Hiểu về Alzheimer

Duy trì sức khỏe sẽ mang lại lợi ích lâu dài

11/05/2023

1. Sức khỏe thể chất

Chế độ ăn uống

Dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng để giữ cho một cơ thể mạnh khỏe. Đối với một người mắc bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ, dinh dưỡng kém có thể làm tăng các triệu chứng về hành vi và có thể gây sụt cân.

Một số mẹo dưới đây có thể giúp tăng cường sức khỏe cho người bệnh sa sút trí tuệ:

  • Cung cấp một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm cho người bệnh. Chẳng hạn như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít chất béo và thực phẩm protein nhiều nạc.
  • Hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Một số chất béo cần thiết cho sức khỏe nhưng không phải tất cả các chất béo đều có lợi. Tránh ăn các chất béo có hại cho sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như pho-mát, mỡ rắn (shortening), phần mỡ của thịt.
  • Cắt giảm đường tinh chế. Đường tinh chế thường được tìm thấy trong các thực phẩm chế biến sẵn. Chúng chứa nhiều calo nhưng nghèo vitamin, khoáng chất và chất xơ. Bạn có thể chế ngự sự thèm ngọt bằng các lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn như ăn trái cây hoặc ăn những đồ nướng mà sử dụng đường từ nước ép trái cây. Nhưng lưu ý rằng trong giai đoạn sau của bệnh Alzheimer, nếu chán ăn là một vấn đề, việc thêm đường vào khẩu phần ăn có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng chán ăn.
  • Hạn chế thực phẩm có hàm lượng natri cao và sử dụng ít muối hơn. Tiêu thụ quá nhiều natri sẽ hưởng đến huyết áp. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng gia vị từ cây, hoa, quả, hạt hoặc gia vị từ thảo mộc để tăng hương vị cho món ăn.

Người bệnh sa sút trí tuệ cần một chế độ ăn cân bằng với đa dạng thực phẩm

Người bệnh sa sút trí tuệ cần một chế độ ăn cân bằng với đa dạng thực phẩm

Duy trì hoạt động thể chất

 Tập thể dục nên được tiếp tục duy trì càng lâu càng tốt với những bệnh nhân sa sút trí tuệ. Vì nó đã được chứng minh đem lại lợi ích sức khỏe cho họ. Tập thể dục có thể giúp ngừa sự yếu cơ, các vấn đề về vận động chi và các biến chứng sức khỏe khác liên quan đến việc bất động chi. Nó còn có thể giúp thúc đẩy hình thành nhịp ngày đêm bình thường, giúp cải thiện tâm trạng và gia tăng ý muốn tham gia hoạt động xã hội.

Tập thể dục cũng góp phần làm giảm căng thẳng và trầm cảm. Đây là 2 bệnh thường gặp ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ. Hoạt động lặp đi lặp lại như đi bộ trên máy chạy bộ hoặc sử dụng xe đạp tập thể dục có thể giúp giảm lo lắng cho người bệnh. Bởi lẽ các hoạt động này không đòi hỏi họ đưa ra quyết định, hoặc phải ghi nhớ về những việc cần làm tiếp theo.

Để hoạt động thể chất hiệu quả, bạn có thể:

  • Làm ấm cơ thể trước khi bắt đầu và thư giãn sau khi tập.
  • Bắt đầu với cường độ thấp và tăng dần lên.
  • Tập luyện trong môi trường an toàn; tránh tập trong khu vực sàn nhà trơn trượt, ánh sáng kém, và những nơi có thể gây nguy hiểm.
  • Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giữ cân bằng, hãy tập thể dục với dụng cụ như thanh vịn hoặc vật gì đó để bám vào.
  • Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy không khỏe hoặc bắt đầu đau nhức, hãy dừng lại hoạt động và xin lời khuyên của chuyên gia y tế về cách kiểm soát tình trạng này.
  • Quan trọng nhất là hãy chọn môn thể thao mà bạn thích và gắn bó lâu dài với nó. Một số môn thể thao gợi ý bao gồm: làm vườn, đi bộ, thể dục nhịp điệu dưới nước, yoga, thái cực quyền.

Nghỉ ngơi đầy đủ

 Người bệnh Alzheimer cần có một phòng ngủ thích hợp để ngủ nghỉ dễ dàng hơn - phương pháp điều trị cho triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Để làm điều đó, bạn có thể:

  • Duy trì thời gian đều đặn; ăn, ngủ nghỉ, thức dậy đúng giờ.
  • Tắm nắng buổi sáng.
  • Khuyến khích người bệnh tập thể dục đều đặn hàng ngày. Nhưng không tập thể dục quá gần với thời gian ngủ, nên tập cách ít nhất 4 giờ trước khi ngủ.
  • Tránh uống rượu, caffeine và nicotine.
  • Điều trị đau nếu có.
  • Nếu người bệnh đang dùng thuốc ức chế men cholinesterase (ví dụ: tacrine, donepezil, rivastigmine hoặc galantamine), tránh dùng các thuốc này trước khi đi ngủ
  • Đảm bảo nhiệt độ phòng ngủ thoải mái. Bố trí đèn ngủ và đồ vật bảo đảm cho người bệnh an toàn trong thời gian ngủ. Nếu người bệnh tỉnh giấc, không nên để họ nằm trên giường khi họ tỉnh táo. Chỉ sử dụng giường cho việc ngủ.
  • Không khuyến khích xem tivi trong thời gian người bệnh tỉnh táo.

Không nên để người bệnh sa sút trí tuệ sử dụng rượu, caffeine và nicotine

Không nên để người bệnh sa sút trí tuệ sử dụng rượu, caffeine và nicotine

Chăm sóc bàn chân

Khi bệnh tiến triển, khả năng giữ thăng bằng của bệnh nhân có thể kém đi. Điều này có thể kèm theo nguy cơ té ngã và việc tự chăm sóc bản thân sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Vì vậy, việc kiểm soát và chăm sóc bàn chân được các bác sĩ đánh giá là rất quan trọng. Mục đích là nhằm tối ưu hóa cảnh giác đối với dấu hiệu chấn thương ở bàn chân và các bệnh ở bàn chân phần lớn do vệ sinh không sạch sẽ.

Chăm sóc đôi chân cũng khá quan trọng đối với bệnh nhân Alzheimer. Nếu người bệnh không có khả năng tự chăm sóc chân, người chăm bệnh có thể giúp bằng cách:

  • Ngâm chân người bệnh trong nước ấm. Rửa chân bằng xà phòng dịu nhẹ, theo dõi và kiểm soát các vết cắt, trầy xước và vết chai.
  • Thoa kem dưỡng (lotion) lên chân để vùng da này không bị khô và nứt nẻ.
  • Giúp người bệnh cắt và dũa gọn móng chân.
  • Nếu người bệnh bị tiểu đường hoặc lở loét ở chân thì cũng cần báo với bác sĩ chuyên môn về bàn chân.

Chăm sóc nha khoa

Đối với bệnh nhân sa sút trí tuệ, việc chăm sóc răng miệng có thể được xem là một thách thức đáng kể. Do bệnh nhân suy giảm nhận thức, các triệu chứng về hành vi và tâm lý, nên việc chăm sóc răng miệng chủ động bị hạn chế.

Chìa khóa để duy trì sức khỏe răng miệng tốt cho người bệnh sa sút trí tuệ là:

  • Giúp bệnh nhân chăm sóc răng miệng. Người chăm sóc cần nhắc nhở và hỗ trợ họ đánh răng và chăm sóc răng giả.
  • Giảm lượng đường trong khẩu phần ăn. Theo dõi và giảm lượng đường khi cần thiết cho người vẫn còn răng tự nhiên.
  • Sử dụng fluoride. Thường xuyên sử dụng fluoride trên răng tự nhiên bằng cách sử dụng nước máy có chất florua, kem đánh răng, nước súc miệng và gel.
  • Khám răng định kỳ với bác sĩ nha khoa hiểu và có kinh nghiệm trong việc chăm sóc người sa sút trí tuệ.

Nhiều bệnh nhân sa sút trí tuệ không bày tỏ sự khó chịu hoặc đau đớn bằng lời nói. Do đó, người chăm sóc có thể dựa vào một số dấu hiệu thay đổi của người bệnh để thấy có tồn tại vấn đề về răng miệng. Chẳng hạn như bệnh nhân bỏ ăn, gương mặt nhăn nhó, từ chối chăm sóc vệ sinh răng miệng hoặc có các vấn đề về hành vi khác.

Người chăm bệnh sa sút trí tuệ nên giúp người bệnh chăm sóc răng miệng hằng ngày

Người chăm bệnh sa sút trí tuệ nên giúp người bệnh chăm sóc răng miệng hằng ngày

Tiêm vắc xin

Tuổi tác được xem là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với bệnh Alzheimer - một dạng bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Hệ thống miễn dịch sẽ thay đổi theo tuổi tác, người lớn tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm trùng hơn. Trong đó, viêm phổi phổ biến hơn ở những người mắc bệnh Alzheimer so với những người khỏe mạnh cùng độ tuổi.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Alzheimer năm 2020 chỉ ra rằng bệnh nhân sa sút trí tuệ có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng cao hơn nhưng tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm và viêm phổi có thể giúp giảm số lượng này.

2. Sức khỏe tinh thần

Duy trì hoạt động trí não

Hãy để não được hoạt động! Rèn luyện trí óc hàng ngày có thể giúp cho bộ não được kích thích và giúp làm chậm sự tiến triển sang các giai đoạn sau của bệnh.

Tùy từng đối tượng sẽ có những cách để duy trì hoạt động não bộ khác nhau. Nhưng ý tưởng chính vẫn là giữ cho bộ não được hoạt động và được thử thách.

Học một cái gì đó mới, chẳng hạn như một ngôn ngữ thứ hai hoặc một nhạc cụ.

  • Chơi các trò chơi cờ bàn (board game) với con hoặc cháu. Hoặc để cho người bệnh và bạn bè cùng nhau chơi bài hàng tuần. Sự kết nối các mối quan hệ xã hội cũng giúp ích cho sự duy trì hoạt động của não.
  • Chơi trò chơi giải ô chữ, số hoặc các loại câu đố khác.
  • Chơi trò chơi trí nhớ trực tuyến hoặc trò chơi điện tử.
  • Khuyến khích người thân đọc, viết hoặc đăng ký các lớp dành cho người lớn tuổi tại địa phương nếu có.

Duy trì tham gia các hoạt động xã hội

Giữ liên lạc với những người xung quanh rất tốt cho sự tự tin và sức khỏe tinh thần của người bệnh. Chẳng hạn như việc gặp gỡ bạn bè và gia đình.

Có thể khuyến khích họ tham gia các hoạt động xã hội như:

  • Khiêu vũ, thái cực quyền, yoga, bơi lội hoặc tham gia một nhóm đi bộ để giúp họ năng động và hòa đồng. Có thể cân nhắc cho họ tham gia các buổi bơi lội, tập thể dục và đi bộ với những người bệnh khác tại địa phương.
  • Các hoạt động dựa trên nghệ thuật – các lớp học vẽ, nhóm kịch, câu lạc bộ sách đều có thể cho người thân tiếp tục tham gia
  • Hồi tưởng. Có thể để người bệnh chia sẻ trải nghiệm cuộc sống và những câu chuyện trong quá khứ bằng hình ảnh, đồ vật, video và clip nhạc, dưới dạng sách hoặc trên máy tính bảng hoặc thiết bị kỹ thuật số khác.

Khuyến khích bệnh nhân sa sút trí tuệ tham gia hoạt động xã hội: khiêu vũ, yoga, thái cực quyền,…

Khuyến khích bệnh nhân sa sút trí tuệ tham gia hoạt động xã hội: khiêu vũ, yoga, thái cực quyền,…

Duy trì hoạt động thường nhật

Bệnh Alzheimer và một số sa sút trí tuệ liên quan khác trở nên nặng hơn theo thời gian. Ngay cả những hoạt động đơn giản hàng ngày cũng có thể khiến bệnh nhân khó hoàn thành. Để giúp đối phó với những thay đổi trong trí nhớ và suy nghĩ, bạn có thể xem xét các chiến lược có thể giúp người bệnh thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng hơn. Bạn có thể cân nhắc thực hiện một số gợi ý sau:

  • Viết danh sách việc cần làm, cuộc hẹn và sự kiện vào sổ ghi chép hoặc lịch và nhắc nhở người thân.
  • Thiết lập thanh toán hóa đơn tự động và cân nhắc giúp họ quản lý tài chính.
  • Quản lý thuốc bằng hộp đựng thuốc hàng tuần, hộp đựng thuốc có lời nhắc (như báo thức).
  • Yêu cầu bác sĩ cung cấp một kế hoạch chăm sóc và viết ra các hướng chăm sóc.

Chăm sóc giấc ngủ

Sa sút trí tuệ thường làm thay đổi thói quen ngủ của người bệnh. Họ có thể ngủ nhiều hơn, ngủ không đủ giấc và thức dậy nhiều lần trong đêm. Chất lượng giấc ngủ kém có thể làm cho các triệu chứng sa sút trí tuệ trở nên tồi tệ hơn.

Dưới đây là một số lời khuyên cho người bệnh có giấc ngủ ngon hơn và an toàn hơn:

  • Thực hiện theo một lịch trình đều đặn bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. ngay cả vào cuối tuần hoặc khi đi du lịch.
  • Nên hình thành thói quen đi ngủ với ánh sáng yếu, nhiệt độ mát mẻ và không có màn hình điện tử.
  • Tránh ngủ trưa quá muộn trong ngày.
  • Đặt đèn ngủ ở nơi người bệnh dễ với tới. Cũng nên lắp đèn ngủ ở hành lang và trang bị đèn pin ở gần người bệnh.
  • Để điện thoại có các số điện thoại khẩn cạnh giường.
  • Nói chuyện với bác sĩ nếu người thân có vấn đề về giấc ngủ.

Giải quyết lo lắng

Trầm cảm và lo âu là 2 tình trạng cực kỳ phổ biến ở những bệnh nhân sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức nhẹ. Do những triệu chứng này, nhiều người bệnh bị giảm chất lượng cuộc sống. Trầm cảm và lo lắng có thể dẫn đến không thực hiện các hoạt động hàng ngày. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề về trí nhớ. Xa cách với xã hội và ngừng các hoạt động kích thích nhận thức do trầm cảm làm tăng khả năng vào viện dưỡng lão.[13]

Đối với nhiều bệnh nhân, các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm từ nhẹ đến trung bình có thể thuyên giảm mà không cần điều trị y tế. Một số việc làm sau đây có thể giúp ích cải thiện tình trạng:

  • Tập thể dục và các bài tập thư giãn.
  • Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
  • Tham gia thực hiện liệu pháp tâm lý, ví dụ như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc tư vấn tâm lý.
  • Luyện tập tỉnh thức.
  • Các liệu pháp thay thế khác, ví dụ như châm cứu, bấm huyệt hoặc dùng thảo dược.

Nói chung, những chiến lược này hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu và giữa của bệnh. Người bệnh sa sút trí tuệ giai đoạn trễ có thể sẽ không còn hiệu quả.

Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể giúp ích. Chúng cũng có thể được kê toa cho các triệu chứng của sa sút trí tuệ trán - thái dương.

Một số phương pháp thay thế như châm cứu, bấm huyệt,… có thể giúp cải thiện chứng lo âu

Thư giãn và giảm stress

Sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các bệnh sa sút trí tuệ khác đòi hỏi người bệnh phải đối mặt những căng thẳng trong cuộc sống. Nhưng quá nhiều căng thẳng có thể khiến bạn thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng hoạt động. Giảm căng thẳng có thể giúp cải thiện khả năng tập trung, khả năng ra quyết định và chất lượng cuộc sống.

Một số mẹo giúp giảm căng thẳng:

  • Xác định nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Tách bản thân ra khỏi những nguyên nhân này bất cứ khi nào có thể.
  • Giải quyết các nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và chấp nhận sự giúp đỡ của người khác. Điều này giúp bạn thay đổi cách nhìn nhận tình huống. Vì tình huống khó khăn nhất cũng có thể bao gồm mặt tích cực và tiêu cực. Và chúng ta cần tìm kiếm những điều tích cực bất cứ khi nào có thể.
  • Thiết lập ranh giới và cho người khác biết giới hạn của bạn. Bạn sẵn sàng chịu đựng điều gì và bạn không chấp nhận điều gì? Hãy cởi mở nhất có thể về điều này với những người khác.
  • Tìm hiểu những việc nào tốt nhất có thể khiến bạn thư giãn. Làm những điều đó khi bạn cảm thấy căng thẳng.
  • Tâm sự với người thân hoặc bạn bè, những người bạn thấy tin tưởng về cảm giác của bạn.
  • Thay đổi môi trường. Nếu bạn đang ở trong một môi trường có quá nhiều kích thích khiến bạn căng thẳng, hãy tìm một môi trường mới để có thể thư giãn và lấy lại tinh thần.
  • Nghỉ giải lao. Nghỉ ngơi nhiều để giúp tiết kiệm năng lượng của bạn.
  • Tạm gác những công việc quá khó. Nếu điều gì đó trở nên quá khó khăn với bạn, hãy tạm gác lại và thử quay lại với nó sau.
  • Áp dụng các kỹ thuật thư giãn. Ví dụ như: Yoga hoặc thiền định; tập thể dục/đi bộ; viết những suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong một tạp chí; làm vườn; nghe nhạc; hoặc xem một chương trình truyền hình yêu thích mà bạn thấy thư giãn hoặc thú vị.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin về những cách duy trì sức khỏe. Cả sức khỏe thể chất và tinh thần đều cần được chăm chút hằng ngày, nhất là đối với người bệnh sa sút trí tuệ.

Nguồn tham khảo:

Coronavirus (COVID-19): Tips for Dementia Caregivers – Daily Care - Food and Eating https://www.alz.org/help-support/caregiving/daily-care/food-eating

Physical exercise and dementia https://www.dementia.org.au/sites/default/files/helpsheets/Helpsheet-DementiaQandA08-PhysicalExercise_english.pdf

Alzheimer's and Dementia - Treatments for Sleep Changes https://www.alz.org/alzheimers-dementia/treatments/for-sleep-changes

Schaper S, Meyer-Rötz S, Bartels C, Wiltfang J, Rödig T, Schott BH, Belz M. Dental care of patients with dementia: A survey on practice equipment, training, and dental treatment. Frontiers in Oral Health. 2021 May 7;2:682139.

Dental care https://www.dementia.org.au/support-and-services/families-and-friends/personal-care/dental-care

Infections and dementia https://www.alzheimers.org.uk/about-dementia/risk-factors-and-prevention/infections-and-dementia Infections increase risk of death and vaccines show significant benefit for dementia https://www.alzheimersresearchuk.org/vaccines-help-dementia-infections-increase-death-risk/

Challenging your brain https://alzheimer.ca/en/help-support/im-living-dementia/living-well-dementia/challenging-your-brain

Brain Exercises and Dementia https://www.webmd.com/alzheimers/guide/preventing-dementia-brain-exercises

Activities for dementia https://www.nhs.uk/conditions/dementia/activities/

Tips for People With Dementia https://www.alzheimers.gov/life-with-dementia/tips-dementia

What works best for treating depression and anxiety in dementia? https://www.health.harvard.edu/blog/what-works-best-for-treating-depression-and-anxiety-in-dementia-2020031819071

Anxiety, depression and dementia https://www.dementiauk.org/get-support/understanding-changes-in-dementia/managing-anxiety-and-depression/#treatment

Reducing Stress https://www.alz.org/help-support/i-have-alz/live-well/reducing-stress

López-López D, Grela-Fariña M, Losa-Iglesias ME, Calvo-Lobo C, Rodríguez-Sanz D, Palomo-López P, Becerro-de-Bengoa-Vallejo R. Clinical aspects of foot health in individuals with Alzheimer’s disease. International Journal of Environmental Research and Public Health. 2018 Feb;15(2):286.

National Institute on Aging. Caring for a Person With Late-Stage Alzheimer’s Disease. Available at: https://www.nia.nih.gov/health/caring-late-stage-alzheimers-disease#dental [Accessed 10 Apr. 2023].

Chia sẻ: