Yêu bao tử

DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỚM UNG THƯ ĐƯỜNG TIÊU HÓA TRÊN

27/09/2021

Ung thư đường tiêu hóa trên là một bệnh ung thư phổ biến xảy ra khi các tế bào của đường tiêu hóa phát triển một cách bất thường và hình thành các khối u ở đường tiêu hóa trên: gồm thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non - tá tràng. Ung thư khi phát hiện muộn thường tiến triển xấu, ngược lại hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện kịp thời

Các dạng ung thư đường tiêu hóa trên thường gặp  

Ung thư thực quản và ung thư dạ dày là 2 bệnh lý ung thư thường gặp nhất trong nhóm bệnh lý ung thư đường tiêu hoá trên.

1. Ung thư thực quản 

Hình 1. Ung thư thực quản

- Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô thực quản, với những biểu hiện khác nhau trong từng giai đoạn, ung thư thực quản thường được phát hiện trễ, dẫn đến việc điều trị khó khăn và kết quả điều trị thường kém.

2. Ung thư dạ dày

- Là một trong năm loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 9,8% theo số liệu ung thư Việt Nam công bố năm 2020. Giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện nhưng thường không rõ ràng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện khi tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan khác, dẫn đến tiên lượng bệnh rất nặng nề. Vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hoá nói chung và dạ dày nói riêng ở giai đoạn sớm giúp ích cho việc điều trị hiệu quả và cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân.

 

C:\Users\Administrator\Desktop\4250384321553049813859801087198553538822144n-15379781914931395790098.png

C:\Users\Administrator\Desktop\20191212_045743_651716_ung-thu-da-day-noi-.max-1800x1800.png

Hình 2. Ung thư dạ dày

Các yếu tố nguy cơ của ung thư đường tiêu hoá trên 

     Cơ chế bệnh sinh của các bệnh ung thư đường tiêu hoá cho đến nay vẫn chưa biết rõ ràng, nhưng một số yếu tố được cho là có nguy cơ gây ung thư:

1. Ung thư thực quản

      Ung thư thực quản bao gồm hai loại bệnh chính gồm: ung thư biểu mô tuyến của thực quản và ung thư biểu mô vảy của thực quản. Có rất khá nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư thực quản. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư thực quản khi khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ và một số bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản có thể không nằm trong bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cả. Một số yếu tố nguy cơ có thể kể đến gồm:

  • Tuổi: thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ ung thư thực quản tăng theo tuổi tác 
  • Giới: nam giới thường gặp hơn nữ giới 
  • Hút thuốc lá và uống rượu bia: làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản 
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: bệnh nhân mắc bệnh trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến. Mặc dù bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, nhưng thật may mắn là hầu hết những bệnh nhân mắc bệnh này không phát triển thành ung thư thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày gây ra Barrett thực quản, đây là yếu tố nguy cơ cao gây nên ung thư thực quản. 
  • Chế độ ăn: ăn nhiều thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản. Các chế độ ăn với nhiều trái cây cùng rau quả có thể làm giảm nguy cơ ung thư thực quản. Chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định điều này một cách rõ ràng, nhưng có khá nhiều chứng minh trái cây và rau quả có một số vitamin, khoáng chất có thể ngăn ngừa ung thư. 
  • Nhiễm virus u nhú ở người (HPV): HPV (Human papilloma virus) là một nhóm gồm hơn 100 loại virus liên quan, trong số chúng có loại gây ra một loại u phát triển nên được gọi là u nhú (hoặc mụn cơm). Nhiễm một số loại vi rút HPV được cho là có liên quan đến một số bệnh ung thư: ung thư họng miệng, ung thư hậu môn và ung thư cổ tử cung. Nhiễm vi rút HPV là một nguyên nhân hiếm gặp của ung thư thực quản.

2. Ung thư dạ dày

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp):  được biết đến như là một nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày.  Nhiễm virus Helicobacter pylori gây viêm dạ dày mạn tính sẽ dẫn đến bị viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản ruột, loạn sản ở niêm mạc dạ dày và cuối cùng là dẫn tới ung thư biểu mô dạ dày. 
  • Thói quen ăn uống: các loại thực phẩm hoặc nước uống có chứa nhiều nitrosamin làm nguy cơ ung thư dạ dày tăng cao như ngũ cốc mốc, thịt cá ướp muối, hun khói, các thức ăn lên men. 
  • Viêm dạ dày mạn tính: thể teo và viêm dạ dày mạn tính có kèm thiếu máu ác tính có tỉ lệ ung thư dạ dày cao hơn bình thường. 
  • Polyp dạ dày: thường gặp đa polyp gia đình, những polyp có kích thước to lớn hơn 2 cm có nguy cơ hoá ung thư cao. 
  • Yếu tố gia đình: ở những gia đình có nhiều người mắc ung thư dạ dày.

Làm thế nào để tầm soát, phát hiện sớm ung thư tiêu hoá trên?

Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản, ung thư dạ dày thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, khi khối u phát triển, có thể xuất hiện các triệu chứng sau, các dấu hiệu báo động cần được chú ý: 

  • Sụt cân 
  • Nôn ói kéo dài, nôn ra cả thức ăn cũ 
  • Đau bụng nhiều, kém đáp ứng với thuốc, hay tái phát 
  • Nôn ra máu 
  • Tiêu phân đen 
  • Sờ thấy khối gò ở bụng 
  • Nuốt khó, nuốt đau, nuốt nghẹn 

Nội soi thực quản dạ dày là một trong những phương pháp giúp chẩn đoán xác định các tổn thương ở thực quản dạ dày và tá tràng, đặc biệt ở những máy nội soi có độ phóng đại cao có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư, có thể điều trị sớm, cải thiện tiên lượng bệnh cho bệnh nhân. Ngoài ra còn nhiều cận lâm sàng khác giúp hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

 

Điều trị 

 Ngày nay y học tiến bộ, nên việc điều trị ung thư thực quản dạ dày đã có nhiều bước phát triển, từ những can thiệp rất sớm như các tổn thương tiền ung thư đến các tổn thương ung thư sớm chỉ mới khu trú ở lớp niêm mạc hay lớp dưới niêm mạc bằng kỹ thuật: cắt polyp, cắt hớt niêm mạc sớm qua nội soi (EMR, ESD).  

Tuỳ theo ung thư ở giai đoạn nào mà người thầy thuốc sẽ lựa chọn các phương pháp phù hợp: phẫu thuật kết hợp hoá trị hay xạ trị.

 

Dự phòng 

Đối với những yếu tố nguy cơ ngoại sinh có thể thay đổi được như chế độ ăn uống, ngưng hút thuốc lá, ngưng uống rượu, tiệt trừ Hp. 

Chủ động phát hiện bệnh sớm khi có triệu chứng, không được có thái độ ỷ y với bệnh tật vì các triệu chứng ung thư ở giai đoạn sớm thường rất mơ hồ. 

Phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn sớm giúp cho việc điều trị triệt để bệnh, cải thiện thời gian sống còn đáng kể so với ung thư giai đoạn muộn. 

BS Huỳnh Thị Trúc Ly – Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Th

Tài liệu tham khảo 

  1. Textbook of Gastroenterology (2015), 6th Edition.  
  2. Gastroenterology and Hepatology (2017), 2nd  Edition. 
  3. Clinical Oncology (2019), 6th Edition . 
  4. Gastrointestinal and Liver disease (2020), 11th Edition. 
  5. Triệu chứng học nội khoa - Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (2012), NXB Y học. 

 

 

 


 

Chia sẻ: