Hiểu về Alzheimer

Hệ lụy của sa sút trí tuệ nếu không điều trị kịp thời

20/03/2023

Như chúng ta đã biết, sa sút trí tuệ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tâm lý, tài chính của không chỉ riêng người bệnh mà còn cả người thân, gia đình của họ và xã hội. Bài viết sau đây bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về những hệ lụy của sa sút trí tuệ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời nhé!

1. Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến sức khỏe và thể chất

Chán ăn

Người bệnh sa sút trí tuệ thường trở nên khá kén ăn với các loại thức ăn thường ngày. Đối với người bệnh mắc sa sút trí tuệ tiến triển, việc họ có thể quên cách sử dụng các dụng cụ ăn uống, cách nhai, thậm chí là cách nuốt thức ăn là điều hết sức dễ hiểu. Khả năng ăn uống suy giảm dần khiến người bệnh trở nên chán ăn, ăn không ngon miệng.

Khó nuốt

Ở những người bệnh sa sút trí tuệ, hành động nuốt có thể trở nên phức tạp. Việc quên cách nuốt là điều có thể xảy ra ở những người bệnh này. Khó nuốt có thể khiến người bệnh tăng nguy cơ bị mất nước. Việc mất nước có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng thể chất của sa sút trí tuệ, chẳng hạn như các rối loạn vận động.

Hình 1. Khó nuốt là một trong những biến chứng của sa sút trí tuệ

Mất kiểm soát trong việc đi vệ sinh

Một trong những tác động của sa sút trí tuệ khiến người bệnh suy nhược hơn là mất kiểm soát trong việc đi vệ sinh hằng ngày. Tiểu, tiện không tự chủ được xem là một trong những dấu hiệu chính bệnh. Vì vậy, trong chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, người bệnh thường được khuyến khích tập thói quen đi vệ sinh 1-2 giờ một lần.

Thiếu ngủ

Ở những giai đoạn sau của sa sút trí tuệ, người bệnh thường có xu hướng hoạt động vào ban đêm và khó đi vào giấc ngủ hơn. Tình trạng này còn được gọi là “Hội chứng sundowning” - Hội chứng mặt trời lặn.

Những người trải qua hội chứng sundowning có thể gia tăng sự kích động, lú lẫn và hành vi bắt đầu vào cuối buổi chiều và buổi tối khi mặt trời lặn. Những vấn đề về hành vi này gia tăng vào cuối ngày có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ.

 

Suy giảm khả năng di chuyển, vận động

Sa sút trí tuệ có thể gây ra những tác động lớn về thể chất cho người bệnh ở những giai đoạn sau. người bệnh có thể dần mất đi khả năng đi lại, đứng dậy khỏi ghế hoặc giường ngủ. Họ cũng có thể dễ bị té ngã hơn. Nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm khả năng di chuyển và vận động có thể do:

  • Một số thuốc điều trị sa sút trí tuệ.
  • Một số bệnh khác kèm theo (ví dụ đột quỵ).
  • người bệnh suy giảm thị lực.
  • người bệnh bị mất khả năng giữ thăng bằng.
  • Môi trường xung quanh không thoải mái.

Loét tì đè

Nhiều người bệnh sa sút trí tuệ (đặc biệt là ở giai đoạn sau) do vận động hạn chế nên họ thường xuyên phải ở một vị trí trong thời gian dài (chẳng hạn như nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế) và không di chuyển nhiều. Điều này dẫn đến họ có nguy cơ rất cao bị loét do tì đè. Loét tì đè có thể dễ dàng ngăn ngừa sớm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, các vết loét có thể làm người bệnh đau đớn và nhiễm trùng

 

Hình 2. Khó khăn trong cử động, thường xuyên phải giữ nguyên một tư thế khiến người bệnh sa sút trí tuệ dễ gặp phải vấn đề loét tì đè

 

Nhiễm trùng và cục máu đông

Khi khả năng vận động giảm đi, người bệnh sa sút trí tuệ sẽ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và đông máu.

Nỗi phiền muộn của người bệnh

Các bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) có thể gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh sa sút trí tuệ. Ngoài ra, nhiễm trùng còn có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh. Những người bệnh sa sút trí tuệ có kèm theo các bệnh nhiễm trùng thì cần được phát hiện và điều trị nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, cần lưu ý ở những giai đoạn sau của sa sút trí tuệ, người bệnh thường gặp khó khăn trong giao tiếp bằng lời nói và khó diễn tả, cũng như thông báo về những vấn đề mà họ đang gặp phải. Vì vậy mà người chăm sóc có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bệnh và làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

Khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói

Trong những giai đoạn sau của sa sút trí tuệ, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề hơn trong giao tiếp bằng lời nói. Họ có thể không nói được, hoặc nói lắp. Hoặc cũng có trường hợp nói rất nhiều, nhưng lời nói có thể không có ý nghĩa.

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý

Rối loạn cảm xúc ở người bệnh sa sút trí tuệ

Người bệnh sa sút trí tuệ thường có những biểu hiện của việc thay đổi tâm trạng một cách bất thường. Những biểu hiện này bao gồm: không kiểm soát được cảm xúc, phản ứng thái quá, hay cáu kỉnh, xa cách với mọi người, có biểu hiện trầm cảm.

 

Hình 3. Ở những giai đoạn sau của sa sút trí tuệ, người bệnh thường có biểu hiện của sự trầm cảm

 

Những biểu hiện trên có thể được giải thích do người bệnh phải chịu tổn thương não bộ dẫn đến sự suy giảm khả năng suy nghĩ cũng như ghi nhớ.

Vì những cản trở trong hành vi, lời nói cũng như cảm xúc của người bệnh mà người chăm sóc nên cố gắng kiên trì, quan sát, thấu hiểu để tìm ra nhu cầu của người bệnh và đáp ứng chúng nếu có thể.

Sa sút trí ảnh hưởng đến sự tự tin và lòng tự trọng của người bệnh

Sa sút trí tuệ gây cho người bệnh cảm giác mặc cảm với xã hội. Những tổn thương não bộ khiến người bệnh dần mất đi khả năng vận động, ngôn ngữ cũng như điều khiển hành vi cảm xúc của bản thân. Họ bị kỳ thị và không được đối xử một cách bình thường trong xã hội. Những ảnh hưởng của căn bệnh đến tài chính, việc làm, các mối quan hệ với những người xung quanh cũng góp phần tác động tiêu cực đến người bệnh.

Tuy nhiên, người bệnh sa sút trí tuệ có thể tìm được sự đồng cảm và chia sẻ từ các hội, nhóm, các lớp học hỗ trợ dành riêng cho họ. Tại nơi đây, họ có thể thiết lập nhiều mối quan hệ mới cũng như sẽ tìm được các phương pháp hữu ích để đối mặt với tình trạng bệnh mãn tính của mình. Từ đó góp phần lấy lại lòng tự tin trong cuộc sống cho những người sa sút trí tuệ.

Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến mối quan giữa người bệnh và người thân trong gia đình

Sự thay đổi về khả năng ghi nhớ, hành vi, tính cách, khó giao tiếp (do mất ngôn ngữ), thờ ơ, trầm cảm của người mắc bệnh sa sút trí tuệ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ và những người thân trong gia đình. Chẳng hạn như sự thay đổi về tính cách, người bệnh trở nên hay nghi ngờ, hoang tưởng và hung hăng hơn, làm cho mối quan hệ với người nhà hay người chăm sóc trực tiếp trở nên căng thẳng.

2. Ảnh hưởng đến người chăm sóc, người thân và gia đình

Theo thống kê năm 2019 cho thấy, những người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, phổ biến nhất là người thân trong gia đình và bạn bè, đã dành trung bình 5 tiếng mỗi ngày để chăm sóc người bệnh. Điều này gây áp lực không nhỏ đến thể chất, tinh thần cũng như tài chính của người chăm sóc.

Những người trực tiếp chăm sóc bệnh sa sút trí tuệ nói rằng họ trở nên căng thẳng, lo lắng và mức độ trầm cảm ngày càng tăng hơn. Sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, khả năng miễn dịch và sức đề kháng của họ bị suy giảm. Họ thường xuyên bị bệnh và phải dùng nhiều thuốc hơn.

 

Hình 4. Sa sút trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của người bệnh mà còn cho cả những người chăm sóc trực tiếp của họ

 

3. Ảnh hưởng đến kinh tế y tế và xã hội

Sự ảnh hưởng của bệnh sa sút trí tuệ đến kinh tế và xã hội được thể hiện ở mức chi phí về y tế và chăm sóc xã hội.  Năm 2019, ước tính tổng chi phí xã hội toàn cầu cho bệnh sa sút trí tuệ là 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ và những chi phí này dự kiến sẽ vượt qua 2,8 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do số lượng người bệnh sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc đều tăng.

4. Phụ nữ phải chịu gánh nặng bệnh nhiều hơn

Trên thế giới, phụ nữ thường phải chịu ảnh hưởng của căn bệnh sa sút trí tuệ nhiều hơn nam giới. Theo thống kê, có khoảng 65% tổng số ca tử vong do sa sút trí tuệ là phụ nữ và số năm sống được điều chỉnh theo tình trạng khuyết tật (DALY) do sa sút trí tuệ ở phụ nữ cao hơn khoảng 60% so với nam giới. Ngoài ra, 70% những người chăm sóc trực tiếp cho người bệnh sa sút trí tuệ là phụ nữ.

Kết bài: Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ngăn cản bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn là giải pháp hữu hiệu cho những gánh nặng y tế mà sa sút trí tuệ gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội

Qua bài viết này hy vọng bạn đọc có thêm thông tin về những hệ lụy mà bệnh sa sút trí tuệ có thể gây ra. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, ngăn cản bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những gánh nặng y tế mà sa sút trí tuệ gây ra cho người bệnh, gia đình và xã hội.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hartman YA, Karssemeijer EG, van Diepen LA, Rikkert MG, Thijssen DH. Dementia patients are more sedentary and less physically active than age-and sex-matched cognitively healthy older adults. Dementia and geriatric cognitive disorders. 2018;46(1-2):81-9.

[2] Mental and physical activities in the later stages. Alzheimer’s Society. Available from: https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/symptoms-and-diagnosis/how-dementia-progresses/mental-and-physical-activities#:~:text=Dementia%20is%20likely%20to%20have

[3] Alzheimer's Society. The psychological and emotional impact of dementia. Alzheimer’s Society. Alzheimer’s Society; 2019. Available from: https://www.alzheimers.org.uk/get-support/help-dementia-care/understanding-supporting-person-dementia-psychological-emotional-impact

[4] World Health Organization. Dementia. World Health Organization. World Health Organization: WHO; 2022. Available from: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia

[5] Sörensen S, Conwell Y. Issues in dementia caregiving: effects on mental and physical health, intervention strategies, and research needs. The American Journal of Geriatric Psychiatry. 2011 Jun 1;19(6):491-6.

[6] How Can Dementia Affect Physical Health? - Blog - Balanced Home Care New. Balancedhomecare.com. 2019. Available from: https://www.balancedhomecare.com/blog/How-Can-Dementia-Affect-Physical-Health_AE16.html

Chia sẻ: