thường được cơ thể tiết ra khi phải chịu đựng stress kéo dài. Cortisol tăng cao sẽ khiến cơ thể tiết acid dạ dày (HCI) và pepsin. Điều này khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, thuốc lá còn làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ức chế dạ dày bài tiết chất nhầy, bài tiết prostaglandin dạ dày. Do vậy, dễ gây chứng khó tiêu, từ khó tiêu chức năng lâu ngày sẽ dẫn đến khó tiêu thực thể. 
  • Tránh thức ăn gây kích ứng:hạn chế ăn một số thực phẩm gây khó tiêu như thức ăn quá ngọt (chocolate, nước trái cây…,) và thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, cà fe và cồn (rượu, bia, nước uống có cồn)… 

 

  • Duy trì cân nặng lý tưởng: Bằng cách thường xuyên vận động, tập luyện thể dục. Vì ngoài tác dụng giúp cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục cũng có khả năng cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy, vận động nhiều làm tăng cường rõ rệt chức năng tiêu hóa. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học còn tìm thấy mối liên hệ giữa chứng lười vận động với bệnh béo phì, đau dạ dày và tiêu chảy. 
  • Kiểm soát stress: Căng thẳng quá mức cũng có tác động tiêu cực tới hệ tiêu hóa của chúng ta. Vì căng thẳng sẽ làm giảm lượng máu lưu thông tới vùng bụng qua đó làm giảm chức năng tiết dịch vị, làm chậm lại quá trình tiêu hóa và gây ra ợ nóng, đầy hơi thậm chí táo bón.Do đó rèn luyện kỹ năng giảm stress trong cuộc sống có thể giúp kiểm soát triệu chứng khó tiêu tốt hơn như: 
    • Dành thời gian làm công việc yêu thích, như chơi thể thao hoặc ca hát... 
    • Liệu pháp thư giãn hoặc yoga. 

Xem lại việc dùng thuốc: Một số thuốc ảnh hưởng đến dạ dày gây khó tiêu như: Aspirin, NSAID,… 

2. Điều trị khó tiêu chức năng bằng cách dùng thuốc: Các loại thuốc giúp giảm triệu chứng khó tiêu bao gồm: 

  • Thuốc giảm đầy hơi. Thuốc chứa simethicone có thể làm giảm khó tiêu bằng cách giảm lượng khí trong ruột như: Air-X, Esspumisan, Simethicon… 
  • Kháng H2. Giúp giảm anh acid dịch vị như: cimetidine, famotidine và nizatidine. 
  • Ức chế bơm proton. Thuốc gây ức chế các bơm acid trong tế bào dạ dày dẫn đến giảm lượng acid được tiết ra như:  lansoprazole, omeprazole và esopremazole, pantoprazol, Dexlansoprazol… 
  • Men tiêu hóa. Giúp làm trống dạ dày nhanh như: papain, alpha-amylase, bromelain, pancreatin,   
  • Thuốc tăng tốc độ làm trống dạ dày.  
    • Mosapride: (Gasmotin 5mg 1 v x 3 lần/ ngày) 
    • Metoclopramide: (Primperan 10mg 1v x 3 lần/ ngày, uống trước ăn) 
    • Domperidone:  (Motilium_M 10mg  1v x 3 lần/ ngày, uống trước ăn, có thể dùng 2 viên x 3 lần/ngày) 
    • Itopride: (Elthon 50mg 1v x 3 lần/ ngày, uống trước ăn) 
    • Trimebutine: (Detriat 100mg, Debridat 100mg, trimebutine 100mg 1v x 3 lần/ngày) 
  • Chống trầm cảm liều thấp. Thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế chọn lọc serotonin (SSRIs) dùng với liều thấp có thể ức chế hoạt động của nơ-ron thần kinh chi phối cơn đau. 
  • Kháng sinh: Điều trị tiệt trừ Hp nếu Hp+ (xem bài điều trị tiệt trừ Hp+)

 3. Lưu đồ chẩn đoán khó tiêu chức năng: 

 

 

 ThS BS CK2 Trần Kinh Thành 

Khoa Tiêu Hóa - Bệnh viện Nhân Dân 115

Tài liệu tham khảo: 

  1. Asian consensus report on functional dyspepsia 
  2. Khó tiêu chức năng: Phác đồ điều trị ngoại trú Bệnh viện nhân dân 115 
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/functional-dyspepsia/symptoms-causes/syc-20375709 
Chia sẻ: