Yêu bao tử

ĐIỀU TRỊ TRIỆT TRỪ HP TRÊN BỆNH NHÂN KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG

13/10/2021

1. Dịch tể học và mối liên quan giữa khó tiêu chức năng và nhiễm Helicobacter pylori (HP). 

Khó tiêu là triệu chứng thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày, có khoảng 20% dân số trên thế giới và 5% bệnh nhân đến khám bệnh có triệu chứng khó tiêu. 80% bệnh nhân khó tiêu sẽ không có tổn thương trên nội soi và được gọi là khó tiêu chức năng. Khó tiêu chức năng chiếm 16%, tỷ lệ này thay đổi tùy theo quốc gia và tiêu chuẩn chẩn đoán. Triệu chứng đặc trưng của khó tiêu chức năng là đau thượng vị, nóng rát thượng vị, đầy bụng sau ăn và ăn mau no. Khó tiêu chức năng là một rối loạn chức năng của đường tiêu hóa mạn tính khó chữa lành, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

HP là vi khuẩn gây bệnh nhiễm trùng mạn tính ở dạ dày, có đến 50% (1 tỷ) dân số thế giới bị nhiễm. Tỷ lệ nhiễm HP thường cao ở những nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm HP khoảng 50-70%. HP không những gây ra thay đổi bệnh học tại niêm mạc dạ dày mà còn tác động đến nhiều hóc môn của dạ dày ruột. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy HP có liên quan đến rối loạn vận động của đường tiêu hóa. Điều trị tiệt trừ HP giúp cải thiện triệu chứng ở bệnh nhân khó tiêu chức năng. 

 

 2. Bệnh sinh của khó tiêu chức năng có liên quan đến HP không? 

Khó tiêu chức năng là bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa khó tiêu chức năng và nhiễm HP, nhiễm HP có thể đóng vai trò trong sinh lý bệnh của khó tiêu chức năng. Nhiễm HP có thể là một nguyên nhân khởi phát khó tiêu chức năng. Bệnh nhân bị khó tiêu chức năng có triệu chứng trùng lắp với một số bệnh lý khác như: hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản…. 

 

Sinh lý bệnh trong khó tiêu chức năng chủ yếu là do tăng tiết acid, tăng nhạy cảm của dạ dày tá tràng, giảm khả năng chứa và chậm làm trống của dạ dày. Trên bệnh nhân nhiễm HP, HP có thể gây viêm niêm mạc hang vị tăng tiết acid, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau thượng vị, nóng rát vùng thượng vị. HP cũng có thể gây viêm teo thân hạng vị sẽ giảm tiết acid và ghrelin, bệnh nhân sẽ có triệu chứng ăn không ngon, ăn mau no và đầu bụng sau ăn. Tiến triển sau viêm teo là chuyển sản niêm mạc ruột ở dạ dày, loạn sản và cuối cùng là ung thư dạ dày. 

 

3. Chẩn đoán nhiễm HP trên bệnh nhân khó tiêu chức năng 

Chẩn đoán khó tiêu chức năng theo tiêu chuẩn ROME IV: 

Có ít nhất 1 trong những triệu chứng sau đây: 

  • Khó chịu do đầy bụng sau ăn 
  • Khó chịu do ăn mau no 
  • Khó chịu do đau thượng vị  
  • Khó chịu do nóng rát thượng vị 

Và không có bệnh lý thực thể giải thích các triệu chứng trên  

Các triệu chứng kéo dài 3 tháng gần nhất và xuất hiện ít nhất 6 tháng trước thời điểm chẩn đoán. 

Khó tiêu chức năng được chia làm 2 hội chứng: đau thượng vị và đầy bụng sau ăn. 

Trên bệnh nhân được chẩn đoán khó tiêu chức năng, chúng ta phải tầm soát nhiễm HP. Các phương pháp tầm soát HP như: huyết thanh chẩn đoán (IgM), xét nghiệm hơi thở, tìm kháng nguyên trong phân, CLO test, mô học, nuôi cấy. 

Nội soi dạ dày khi bệnh nhân có những triệu chứng báo động: xuất huyết tiêu hóa, khó nuốt, thiếu máu, sụt cân bất thường, nôn kéo dài, khối u vùng thượng vị, bệnh nhân trên 50 tuổi có chứng khó tiêu mới xuất hiện.  

 

4. Điều trị tiệt trừ HP trên bệnh nhân khó tiêu chức năng  

Có nhiều lựa chọn trong điều trị khó tiêu chức năng: thuốc ức chế tiết acid, thuốc hổ trợ vận động đường tiêu hóa gọi là Prokinetic (mosapride, itopride…), thuốc chống trầm cảm và giải lo âu. Điều trị tiệt trừ HP là rất quan trọng nếu có nhiễm HP. 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ nhiễm HP ở những bệnh nhân khó tiêu chức năng cao hơn nhóm chứng, tiệt trừ HP giúp cải thiện được triệu chứng. Phác đồ điều trị HP phải phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI), thời gian điều trị tốt nhất đủ 14 ngày. 

Điều trị tiệt trừ HP ngày nay trở nên khó khăn do tình trạng HP kháng thuốc kháng sinh rất cao. Để chọn phác đồ điều trị đạt hiểu quả cao như tình trạng hiện nay, lựa chọn kháng sinh tốt nhất dựa vào test nhạy cảm kháng sinh hoặc tỷ lệ HP kháng kháng sinh của từng địa phương.  

Ngoài kháng sinh, phải lựa chọn thuốc PPI đủ mạnh để pH dạ dày đạt từ 6-8 là rất thần thiết. Với pH này, HP ở trạng thái nhân đôi tạo điều kiện tốt cho kháng sinh tiêu diệt HP. Đa số PPI chuyển hóa ở gan qua men CYP2C19, vì vậy lựa chọn PPI không hoặc ít bị chuyển hóa bởi men CYP2C19 (rabeprazole, esomeprazole). 

Có rất nhiều phác đồ điều trị tiệt trừ HP. Nhưng cho đến nay, phác đồ PBMT (PPI, Bismuth, Metronidazole, Tetracyline) vẫn còn hiệu quả trong điều trị tiệt trừ HP ở những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao. Tuy nhiên, phác đồ này có đến 50-70% tác dụng phụ. Tác dụng phụ thường gặp là đắng miệng, nôn, buồn nôn, đau bụng…, có trường hợp tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải ngưng thuốc.  

Tuân thủ điều trị không kém phần quan trọng, giúp đạt tỷ lệ thành công cao trong điều trị tiệt trừ HP. Vì vậy, trước khi điều trị, phải tư vấn cho bệnh nhân cách sử dụng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, thời gian điều trị. Tuân thủ điều trị ảnh hưởng đến 60-90% trong phác đồ điều trị HP. 

 Khó tiêu chức năng là một trong những bệnh thường gặp trong rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, chẩn đoán khó tiêu chức năng trở nên khó khăn do triệu chứng trùng lắp với bệnh lý tiêu hóa khác. Trong số nguyên nhân khó tiêu chức năng, nhiễm HP được xem như có một số tác động khởi phát khó tiêu chức năng. Điều trị tiệt trừ HP là một lựa chọn thích hợp trong bệnh lý khó tiêu chức năng giúp cải thiện triệu chứng của bệnh. 

THS.BS. Mã Phước Nguyên 

Phó Trưởng Khoa Nội Tiêu Hóa - Bệnh viện Chợ Rẫy 

Tài liệu tham khảo 

  1. Ratha-Korn Vilaichone and Varocha Mahachai (2013), Functional dyspepsia and Helicobacter pylori infection, p: 55-68. 
  2. Sung Eun Kim (2016), HP, 2016, p:207-218. 
  3. Kazunari Tominaga (2018), Functional Dyspepsia. 
  4. Alexander C Ford, Functional dyspepsia (2020), the lancet, S0140-6736(20)30469-4. 
  5. Shailja C. Shah, AGA Clinical Practice Update on the Management of Refactory Helicobacter pylori infection: Expert Review (2021), Gastroenterology; 160: 1831-1841. 
Chia sẻ: