Hiểu về Alzheimer

Hiểu về sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não chỉ với 5 phút

20/03/2023

1. Sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não diễn ra như thế nào?¹

Hệ thống mạch máu não là mạng lưới các mạch máu cung cấp oxy cho não. Trong cơ thể, đây là bộ phận giúp bộ não có thể hoạt động bình thường.

Máu sẽ bị hạn chế lưu thông đến não nếu các mạch máu bị tắc nghẽn hoặc xuất huyết. Khi đó, các tế bào não sẽ thiếu oxy và chất dinh dưỡng do máu cung cấp. Các tế bào não bị ảnh hưởng có thể sẽ chết và dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến mạch máu não có thể dẫn đến đột quỵ - nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não. Các triệu chứng đột quỵ có thể bao gồm tê liệt và gặp các vấn đề về giọng nói.

Hình 1: Việc mạch máu tắc nghẽn có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ

Hình 1: Việc mạch máu tắc nghẽn có thể dẫn đến chứng sa sút trí tuệ

2. Ai có thể bị sa sút trí tuệ do mạch máu não?²

Lão hóa

Yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não là lão hóa. Khi một người đến 65 tuổi, nguy cơ mắc bệnh của họ sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm.

Tình trạng sức khỏe

Có rất nhiều vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ tiến triển chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não của một người. Điều quan trọng là phải kiểm soát những điều này càng sớm càng tốt. Việc kiểm soát thông qua việc thăm khám, tư vấn, điều chỉnh lối sống bởi các chuyên gia y tế. Các vấn đề sức khỏe bao gồm:

  • Bệnh lý tim mạch. Những người có vấn đề về tim và tuần hoàn máu, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc bệnh tim có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não cao hơn bình thường. Điều này là do những bệnh lý này làm tăng khả năng xuất hiện cục máu đông hoặc chảy máu trong các mạch máu não. Một người bị bệnh tim, bị đột quỵ hoặc mắc bệnh tiểu đường thì có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu cao gấp đôi so với những người không mắc các bệnh này.
  • Bệnh mạch máu thoái hóa bột (amyloid) (CAA): là một loại bệnh mạch máu làm tổn thương các động mạch nhỏ ở các vùng bên ngoài của não. Các tổn thương này làm cho các mạch máu não bị rò rỉ và dễ bị chảy máu. Một số người bị CAA không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Một số khác có thể chỉ gặp vấn đề nhẹ về trí nhớ và suy nghĩ. Tuy nhiên, nhiều người bị CAA tiến triển thành chứng sa sút trí tuệ mạch máu não. Nguyên nhân là do bị đột quỵ hoặc do bệnh tiến triển nặng hơn.
  • Ngưng thở khi ngủ: là khi một người ngừng thở trong vài giây hoặc vài phút trong khi ngủ. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến và cần được lưu ý. Bởi điều này có thể khiến các cục máu đông nhỏ hình thành trong não mà không được chú ý. Từ đó, làm tăng đáng kể nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và chứng sa sút trí tuệ do mạch máu não. Do đó, chứng ngưng thở khi ngủ là một tình trạng nghiêm trọng. Và bất kỳ ai mắc phải chứng này nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

Các yếu tố liên quan đến lối sống

Chứng sa sút trí tuệ mạch máu chủ yếu là do các bệnh tim mạch (chẳng hạn như cao huyết áp, đột quỵ hoặc các vấn đề về tim). Có rất nhiều bằng chứng cho thấy lối sống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Đồng nghĩa khi bạn có lối sống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng tức là làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ do mạch máu.

  • Không hoạt động thể chất: có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tim, phổi và tuần hoàn máu của một người. Đồng thời khiến họ khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn. Không hoạt động thể chất liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường tuýp 2.
  • Hút thuốc: gây tổn thương đến tim, phổi và tuần hoàn máu của cơ thể, đặc biệt là các mạch máu trong não. Nó khiến các chất có hại tích tụ trong não gây viêm và hạn chế lượng oxy đến các tế bào thần kinh. Các chất độc này còn làm tăng nguy cơ bị đột quỵ của một người.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến cholesterol cao, huyết áp cao và tăng cân. Chế độ ăn lý tưởng là nên ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá, sữa ít chất béo, đậu và các loại đậu. Không ăn quá nhiều thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến, như xúc xích, giăm bông hoặc thịt xông khói. Hạn chế tiêu thụ nhiều đường và muối vì chúng có thể làm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn.
  • Uống quá nhiều rượu: sử dụng rượu bia thường xuyên và vượt quá lượng khuyến cáo không những làm tăng cholesterol và huyết áp mà còn dẫn đến tăng cân. Giới hạn khuyến nghị của rượu mỗi tuần là 14 đơn vị. Nên chia ra sử dụng trong ít nhất ba ngày thay vì dùng tất cả cùng một lúc.

Hình 2: Tham khảo cách tính đơn vị cồn

Hình 2: Tham khảo cách tính đơn vị cồn

Gen/Yếu tố di truyền

Một số người có người thân mắc hoặc đã từng mắc chứng sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não lo ngại rằng họ hoặc gia đình họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hầu hết các gia đình bị ảnh hưởng bởi chứng mất trí nhớ mạch máu không có các gen đơn di truyền bệnh. Điều này có nghĩa là nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu não do di truyền là khá thấp.

Tuy nhiên, có một số loại sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não khác hiếm gặp hơn thì được di truyền qua các thế hệ. Một trong số đó là CADASIL. Đây là tình trạng do đột biến gen khiến một người bị nhiều cơn đột quỵ nhỏ, từ lứa tuổi trung niên trở đi. Cuối cùng dẫn đến chứng sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu.

Chủng tộc

Những người thuộc các nhóm dân tộc có da đen ở châu Phi, Caribe hoặc người Nam Á ở Anh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn những người thuộc các nhóm dân tộc da trắng, đặc biệt nếu họ bị thừa cân. Điều này có nghĩa là họ cũng có thể có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não cao hơn.

Hình 3: Các yếu tố lão hóa, tình trạng sức khỏe, lối sống, gen, chủng tộc,… có thể là nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu não

Hình 3: Các yếu tố lão hóa, tình trạng sức khỏe, lối sống, gen, chủng tộc,… có thể là nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ mạch máu não

3. Triệu chứng, dấu hiệu của sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não là gì?³

Những người bị sa sút trí tuệ do mạch máu não có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Khó thực hiện các việc mà lúc trước xem như dễ dàng, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn.
  • Gặp rắc rối khi làm theo hướng dẫn hoặc tìm hiểu thông tin và thói quen mới.
  • Quên các sự kiện ở hiện tại hoặc trong quá khứ.
  • Đặt đồ nhầm vị trí.
  • Lạc đường, dù đó là những tuyến đường quen thuộc.
  • Gặp các vấn đề về ngôn ngữ, chẳng hạn như khó tìm đúng từ hoặc sử dụng sai từ.
  • Thay đổi kiểu ngủ.
  • Gặp trở ngại trong việc đọc và viết.
  • Mất hứng thú với mọi thứ hoặc con người.
  • Thay đổi tính cách, hành vi và tâm trạng. Chẳng hạn như trầm cảm, kích động và tức giận.
  • Ảo giác hoặc ảo tưởng (tin vào điều gì đó không có thật).
  • Khả năng phán đoán kém và mất khả năng nhận thức nguy hiểm.

Hình 4: Người bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu não có thể bị lạc trên những tuyến đường quen thuộc

Hình 4: Người bệnh sa sút trí tuệ do mạch máu não có thể bị lạc trên những tuyến đường quen thuộc

4. Phân loại sa sút trí tuệ do bệnh mạch máu não¹

Các loại tình trạng ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho não khác nhau có thể dẫn đến các loại sa sút trí tuệ do mạch máu não khác nhau. Hai loại phổ biến là chứng sa sút trí tuệ dưới vỏ não và bệnh mạch máu não amyloid.

Bệnh sa sút trí tuệ mạch máu dưới vỏ não

Bệnh sa sút trí tuệ mạch máu dưới vỏ não là bệnh gây ra bởi mạch máu nhỏ. Các mạch máu nhỏ trong não trở nên cứng và xoắn. Điều này dẫn đến giảm lưu lượng máu đến não.

Bệnh mạch máu dạng bột (amyloid)

Bệnh mạch máu dạng bột (amyloid) xảy ra khi một loại protein gọi là amyloid tích tụ trong các mạch máu não. Amyloid có thể hình thành mảng, làm gián đoạn chức năng não. Điều này thường xảy ra với bệnh Alzheimer.

5. Tại sao cần đi khám sớm?

Điều quan trọng là việc chẩn đoán ở giai đoạn đầu cần được tiến hành khi các triệu chứng mới xuất hiện. Điều này giúp người bệnh có thể được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu các triệu chứng là do bệnh sa sút trí tuệ gây ra, việc chẩn đoán sớm giúp người bệnh nhận được sự hỗ trợ, thông tin và thuốc men sớm nếu các phương thức điều trị này có sẵn.

Hiện nay hầu hết các bệnh liên quan đến sa sút trí tuệ đều chưa có phương cách chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, một số loại thuốc được nhận thấy là giúp làm giảm bớt các triệu chứng và giúp cải thiện tình trạng bệnh lý.

Thường thì bệnh sa sút trí tuệ sẽ tiến triển và các triệu chứng của người bệnh ngày càng tệ hại hơn. Do đó, sự tiếp cận hỗ trợ, chẩn đoán và điều trị càng sớm sẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng càng tốt. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu bất thường để được hỗ trợ chính xác và kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Vascular dementia. Alzheimer Society of Canada. Available from: https://alzheimer.ca/en/about-dementia/other-types-dementia/vascular-dementia
  2. Risk factors for vascular dementia. Alzheimer’s Society. Available from: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/types-dementia/risk-factors-vascular-dementia
  3. National Institute on aging. Vascular Dementia: Causes, Symptoms, and Treatments. National Institute on Aging. 2021. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/vascular-dementia
  4. T O'Brien J, Thomas A. Vascular dementia. The Lancet. 2015 Oct 24;386(10004):1698-706.
  5. Kalaria RN. The pathology and pathophysiology of vascular dementia. Neuropharmacology. 2018 May 15;134:226-39.
Chia sẻ: