Yêu bao tử

ĐIỀU TRỊ SỎI TÚI MẬT NHƯ THẾ NÀO?

13/10/2021

 

 

A picture containing diagram

Description automatically generated  

Hình 1. Vị trí và hình dạng của túi mật trong cơ thể 

Sỏi túi mật được hình thành, do các tinh thể được kết tủa từ dịch mật và một số chất trong mật, theo thời gian các tinh thể phát triển, kết tụ và hợp nhất tạo thành những viên đá vĩ mô. Sỏi túi mật có thể được phát hiện một cách tình cờ. Tùy thuộc vào triệu chứng của người có sỏi túi mật bác sĩ có kế hoạch điều trị khác nhau.  

1. Triệu chứng thường gặp của sỏi túi mật 

  • Đau hạ sườn phải 
  • Đau bắt đầu sau ăn, thường được mô tả là dữ dội và âm ỉ, thường kéo dài 1-5 giờ, tăng đều đặn trong 10-20 phút, sau đó giảm dần. 
  • Đau không thuyên giảm. 
  • Rối loạn tiêu hóa 
  • Siêu âm, chụp cắt lớp hay các xét nghiệm về máu là những phương tiện hữu ích để chẩn đoán sỏi túi mật 

2. Điều trị sỏi túi mật 

Điều trị nội khoa

Điều trị sỏi túi mật tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình huống phát hiện. Điều trị nội khoa (không can thiệp phẫu thuật) lý tưởng nhất khi còn đang trong giai đoạn hình thành sỏi chủ yếu thông qua phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ (béo phì, tăng cholesterol, xơ gan, tán huyết mạn tính, chế độ ăn giảm cân…).

Đặc biệt điều trị nội khoa chỉ nên áp dụng khi sỏi túi mật không có triệu chứng.

Hiện nay các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm: 

Sử dụng muối mật:

  • Axit ursodeoxycholic (ursodiol) là một chất làm tan sỏi mật. Sử dụng axit ursodeoxycholic lâu dài làm giảm độ bão hòa cholesterol của mật, cả bằng cách giảm bài tiết cholesterol ở gan và làm giảm tác dụng tẩy rửa của muối mật trong túi mật. Sự bão hòa của mật ngăn cản sự hình thành các tinh thể và trên thực tế, có thể cho phép tách dần dần lượng cholesterol từ những viên sỏi hiện có. 
  • Ở những bệnh nhân đã hình thành sỏi cholesterol, điều trị bằng axit ursodeoxycholic với liều 8 - 10 mg / kg / ngày chia 2 lần / ngày có thể làm tan dần sỏi mật. Quá trình can thiệp này thường cần từ 6-18 tháng và chỉ thành công với những viên sỏi cholesterol nhỏ. Bệnh nhân vẫn có nguy cơ bị biến chứng sỏi mật cho đến khi quá trình tan hoàn tất. Tỷ lệ tái phát là 50% trong vòng 5 năm. Hơn nữa, sau khi ngừng điều trị, hầu hết bệnh nhân hình thành sỏi mật mới trong vòng 5-10 năm sau đó. 

Tán sỏi ngoài cơ thể: hiện nay không còn được khuyến cáo thường quy do rủi ro của thủ thuật, hiệu quả lâu dài không cao. 

Như vậy, điều trị nội khoa nhằm giúp người bệnh tránh được phẫu thuật cắt bỏ túi mật – mà đa phần người bệnh thường chưa sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật này. Nhược điểm là tỉ lệ thành công thấp nhất là trong trường hợp chỉ định không phù hợp, thời gian điều trị kéo dài đòi hỏi người bệnh tuân thủ cũng như tỉ lệ tái phát còn cao.  

Trong quá trình điều trị nội khoa, người bệnh cần được tư vấn về các triệu chứng cơn đau quặn mật nếu như xuất viện, theo dõi định kì bằng siêu âm mỗi 3-6 tháng về tình trạng túi mật và sỏi. 

Điều trị phẫu thuật cắt bỏ sỏi túi mật 

  • Chỉ định trong điều trị sỏi túi mật: 
    • Sỏi túi mật có triệu chứng 
    • Sỏi túi mật to (>20mm) 
    • Túi mật teo nhỏ mất chức năng (viêm túi mật mạn) 
    • Túi mật sứ (vách túi mật bị vôi hóa toàn bộ) 
    • Người bệnh chấn thương tủy sống ảnh hưởng phản xạ đau vùng bụng 
    • Người bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm 
    • Người bệnh có các yếu tố nguy cơ biến chứng nặng của sỏi túi mật như: xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa,  trẻ nhỏ, chuẩn bị ghép tạng, bệnh đái tháo đường. Những trường hợp này cần được tư vấn để người bệnh cân nhắc có nên cắt túi mật hay không? 

Phương pháp phẫu thuật sỏi túi mật

  • Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, phẫu thuật cắt túi mật có thể thực hiện qua nội soi ổ bụng. Đây là phẫu thuật tương đối đơn giản, ít tai biến – biến chứng khi thực hiện bởi phẫu thuật viên kinh nghiệm. 
  • Phẫu thuật viên sẽ sử dụng 2-3 lỗ mở nhỏ trên da để thao tác phẫu thuật bằng dụng cụ nội soi. Thông thường thời gian mổ kéo dài từ 30-60 phút. Toàn bộ túi mật và sỏi còn nguyên vẹn được lấy ra ngoài cơ thể cũng qua lỗ mở nhỏ này. 

Một số lưu ý sau phẫu thuật sỏi túi mật:

  • Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có biến chứng thấp, với tỉ lệ 0,3-0,5% liên quan đến tổn thương đường mật và cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ phẫu thuật kinh nghiệm. Vì là phẫu thuật nội soi nên các tỉ lệ liên quan đến nhiễm trùng, chảy máu vết mổ rất ít. 
  • Sau mổ người bệnh hồi phục rất nhanh. Một số bệnh viện còn cho phép người bệnh về trong ngày. Đa phần người bệnh có thể ăn nhẹ ngay sau mổ và theo dõi tại bệnh viện sau 01 ngày có thể xuất viện. Các vết thương nhỏ trên da có thể để tự nhiên. Người bệnh có thể vệ sinh và tắm rửa sau 2-3 ngày. Từ ngày thứ 5 trở đi có thể cắt chỉ vết mổ. 
  • Người bệnh có thể có cảm giác đầy bụng khó tiêu, do chức năng tích trữ và giải phóng dịch mật của túi mật không còn. Tuy nhiên dịch mật được tạo ra bởi tế bào gan. Quá trình này cần thời gian để gan có thể bắt kịp nhịp sinh học tăng cường tổng hợp và bài tiết dịch mật sau ăn. Các nghiên cứu cho thấy sau 01 tháng các khó chịu này sẽ cải thiện và người bệnh có thể trở lại trạng thái bình thường như trước mổ. 
  • Phẫu thuật cắt túi mật vẫn là phương pháp điều trị xâm lấn, đòi hỏi người bệnh nhập viện và trải qua cuộc phẫu thuật. Sau mổ người bệnh cũng cần thời gian thích nghi tình trạng đã cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên đây là phương pháp duy nhất điều trị triệt để sỏi túi mật. 

3. Tổng kết : Các thắc mắc thường gặp khi bị sỏi túi mật 

  • Sỏi túi mật là bệnh do mắc phải hay di truyền? 

Sỏi túi mật là đa yếu tố, thường xuất hiện trên người bệnh có các yếu tố nguy cơ như béo phì, sinh nhiều lần, phụ nữ trên 40 tuổi, bị các bệnh lí về tán huyết hoặc gan mạn tính… Tuy nhiên cũng có trường hợp sỏi túi mật nhưng không mang yếu tố nguy cơ nào khác. Cho đến nay chưa có bằng chứng sỏi túi mật liên quan đến di truyền hay có yếu tố gia đình. 

  • Sỏi túi mật có nguy hiểm không ? 

Đa phần các trường hợp sỏi túi mật là không có triệu chứng. Trong số các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng, ghi nhận có khoảng 1/3 các trường hợp sẽ diễn tiến thành viêm túi mật cấp và cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu.

Ngoài ra, y văn cũng ghi nhận sỏi túi mật kéo dài không được phát hiện có thể đưa đến tình trạng túi mật viêm teo mất chức năng, hoặc ung thư hóa khi sỏi quá nhiều hoặc quá to.

Vì vậy vẫn phát hiện sớm sỏi túi mật để người bệnh có thể được tư vấn kế hoạch theo dõi / điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. 

  • Làm sao tôi biết mình có bị sỏi túi mật ? 

Chẩn đoán sỏi túi mật hiện nay rất dễ dàng bằng phương tiện siêu âm và có thể thực hiện ở tuyến cơ sở. Siêu âm lại có khả năng phát hiện sỏi túi mật chính xác đến 95%.

Hiện nay các chương trình khám sức khỏe định kì của cơ quan cũng như cá nhân người bệnh luôn kèm theo siêu âm vùng bụng. Vì vậy người bệnh có sỏi túi mật hoàn toàn có thể phát hiện được ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Ngoài ra, đối với các trường hợp đau vùng bụng trên phải tái đi tái lại mà chưa thể giải thích được, người bệnh cũng nên đi khám nhằm loại trừ có sỏi túi mật có triệu chứng để có kế hoạch can thiệp điều trị kịp thời. 

  • Tất cả các trường hợp sỏi túi mật đều phải phẫu thuật ? 

Các trường hợp sỏi bùn, hoặc sỏi kích thước nhỏ (thường nhỏ hơn 10mm), số lượng ít, cùng với biểu hiện chức năng của túi mật còn tốt trên siêu âm, đồng thời người bệnh chưa từng có triệu chứng có thể theo dõi hoặc điều trị bằng muối mật.

Cần tư vấn người bệnh về thời gian điều trị kéo dài, tỉ lệ thành công trung bình và có thể tái phát sau thời gian ngưng thuốc. 

Khi sỏi túi mật có triệu chứng, người bệnh cần được khuyến cáo phẫu thuật cắt túi mật. 

  • Phẫu thuật cắt túi mật có nguy hiểm không?

Trên 90% các trường hợp cắt túi mật có thể thực hiện chương trình và qua tiếp cận phẫu thuật nội soi. Đây là phẫu thuật tương đối an toàn, thời gian hồi phục nhanh và người bệnh có thể xuất viện sớm. 

  • Sau khi cắt túi mật, tôi không còn mật để tiêu hóa thức ăn? 

Túi mật chỉ có vai trò dự trữ mật và tăng bài tiết theo nhịp sinh học của bữa. Dịch mật được tạo ra ở lá gan và vẫn được bài tiết một cách đều đặn vào ruột ngay cả khi không còn túi mật. Tuy nhiên sau khí cắt túi mật, người bệnh có thể cảm giác đầy bụng, khó tiêu và chán ăn đặc biệt thức ăn nhiều dầu mỡ. Cảm giác này sẽ mau chóng hồi phục và thường kéo dài khoảng 1 tháng. 

Ths. Bs. Trần Đức Huy 

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM CS1 – khoa tiêu hóa 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Heuman DM, Moore EL, Vlahcevic ZR. Pathogenesis and dissolution of gallstones. Zakim D, Boyer TD, eds. Hepatology: A Textbook of Liver Disease. 3rd ed. Philadelphia, Pa: WB Saunders; 1996. 376-417. 
  2. Machado FHF, Castro Filho HF, Babadopulos RFAL, Rocha HAL, Rocha JLC, Moraes Filho MO. Ursodeoxycholic acid in the prevention of gallstones in patients subjected to Roux-en-Y gastric bypass1. Acta Cir Bras. 2019 Feb 14. 34(1):e20190010000009.  
  3. Portincasa P, Moschetta A, Palasciano G. Cholesterol gallstone disease. Lancet. 2006 Jul 15. 368(9531):230-9.  
  4. [Guideline] Katz DS, Rosen MP, Blake MA, et al; and Expert Panel on Gastrointestinal Imaging. ACR Appropriateness Criteria® right upper quadrant pain. [online publication]. Reston (VA): American College of Radiology (ACR). 
  5. [Guideline] NIH state-of-the-science statement on endoscopic retrograde cholangiopancreatography (ERCP) for diagnosis and therapy. NIH Consens State Sci Statements. 2002 Jan 14-16. 19(1):1-26.  
  6. Demehri FR, Alam HB. Evidence-based management of common gallstone-related emergencies. J Intensive Care Med. 2016 Jan. 31(1):3-13.  
  7. [Guideline] Tazuma S, Unno M, Igarashi Y, et al. Evidence-based clinical practice guidelines for cholelithiasis 2016. J Gastroenterol. 2017 Mar. 52(3):276-300.  
  8. Diehl AK. Gallstone size and the risk of gallbladder cancer. JAMA. 1983 Nov 4. 250(17):2323-6.  
  9. [Guideline] Overby DW, Apelgren KN, Richardson W, Fanelli R. SAGES guidelines for the clinical application of laparoscopic biliary tract surgery. Surg Endosc. 2010 Oct. 24(10):2368-86.  [Full Text]. 
  10. Dan DV, Harnanan D, Maharaj R, Seetahal S, Singh Y, Naraynsingh V. Laparoscopic cholecystectomy: analysis of 619 consecutive cases in a Caribbean setting. J Natl Med Assoc. 2009 Apr. 101(4):355-60.  
  11. Behar J, Corazziari E, Guelrud M, Hogan W, Sherman S, Toouli J. Functional gallbladder and sphincter of Oddi disorders. Gastroenterology. 2006 Apr. 130(5):1498-509. 
  12. Khan AS, Eloubeidi MA, Khashab MA. Endoscopic management of choledocholithiasis and cholelithiasis in patients with cirrhosis. Expert Rev Gastroenterol Hepatol. 2016 Jul. 10(7):861-8.  
  13. Jaruvongvanich V, Sanguankeo A, Upala S. Significant association between gallstone disease and nonalcoholic fatty liver disease: a systematic review and meta-analysis. Dig Dis Sci. 2016 Aug. 61(8):2389-96.  
  14. Pineda O, Maydon HG, Amado M, et al. A prospective study of the conservative management of asymptomatic preoperative and postoperative gallbladder disease in bariatric surgery. Obes Surg. 2017 Jan. 27(1):148-53.  
  15. Le VH, Smith DE, Johnson BL. Conversion of laparoscopic to open cholecystectomy in the current era of laparoscopic surgery. Am Surg. 2012 Dec. 78(12):1392-5.  
  16. Littlefield A, Lenahan C. Cholelithiasis: presentation and management. J Midwifery & Women's Health. 2019 Mar 25. 
Chia sẻ: