Hiểu về Alzheimer

Một cái nhìn tổng quan và rõ nét về sa sút trí tuệ

20/03/2023

Sa sút trí tuệ là một hội chứng bệnh lý thường xảy ra ở người lớn tuổi gây ra do những rối loạn ảnh hưởng đến não bộ. Căn bệnh này gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Những hiểu biết không đầy đủ về căn bệnh làm cho người bệnh không được phát hiện kịp thời cũng như bỏ lỡ cơ hội cải thiện bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về chứng sa sút trí tuệ cũng như các dấu hiệu, triệu chứng của căn bệnh này.

1. 6 sự thật về sa sút trí tuệ

  • Sa sút trí tuệ là một hội chứng mà sự suy giảm chức năng nhận thức của người bệnh nặng nề hơn so với một quá trình lão hóa thông thường.
  • Mặc dù sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi nhưng nó không phải là một phần quá trình lão hóa.
  • Trên thế giới có hơn 55 triệu người đang phải sống chung với căn bệnh sa sút trí tuệ (năm 2019). Tuy nhiên con số này vẫn chưa dừng lại và tiếp tục tăng gần 10 triệu ca mỗi năm.
  • Sa sút trí tuệ là kết quả của nhiều bệnh lý và chấn thương ảnh hưởng lên não bộ (nguyên phát hay thứ phát). Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm 60 - 70% các trường hợp.
  • Sa sút trí tuệ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trên toàn cầu và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật, phụ thuộc ở người cao tuổi.
  • Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất của người bệnh mà còn là gánh nặng cho cả những người chăm sóc, gia đình, xã hội và kinh tế nói chung

Ước tính số bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ giai đoạn 2019 - 2050

Hình 1. Ước tính số bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ giai đoạn 2019 - 2050

2. Sa sút trí tuệ là gì

Sa sút trí tuệ là một hội chứng - thường có tính chất mãn tính hoặc tiến triển - dẫn đến sự suy giảm chức năng nhận thức nặng nề hơn so với một quá trình lão hóa bình thường. Hội chứng này ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, tính toán, khả năng hiểu, kỹ năng ngôn ngữ, khả năng học tập, phán đoán và định hướng. Tuy nhiên ý thức của người bệnh không bị ảnh hưởng. Sự suy giảm chức năng nhận thức thường đi kèm (hoặc đôi khi xảy ra trước đó) với sự thay đổi tâm trạng, khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi.

Sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống của người bệnh

 

Hình 2. Sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh đời sống của người bệnh

 

Sa sút trí tuệ là hậu quả của nhiều căn bệnh và chấn thương ảnh hưởng lên não, chẳng hạn như Alzheimer hoặc đột quỵ.

Hiện tại, sa sút trí tuệ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 và là một trong những nguyên nhân chính gây tàn tật, phụ thuộc ở người lớn tuổi trên toàn thế giới. Sa sút trí tuệ không chỉ gây phiền toái cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến những người chăm sóc, gia đình, kinh tế và xã hội nói chung. Do nhận thức và những hiểu biết về chứng sa sút trí tuệ còn hạn chế dẫn đến sự kỳ thị với căn bệnh, tạo ra rào cản trong chẩn đoán và chăm sóc bệnh, khiến người bệnh mất đi cơ hội để cải thiện bệnh tình.

3. Dấu hiệu và triệu chứng giúp nhận biết bệnh sa sút trí tuệ

Các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và khả năng nhận thức trước đó của người bệnh. Dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng, sa sút trí tuệ có thể được chia làm 3 giai đoạn.

Sa sút trí tuệ có 3 giai đoạn với triệu chứng ngày càng tăng nặng

 

Hình 3. Sa sút trí tuệ có 3 giai đoạn với triệu chứng ngày càng tăng nặng

 

Ở giai đoạn sớm, các dấu hiệu thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua, các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Hay quên.
  • Nhầm lẫn về thời gian.
  • Bị lạc ở những nơi quen thuộc.

Ở giai đoạn trung gian, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, điển hình như:

  • Quên các sự việc xảy ra gần đây và quên tên của mọi người.
  • Bối rối ngay khi ở nhà.
  • Trở ngại trong giao tiếp ngày càng tăng.
  • Cần có sự giúp đỡ của người khác trong vấn đề sinh hoạt và chăm sóc cá nhân.
  • Có sự thay đổi về hành vi như đi lang thang và đặt các câu hỏi lặp lại.

Ở giai đoạn trễ của sa sút trí tuệ, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Mất nhận thức về thời gian và địa điểm.
  • Gặp khó khăn khi nhận biết người thân và bạn bè.
  • Nhu cầu được hỗ trợ chăm sóc cá nhân ngày càng tăng.
  • Gặp khó khăn khi đi lại.
  • Những thay đổi về hành vi ngày càng trầm trọng như thường xuyên kích động và gây hấn.

4. Các loại sa sút trí tuệ thường gặp?

Các rối loạn và yếu tố gây thoái hóa thần kinh khác nhau góp phần vào sự tiến triển của chứng sa sút trí tuệ. Các tế bào thần kinh sẽ bị mất từ từ và không thể đảo ngược. Vậy nên hiện tại, không có cách chữa khỏi cho bất kỳ loại sa sút trí tuệ nào.

Có nhiều dạng sa sút trí tuệ khác nhau bao gồm:

  • Bệnh Alzheimer: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ. Bệnh nhân mắc Alzheimer sẽ có những thay đổi bất thường trong não, bao gồm sự tích tụ của các protein được gọi là mảng amyloid và đám rối thần kinh (đám rối tau).
  • Sa sút trí tuệ thùy trán - thái dương (FTD): Đây là một dạng sa sút trí tuệ hiếm gặp có xu hướng xảy ra ở đối tượng dưới 60 tuổi, liên quan đến sự bất thường của protein tau và TDP-43.
  • Sa sút trí tuệ thể Lewy (DLB): Do sự lắng đọng bất thường của protein alpha-synuclein, được gọi là thể Lewy.
  • Sa sút trí tuệ do mạch máu não: Một dạng sa sút trí tuệ do sự tổn thương các mạch máu cung cấp máu cho não hoặc do làm gián đoạn sự vận chuyển oxy và máu lên não.
  • Sa sút trí tuệ hỗn hợp: Là sự kết hợp của hai hay nhiều dạng sa sút trí tuệ.

Hiểu biết và nhận thức đúng đắn về sa sút trí tuệ sẽ giúp phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng bệnh

 

Hình 4. Hiểu biết và nhận thức đúng đắn về sa sút trí tuệ sẽ giúp phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng bệnh

 

Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn có một cái nhìn tổng quan về chứng sa sút trí tuệ. Khi gặp các vấn đề về trí nhớ hoặc có những dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ, bạn cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Tốt nhất nên đi thăm khám, tầm soát định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường của cơ thể cũng như để quản lý bệnh tốt hơn.

 

Tham khảo thêm về dự án của chúng tối:  HHC - Human Health Care

Tài liệu tham khảo:

[1] Gale, S.A., Acar, D. and Daffner, K.R., 2018. William J. Mullally, MD, Neurology Series Editor.

[2] World Health Organization. Dementia. World Health Organization. World Health Organization: WHO; 2022. Available from: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dementia

 

[2] National Institute on Aging. What Is Dementia? Symptoms, Types, and Diagnosis. National Institute on Aging. 2021. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/what-is-dementia

[3] Ballard C, Gauthier S, Corbett A, Brayne C, Aarsland D, Jones E. Alzheimer's disease. the Lancet. 2011 Mar 19;377(9770):1019-31.

[4] Lane CA, Hardy J, Schott JM. Alzheimer's disease. European journal of neurology. 2018 Jan;25(1):59-70.

[5] Alzint.org. 2023 [cited 2023 Mar 2]. Available from: https://www.alzint.org/u/Estimated-growth-in-number-of-people-with-dementia-2019%E2%80%932050_Final-e1630609971569.jpg

[6] Nichols E, Steinmetz JD, Vollset SE, Fukutaki K, Chalek J, Abd-Allah F, Abdoli A, Abualhasan A, Abu-Gharbieh E, Akram TT, Al Hamad H. Estimation of the global prevalence of dementia in 2019 and forecasted prevalence in 2050: an analysis for the Global Burden of Disease Study 2019. The Lancet Public Health. 2022 Feb 1;7(2):e105-25.

Chia sẻ: