Hiểu về Alzheimer

Giải đáp cho những thắc mắc của bạn về sa sút trí tuệ

16/05/2023

1. Cách tốt nhất để hỗ trợ người thân bị sa sút trí tuệ?[1]

Khi có người thân bị sa sút trí tuệ, bạn sẽ là người chăm sóc và là người đồng hành quan trọng đối với bệnh nhân. Bạn nên học và phát triển những kỹ năng cần thiết để chăm sóc người thân bị sa sút trí tuệ khi họ có những thay đổi trong suy nghĩ, bị suy giảm trí nhớ và làm ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như các hoạt động hàng ngày. Việc tranh luận với họ hoặc nhắc nhở họ về những gì họ quên đi sẽ không cải thiện được tình trạng bệnh. Mà điều này sẽ khiến họ khó chịu hoặc thậm chí tức giận hơn. Người chăm sóc cần chấp nhận rằng đây là căn bệnh chứ không phải lỗi của bệnh nhân. Nhận thức được điều này là một bước rất quan trọng để hỗ trợ người thân bị sa sút trí tuệ.

Người chăm sóc hãy cố gắng cùng tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ của người thân. Hãy cùng cười với họ nếu họ cười, cùng xem một chương trình nào đó với họ mà họ thấy vui. Những điều đơn giản này sẽ giúp họ cảm thấy an toàn và yên tâm, không lo lắng, căng thẳng.

dv

Người chăm bệnh hãy tận hưởng những giây phút vui vẻ bên người bệnh sa sút trí tuệ

2. Cách giúp người thân bị sa sút trí tuệ vui vẻ và hạnh phúc?

Bị sa sút trí tuệ không có nghĩa là bệnh nhân phải dừng mọi hoạt động mà họ yêu thích. Có rất nhiều loại hoạt động thể chất, xã hội hoặc sáng tạo họ có thể thực hiện. Điều này có thể giúp họ “sống chung” với bệnh và cải thiện tình trạng sức khỏe.[2]

Nếu bạn là người chăm sóc người thân bị sa sút trí tuệ, xây dựng một hoạt động chung sẽ giúp cả hai có những khoảnh khắc hạnh phúc và có thể tận hưởng thời gian bên nhau.[2]

Có nhiều cách để giúp người thân bị sa sút trí tuệ vui vẻ hạnh phúc mỗi ngày như:[3]

  • Luôn nhớ rằng họ vẫn là người thân, là người bạn mà bạn thân thiết từ rất lâu.
  • Khuyến khích họ tham gia những cuộc trò chuyện nhóm để giữ các mối quan hệ xã hội xung quanh.
  • Không nên tự cho rằng mình đã biết rõ mong muốn của người bệnh mà hãy cho họ quyền chủ động bằng cách nói chuyện và hỏi người bệnh để hiểu họ muốn gì và cần gì.
  • Chủ động cho họ thấy bạn sẵn sàng giúp đỡ họ vì người sa sút trí tuệ thường cảm thấy không đủ tự tin giao tiếp với những người xung quanh để yêu cầu sự trợ giúp.
  • Tinh tế, nhạy cảm hơn để hiểu và hỗ trợ họ sống chung với bệnh.
  • Hãy nhớ rằng chỉ cần một chút sự giúp đỡ của bạn, người bị sa sút trí tuệ vẫn hoàn toàn có thể thực hiện những hoạt động như bình thường.

3. Những thách thức bạn sẽ phải đối mặt khi chăm sóc cho người thân bị sa sút trí tuệ? [4]

Những người chăm sóc cho người thân bị sa sút trí tuệ thường được xem là “bệnh nhân vô hình thứ hai”. Việc trở thành người chăm sóc đôi khi cũng mang lại những điều tích cực, nhưng nhìn chung bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tiêu cực. Bao gồm khả năng cao mắc phải các bệnh tâm lý, sự tách biệt với xã hội, sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng và những khó khăn về tài chính. Người chăm sóc còn phải đối mặt với nhiều trở ngại khi phải cân bằng giữa việc chăm sóc người bệnh với những công việc khác, như nuôi dạy con cái, sự nghiệp và các mối quan hệ của bản thân. Bạn có nguy cơ cao bị căng thẳng, trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe khác do phải gánh vác quá nhiều việc. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chăm sóc một người mắc chứng sa sút trí tuệ gặp nhiều khó khăn hơn cả chăm sóc người bị khiếm khuyết về thể chất.

cdscs

Người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể bị trầm cảm

4. Những điều bạn cần hỏi khi đưa người nhà bị sa sút trí tuệ đi thăm khám?[5]

Đến gặp bác sĩ có thể là trải nghiệm đầy thử thách đối với một số bệnh nhân sa sút trí tuệ. Dưới đây là một số mẹo và lời khuyên để bạn có thể đưa người nhà bị sa sút trí tuệ đến gặp bác sĩ dễ dàng hơn:

  • Bình tĩnh giải thích lý do tại sao điều đó lại quan trọng và điều đó sẽ mang lại lợi ích gì cho họ.
  • Nếu tiếng ồn của phòng chờ làm người bệnh khó chịu, hãy sắp xếp đưa người thân đi khám vào thời điểm yên tĩnh nhất trong ngày hoặc yêu cầu một cuộc hẹn qua điện thoại.
  • Bạn có thể yêu cầu được khám với một bác sĩ trong suốt quá trình điều trị để người người bệnh có thể cảm thấy quen thuộc với bác sĩ và sẽ ít miễn cưỡng hơn.
  • Nếu bệnh nhân đến khám một mình, bạn cần nhắc nhở họ qua điện thoại hoặc tin nhắn để họ không quên.
  • Nếu người bệnh bị lãng tai hoặc khiếm thị hoặc dễ bị lạc, hãy nhờ sự trợ giúp từ phòng khám hay bác sĩ có thể đón họ từ phòng chờ không. Vì những người này có thể bỏ lỡ buổi khám do không nhìn thấy hoặc nghe thấy thông báo, hoặc không thể tìm được đúng phòng.
  • Nếu có thể, hãy giúp người bệnh mang theo thuốc của họ.
  • Trước cuộc hẹn, hãy nhắn tin hoặc gửi email cho bác sĩ trình bày những mối lo ngại của của bạn về người nhà của mình. Điều này có thể giúp bác sĩ nắm được tình hình nếu người bệnh quên hoặc không tự đề cập đến các vấn đề của bản thân.

5. Các thuốc được kê toa cho sa sút trí tuệ có tác dụng không?[6]

Bệnh Alzheimer - một thể sa sút trí tuệ cũng là một thể bệnh thần kinh phức tạp. Do đó, không có loại thuốc hoặc biện pháp can thiệp nào có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc hiểu rõ hơn về bệnh Alzheimer và nghiên cứu các phương pháp điều trị mới. Trong đó có một số loại thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt một số loại thuốc kê toa giúp kiểm soát các triệu chứng ở những người mắc bệnh Alzheimer. Ngày 7/6/2021, FDA phê duyệt cấp tốc cho aducanumab, loại thuốc giúp giảm lắng đọng amyloid trong não và có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Tuy vậy thuốc này vẫn chưa được chứng minh là có tác động đến các triệu chứng hoặc các tiêu chí lâm sàng như sự tiến triển của suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ.

Hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng tốt đối với người bệnh ở giai đoạn đầu hoặc giữa của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, điều quan trọng phải hiểu rằng không có loại thuốc nào có thể điều trị hoàn toàn bệnh.

6. Cách chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn?

Nhu cầu của người bệnh sa sút trí tuệ sẽ thay đổi theo thời gian. Vì vậy, khi chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, bạn có thể phải đối mặt với nhiều cảm giác khác nhau. và thường là cảm giác tiêu cực. Điều này đặc biệt khó khăn vì khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, tính cách của người bệnh thay đổi và mối quan hệ của bạn với họ cũng sẽ thay đổi. Những cảm xúc này không hề dễ dàng nhưng bạn cần biết rằng đó là một trải nghiệm hoàn toàn bình thường.[7]

Cảm xúc thường thấy nhất mà gia đình và người chăm sóc trải qua là cảm giác tội lỗi, đau buồn, mất mát và tức giận. Một số gợi ý sau đây có thể sẽ hữu ích giúp bạn đối phó với những cảm xúc này:[7]

  • Cảm nhận nỗi đau: Cho phép bản thân bạn thực sự cảm nhận những gì bạn đang cảm thấy, bất kể đó là gì. Cố gắng chối bỏ cảm xúc chỉ làm tăng thêm và kéo dài nỗi đau.
  • Khóc: Nước mắt có thể giúp trị liệu. Hãy để chúng làm sạch và xoa dịu cơn đau bên trong bạn.
  • Tâm sự với người khác: Hãy nói ra cảm xúc của bạn ngay cả khi bạn đang trong thời điểm khó khăn nhất. Chia sẻ nỗi buồn cho người khác sẽ làm nỗi buồn vơi đi. Bạn có thể tâm sự với một ai đó ngoài gia đình, chẳng hạn như bạn bè, người cố vấn.
  • Viết nhật ký: Nhật ký là một không gian riêng tư, nơi mọi thứ có thể được viết ra, kể cả những mong muốn chưa được thực hiện, cảm giác tội lỗi, tức giận và bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc nào khác.
  • Quẳng gánh lo âu: Đừng để cay đắng, oán giận nhấn chìm bạn. Oán giận là một gánh nặng và bạn sẽ chỉ tiếp tục bị tổn thương khi giữ nó. Nếu sự tức giận của bạn có nguyên nhân cụ thể, hãy cố gắng giải quyết nó.
  • Tìm sự thoải mái: Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để tìm thấy sự thoải mái. Đối với nhiều người, họ thấy thoải mái khi cầu nguyện, thiền định hay các hoạt động khác.
  • Bình tĩnh: Hãy cẩn thận, tìm hiểu kỹ tất cả các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định vì bạn rất dễ tổn thương trong giai đoạn này.
  • Cân bằng cảm xúc của bạn: Tiếp xúc với nhiều người khác nhau để cân bằng cảm xúc vui và buồn, tức giận và bình yên, tội lỗi và vui vẻ.
  • Học cách cười trở lại: Tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống có thể là một cách để nhớ lại những khoảng thời gian hạnh phúc bạn từng trải qua trước đây.

viết nhật ký

Viết nhật ký có thể giúp làm giảm các cảm giác đau buồn, tức giận,…

Và đừng quên rằng bạn cần phải nghỉ ngơi. Cố gắng đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ sau khi chăm sóc người bệnh để không bị kiệt sức. Có rất nhiều cách để nghỉ ngơi, tùy vào bạn và gia đình của bạn phù hợp với những gì, có thể là:[8]

  • Thời gian để người bệnh sa sút trí tuệ tận hưởng những trải nghiệm mới.
  • Thời gian để thư giãn và nạp năng lượng theo bất kỳ cách nào phù hợp với bạn.
  • Dành thời gian cùng nhau thực hiện những hoạt động khác với thường ngày.
  • Bạn cũng có thể nhờ sự giúp đỡ từ người thân khác trong gia đình hoặc bạn bè để bạn có thể nghỉ ngơi.

7. Vì sao người bị sa sút trí tuệ thay đổi hành vi và tính cách?[9]

Có nhiều nguyên nhân khiến người bệnh sa sút trí tuệ thay đổi hành vi và tính cách. Đó có thể là:

  • Giảm khả năng giao tiếp hiệu quả so với trước đây.
  • Những thay đổi trong não do chứng mất trí, ảnh hưởng đến trí nhớ, tâm trạng và hành vi.
  • Những thay đổi trong môi trường, chẳng hạn như nhiệt độ, tiếng ồn, đám đông, ánh sáng, phòng lớn, hoặc không gian mở.
  • Những thay đổi về khả năng hoạt động. Chẳng hạn như khi một hoạt động rất quen thuộc trước kia lại trở nên quá khó khăn.
  • Những thay đổi về sức khỏe, do dùng thuốc, cảm thấy không khỏe hoặc một bệnh khác đi kèm như nhiễm trùng hoặc đau.

Chứng mất trí nhớ đôi khi khiến người bệnh khó nói ra những gì họ cần hoặc hiểu những gì mọi người đang nói với họ. Hiểu được nguyên nhân hành vi của họ có thể giúp bạn tìm cách ứng phó nếu điều này xảy ra.

Nguồn tham khảo

  1. Personality Changes in Dementia https://www.alz.org/media/cacentral/dementia-care-30-personality-changes-in-dementia.pdf
  2. Activities for dementia https://www.nhs.uk/conditions/dementia/activities/
  3. How to support a person with a dementia https://www.nidirect.gov.uk/articles/how-support-person-dementia
  4. Family caregivers of people with dementia https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3181916/
  5. Coping with GP appointments when you have dementia https://www.alzheimers.org.uk/get-support/help-with-dementia-care/tips-dementia-going-see-gp
  6. TREATMENT OF ALZHEIMER’S DISEASE - How Is Alzheimer's Disease Treated? https://www.nia.nih.gov/health/how-alzheimers-disease-treated
  7. Your feelings https://www.dementia.org.au/support-and-services/families-and-friends/taking-care-of-yourself/your-feelings
  8. Taking a break https://www.dementia.org.au/information/about-you/i-am-a-carer-family-member-or-friend/taking-care-of-yourself/taking-a-break
  9. Understanding changes in behaviour https://www.dementia.org.au/about-dementia-and-memory-loss/about-dementia/behaviour/behaviour-changes

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: