Yêu bao tử

KHÁM BỆNH DẠ DÀY CẦN HỎI BÁC SĨ NHỮNG GÌ?

04/10/2021

Bạn rất ít khi phải đi khám bệnh? Thật tốt vì điều đó. Nhưng khi đi khám bệnh, ngày hôm đó của bạn diễn ra như thế nào? 

Hãy tưởng tượng một ngày bạn xin nghỉ để đi khám, bạn đến từ sớm và bắt đầu chờ. Bạn biết đấy, ít nhiều trong các bước bạn sẽ phải chờ để đến lượt mình. Tuy nhiên, đến khi gặp Bác sĩ, bạn sốc vì nó diễn ra nhanh như một cơn lốc, và bỗng nhiên bạn nhận ra đã về nhà rồi. 

Nghĩ đến tình cảnh đó bạn lại đắn đo bởi còn bao nhiêu việc đang chờ mình, trong khi nghĩ “Chắc mình chỉ bệnh vặt ấy mà, để hôm khác”. Nhưng bạn chắc chứ? 

Do đó, hãy tận dụng thời gian, vì trong một buổi khám bệnh bạn đã cố dành thời gian ra đó có rất nhiều điều cần thiết mà cả Bác sĩ và bạn không thể trao đổi hết với nhau. Nên nhớ là bạn không hỏi, Bác sĩ không trả lời. Bắt đầu với “tôi muốn hỏi về…?” 

Nguồn: Báo Lao Động 

 

Cần chuẩn bị gì khi đến khám? 

Mô tả các triệu chứng của bạn. 

Thông tin khác như: bạn có bị bệnh khác không? Người thân của bạn có ai có vấn đề tương tự không? Hay những áp lực căng thẳng, sang chấn tâm lý mà bạn gặp phải. 

Các thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y đang dùng. 

Các thông tin về ăn uống, lối sống của bạn. 

Một số câu hỏi để trao đổi với Bác sĩ. 

Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng được tối đa thời gian khi gặp Bác sĩ. Tránh khi bạn quên, tốt hơn là bạn có thể viết ra, liệt kê câu hỏi bạn muốn hỏi theo thứ tự mà bạn thấy quan trọng. 

 

Bác sĩ cần biết những gì? 

Lý do bạn đến khám? 

Bạn bị đã bao lâu? 

Những triệu chứng xảy ra liên tục hay ngắt quãng? 

Mức độ nghiêm trọng đến đâu? Đau nhiều hay ít? 

Ví dụ: các bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, khó tiêu… thì Bác sĩ cần biết thêm các dấu hiệu khác như triệu chứng có liên quan đến bữa ăn không? Bạn có nôn, buồn nôn hay nôn ra máu không? Tình trạng đại tiện của bạn như thế nào? Bạn có dùng thuốc giảm đau hoặc aspirin hay không?... 

 

4 vấn đề cơ bản để hỏi Bác sĩ của bạn  

Khi bạn đọc bài viết này có thể bạn đang đắn đo chuyện đi khám hoặc đang xếp hàng chờ gặp Bác sĩ, bạn thử nghĩ xem mình sức khỏe mình có vấn đề gì và có câu hỏi nào cần hỏi Bác sĩ hay không nhé? 

Câu hỏi liên quan đến bệnh của bạn 

Những vấn đề ẩn giấu đằng sau những căn bệnh đáng sợ như bệnh tim, ung thư, tiểu đường, Alzheimer, bệnh tự miễn…, có bệnh không có nguyên nhân cụ thể, triệu chứng khởi phát thường mơ hồ, khó phân biệt. 

Ví dụ một triệu chứng đè nén, đau tức ngực, thường dấu hiệu gợi ý cho trái tim, hoặc cũng có thể là triệu chứng khác của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.  

Khi bạn có triệu chứng mà “trước đây tôi chưa từng có”, hãy mô tả rõ ràng, chi tiết nhất có thể cho Bác sĩ. 

Bạn cũng có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác để xác định chính xác. 

Những câu hỏi khác như:  

  • Tại sao tôi lại mắc bệnh này?  
  • Bệnh này cần điều trị trong bao lâu? 
  • Tình trạng bệnh của tôi hiện ra sao? 
  • Tôi có thể bị tái phát hay không? 

Về các loại thuốc tôi uống?  

Điều này rất quan trọng, nên bạn đừng quên.  

  • Thứ nhất, bạn đã hiểu rõ cách dùng thuốc? Thời điểm uống thuốc? 

Các thông tin này được Bác sĩ ghi trong đơn thuốc của bạn, nhưng bạn thấy có chỗ nào chưa rõ, hãy hỏi. 

  • Thứ hai, tác dụng phụ của thuốc, tùy cơ địa mỗi người. 

Bất kì thuốc gì cũng đều có tác dụng phụ. Hay gặp là đau đầu, chóng mặt thoáng qua. Trường hợp nặng thì nổi dị ứng như mề đay, mẩn ngứa,…một số thuốc (thuốc đường dùng khác như tiêm…) có thể gây sốc phản vệ và tử vong. 

  • Thứ ba, gặp tác dụng phụ thì nên xử trí như thế nào? 

Bạn đừng tùy ý ngưng thuốc. Hãy hỏi Bác sĩ.  

Bạn biết kháng kháng sinh chứ? Thuốc kháng sinh là một vũ khí tuyệt vời để chống lại vi khuẩn gây bệnh, nhưng khi bạn uống thuốc không đúng liều lượng, không đủ thời gian cần thiết, tùy tiện ngưng thuốc. Để sinh tồn vi khuẩn dần biến đổi để chống lại thuốc kháng sinh bạn uống. Hậu quả? Tôi tin bạn sẽ không muốn phải nhập viện do nhiễm trùng chỉ vì một vết trầy xước nhỏ đâu. 

Liệu sức khỏe của tôi có tốt khi…? 

Bày tỏ những lo lắng của bạn 

Có thể là lo lắng về chi phí khám chữa bệnh, áp lực về công việc hay gia đình… những điều khiến bạn cảm thấy nó ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. 

Và nhất là khi bạn đang mang thai hoặc cho con bú: hãy nói với Bác sĩ về những lo lắng cho bạn và cho con của bạn. 

Tôi cần làm gì để bệnh đỡ hơn? 

Hàng ngày từng việc bạn quyết định ăn cái gì? Làm gì? Chơi môn thể thao nào? Hôm nay ngủ sớm hay muộn? Tất cả theo một cách nào đó đều ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bạn.  

Trong khi bạn bị ốm, cơ thể bạn suy yếu sự ảnh hưởng càng thể hiện rõ hơn. Hãy nhận lời khuyên từ Bác sĩ và áp dụng ngay. 

Bạn có sẵn lòng thay đổi để có được sức khỏe tốt hay không? 

Bạn có thể tham khảo thêm những thông tin về sức khỏe ngay trong trang của chúng tôi TẠI ĐÂY. 

 

Tôi muốn hỏi về…? 

Hãy trân trọng, sức khỏe là món quà vô giá. Có sức khỏe tức là có hạnh phúc, có tương lai. Không có sức khỏe thì không có gì cả. 

Bài viết này muốn gửi lời nhắn nhủ tới bạn rằng “Bạn đừng ngại hỏi, Bác sĩ luôn sẵn lòng trả lời bạn”. 

DS. Đàm Thị Nga

Chia sẻ: