Yêu bao tử

DẤU HIỆU CẢNH BÁO UNG THƯ DẠ DÀY

14/07/2021

Dấu hiệu của ung thư dạ dày

Theo số liệu của tổ chức y tế thế giới năm 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Nếu xét trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu khảo sát, ung thư dạ dày của Việt Nam đang xếp vị trí 14, với tỉ lệ 10,2/100.000 dân. Hàn Quốc xếp số 1, Nhật Bản ở vị trí số 3 và Trung Quốc xếp vị trí thứ 8.

Ung thư dạ dày xảy ra khi bắt đầu có sự xuất hiện của những tế bào ung thư ở dạ dày. Những tế bào ung thư này sẽ phát triển lớn thành khối u. Bệnh thường diễn tiến từ từ qua nhiều năm.

Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất của bệnh là khó khăn trong chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Do ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ nên bệnh thường không được chẩn đoán cho đến khi nó tiến tới giai đoạn trễ. Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn. 

Nếu người bệnh nhận biết được triệu chứng ban đầu của bệnh, bác sĩ và người bệnh có khả năng phát hiện sớm được bệnh, khi mà việc điều trị còn đơn giản và dễ dàng. Do đó, việc nhận biết những yếu tố nguy cơ của bệnh và những triệu chứng ban đầu rất quan trọng 

Nguyên nhân gây ung thư dạ dày?

Những nhà khoa học biết rằng có một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ của bệnh. Những yếu tố này bao gồm một số tình trạng bệnh lý như:

  • Vi khuẩn H. pylori. Một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng là nhiễm vi khuẩn HP H. pylori, nó gây loét và có thể dẫn đến ung thư dạ dày. 
  • Viêm teo dạ dày mạn tính, viêm chuyển sản ruột, viêm nghịch sản dạ dày
  • Bệnh thiếu máu ác tính
  • Pô-lýp dạ dày (một dạng tổn thương nhô lên hình dạng giống u)
  • Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày là:
  • Nam giới
  • Trên 50 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì 
  • Chế độ ăn mặn, đồ xông khói, dưa muối, chế độ ăn ít rau xanh và trái cây
  • Tiền căn gia đình có người bị ung thư dạ dày
  • Bệnh đa pô-lyp tuyến có tính gia đình
  • Ung thư đại tràng không phải dạng đa po-lyp có tính di truyền 
  • Phẫu thuật điều trị loét dạ dày.
  • Nhóm máu A. Những người có nhóm máu A có tần suất ung thư dạ dày cao hơn những người có nhóm máu O
  • Có một số gen làm tăng nguy cơ ung thư
  • Làm việc trong ngành than, kim loại, gỗ, cao su
  • Tiếp xúc với amiăng (chất thường được dùng trong công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy,.. ở các nước đang phát triển)

Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng ở giai đoạn rất sớm

Khi khối u phát triển, ung thư dạ dày có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Khó tiêu
  • Đầy bụng sau ăn
  • Ợ nóng
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon miệng

Nếu có các triệu chứng này không có nghĩa là có bệnh ung thư. Nhưng nếu người bệnh có những triệu chứng này thường xuyên, thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem người bệnh có những yếu tố nguy cơ không và thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán

Khi khối u to lên, người bệnh có những triệu chứng nặng hơn: 

  • Đau, khó chịu vùng bụng trên
  • Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đi phân máu)
  • Thiếu máu
  • Nôn kéo dài
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Khó nuốt
  • Vàng da, vàng mắt
  • Bụng to lên
  • Mệt mỏi
  • Ợ nóng nặng, kéo dài

Chẩn đoán ung thư dạ dày

Để chẩn đoán bệnh, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh để xem người bệnh hoặc người thân có yếu tố nguy cơ ung thư hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm: 

  • Xét nghiệm máu để tìm một số dấu hiệu gợi ý bệnh ung thư.  
  • Nội soi tiêu hóa trên. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi qua họng, tới thực quản và xuống dạ dày để kiểm tra dạ dày của người bệnh. 
  • Chụp X-quang tiêu hóa trên có chất cản quang. Người bệnh uống một dung dịch trắng như sữa có chất cản quang Ba-rit. Dung dịch này sẽ phủ lên bề mặt của dạ dày và giúp thấy được bóng dạ dày và khối u trên phim chụp X quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là xét nghiệm hình ảnh học rất hiệu quả để thấy rõ hình ảnh bên trong cơ thể. Nó cũng giúp chẩn đoán giai đoạn của bệnh. 
  • Sinh thiết. Bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ từ dạ dày và đem đi xem dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư. Bác sĩ sẽ thực hiện sinh thiết trong lúc nội soi. 

Điều trị ung thư dạ dày

Nếu được điều trị ung thu dạ dày ở giai đoạn sớm, người bệnh ung thư dạ dày có thời gian sống kéo dài hơn. Nếu khối u được cắt bỏ hoàn toàn, người bệnh có nhiều khả năng sống ít nhất là 5 năm. Nhưng thật không may, hầu hết các trường hợp khi được chẩn đoán thì tế bào ung thư đã di căn đến hạch vùng và đến các cơ quan khác. Việc chẩn đoán muộn đã làm giảm đáng kể thời gian sống của người bệnh. 

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày. Sử dụng phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, tình trạng sức khỏe và lựa chọn của người bệnh. Các phương pháp được sử dụng là

Cắt niêm mạc/ cắt dưới niêm qua nội soi. Những khối u nhỏ ở giai đoạn rất sớm có thể được cắt bỏ qua nội soi. Bác sĩ đưa ống nội soi qua miệng xuống dạ dày và dùng dụng cụ đặc biệt để loại bỏ khối u. 

Phẫu thuật cắt dạ dày. Mục đích của phẫu thuật cắt dạ dày là cắt bỏ khối u và làm giảm triệu chứng của người bệnh. Nguy cơ của phẫu thuật là chảy máu và nhiễm trùng sau mổ. Ngoài ra, nếu toàn bộ dạ dày bị cắt bỏ, người bệnh nhiều khả năng sẽ có triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau mổ.

Hóa trị. Các loại thuốc kháng ung thư được đưa vào cơ thể có khả năng tiêu diệt các tế bào ác tính trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, do thuốc tác động đồng thời lên cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh trên toàn bộ cơ thể, vì vậy nó có thể đem lại nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.

Xạ trị: xạ trị là sử dụng tia X để tiêu diệt những tế bào ung thư và làm khối u nhỏ lại. Phương pháp này có thể được dùng phối hợp với phẫu thuật và hóa trị. Phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và nôn.

Liệu pháp nhắm trúng đích. Liệu pháp này dùng những thuốc có khả năng tấn công vào những vị trí đặc biệt trên tế bào ung thư hoăc những thuốc có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp này thường được dùng phối hợp với phương pháp hóa trị. Liệu pháp này yêu cầu phải xét nghiệm tế bào ung thư để xem người bệnh có phù hợp với các thuốc này hay không.

Điều trị giảm nhẹ. Điều trị giảm nhẹ giúp giảm đau và những triệu chứng khó chịu khác. Điều trị này giúp nâng cao chất lượng sống của người bệnh, giúp người bệnh và gia đình họ cảm thấy dễ chịu hơn. 

Phòng ngừa ung thư dạ dày như thế nào?

Điều trị nhiễm khuẩn H. Pylori. Nếu người bệnh có loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn H. pylori , thì bắt buộc phải điều trị để làm lành loét giảm khả năng diễn tiến thành ung thư dạ dày. Các phác đồ điều trị tiệt trừ H.pylori thường cần phối hợp từ 3-4 nhóm thuốc kéo dài trong 10-14 ngày. Các nhóm thuốc này bao gồm nhóm thuốc ức chế bơm proton (Rabeprazole (Pariet), omeprazole (Nexium), pantoprazole,...) để ức chế sự tiết a-xít của dạ dày, phối hợp với thuốc kháng sinh, thuốc Bismuth. Do vi khuẩn có thể rất khó điều trị, do đó việc uống đúng cách và đúng liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng. 

Theo dõi những tổn thương dạ dày có nguy cơ ung thư. Việc tái khám với bác sĩ và có kế hoạch theo dõi những tổn thương dạ dày như viêm teo dạ dày, viêm chuyển sản dạ dày là rất quan trọng để phát hiện sớm sự xuất hiện của ung thư dạ dày và điều trị kịp thời. 

Ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau. Những loại thức ăn này giàu chất xơ và vitamin có thể giúp giảm nguy cơ ung thư. Tránh ăn thức ăn nhiều muối, hun khói, thức ăn công nghiệp như xúc xích, các loại thịt chế biến sẵn, phô mai xông khói. 

Duy trì cân nặng thích hợp

Không hút thuốc

Ai cần tầm soát ung thư dạ dày?

Tầm soát là phát hiện ung thư trước khi người bệnh có triệu chứng. Việc tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư khi mà việc điều trị còn đơn giản và dễ dàng nhất. 

Theo viện ung thư quốc gia Mỹ, một số người có những yếu tố nguy cơ sau đây sẽ có lợi khi được tầm soát ung thư dạ dày:

  • Những người sống ở những nước có bệnh ung thư dạ dày phổ biến
  • Người lớn tuổi có viêm teo dạ dày mạn tính hoặc thiếu máu ác tính
  • Những người có những tình trạng bệnh lý
  1. Đã cắt một phần dạ dày
  2. Pô-lýp dạ dày
  3. Bệnh đa pô-lýp tuyến có tính gia đình
  4. Ung thư đại tràng không phải dạng đa pô-lýp có tính di truyền 

Tài liệu tham khảo

1. https://www.cancer.gov/types/stomach/patient/stomach-treatment-pdq (assess date: 31/05/2020)

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/stomach-cancer/symptoms-causes/syc-20352438 (assess date: 31/05/2020)

3. https://emedicine.medscape.com/article/278744-overview (assess date: 31/05/2020)

4. https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf

 

Ths.Bs. Đoàn Hoàng Long

ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Khoa nội tiêu hóa

Chia sẻ: