Hiểu về Alzheimer

Chuẩn bị cho buổi thăm khám sa sút trí tuệ hoàn hảo

20/03/2023

Khi có các triệu chứng nghi ngờ sa sút trí tuệ, người bệnh có thể nhận thức hoặc không biết được tình trạng của mình. Tuy nhiên, những người xung quanh có thể nhận biết điều đó và giúp họ bằng nhiều cách. Việc chuẩn bị cho việc thăm khám sẽ giúp ích cho cả người bệnh và bác sĩ trong việc chẩn đoán xác định bệnh.

1. Bác sĩ nào sẽ giúp bạn chẩn đoán sa sút trí tuệ?

Bác sĩ điều trị chính của bạn có thể làm việc với bạn để tìm hiểu nguyên nhân gây ra các triệu chứng sa sút trí tuệ, hoặc bác sĩ có thể chỉ định bạn đến gặp một hoặc nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa sau đây để thực hiện một số kiểm tra nhất định:

  • Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, chuyên gia về hệ thống thần kinh và não bộ.
  • Bác sĩ tâm thần học hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần.
  • Bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý chuyên về thần kinh, chuyên gia về chức năng ghi nhớ và tâm thần.
  • Bác sĩ lão khoa, chuyên gia về chăm sóc cho những người cao tuổi.

 

2. Bước đầu thăm khám sa sút trí tuệ

Bác sĩ chính của bạn có thể sẽ bắt đầu thăm khám bằng việc kiểm tra thể chất và hỏi về tiền sử bệnh hoặc những câu hỏi khác như:

  • Gia đình bạn có bất kỳ người thân nào mắc sa sút trí tuệ hay không?
  • Các triệu chứng sa sút trí tuệ của bạn bắt đầu từ khi nào?
  • Bạn có chú ý những thay đổi về hành vi và tính cách của mình hay không?
  • Bạn có đang mắc phải bệnh nào khác hay đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào hay không?

Bác sĩ cũng sẽ hỏi những người xung quanh bạn, chằng hạn như người thân trong gia đình hoặc bạn bè, những câu hỏi tương tự. Điều này là do nếu một người mắc chứng sa sút trí tuệ thì thường họ không nhận thức được tình trạng của mình.

 

3. Các kiểm tra sa sút trí tuệ

Không có bất kỳ một bài kiểm tra đơn độc nào có thể giúp bác sĩ xác định người bệnh mắc sa sút trí tuệ. Việc thăm khám và chẩn đoán là cả một quá trình. Bạn có thể được chỉ định nhiều bài kiểm tra được liệt kê sau đây, sau đó, bác sĩ của bạn sẽ tổng hợp các thông tin lại với nhau và chẩn đoán xem bạn có mắc bệnh hay không.

 

Các bài kiểm tra nhận thức: Các bài kiểm tra này sẽ tập trung vào việc kiểm tra khả năng ghi nhớ, tính toán, các kỹ năng ngôn ngữ và khả năng lập luận của bạn.

Ví dụ: Bác sĩ của bạn có thể sẽ yêu cầu bạn vẽ một chiếc đồng hồ các kim đồng hồ chỉ một khoảng thời gian xác định. Hoặc họ cũng có thể cho bạn một danh sách ngắn các từ và yêu cầu bạn ghi nhớ và lặp lại chúng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện những phép toán đơn giản, chẳng hạn như đếm ngược các số từ 100, mỗi số phải cách nhau 7 đơn vị.

Hình 1. Người bệnh có thể được yêu cầu vẽ đồng hồ ở một khoảng thời gian nhất định để kiểm tra khả năng nhận thức

Các bài kiểm tra về thần kinh: Bác sĩ có thể kiểm tra khả năng giữ thăng bằng của bạn, các phản xạ tự nhiên, chuyển động của mắt, và xem các giác quan của bạn hoạt động như thế nào?

Để làm điều này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kéo hoặc đẩy bàn tay của bác sĩ bằng cách sử dụng cánh tay của bạn, hoặc đứng và tự chạm vào mũi của mình khi đang nhắm mắt. Để kiểm tra khả năng phản xạ tự nhiên, bác sĩ có thể dùng một cây búa cao su nhỏ và gõ vào một số bộ phận trên cơ thể để xem phản ứng của bạn như thế nào.

 

Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Một xét nghiệm mới được gọi là Precivity AD có thể giúp định lượng các protein như beta amyloid và Apo E trong máu. Sự xuất hiện hay không có các protein này giúp xác định khả năng liệu một hình ảnh chẩn đoán (chẳng hạn như chụp PET) có thể phát hiện các mảng bám (protein amyloid) trong não bộ hay không, điều này cho thấy khả năng chẩn đoán bệnh Alzheimer’s. Ngoài ra, xét nghiệm máu thông thường có thể giúp xác định các vấn đề như việc thiếu một số loại vitamin hoặc một vấn đề nào đó liên quan đến tuyến giáp, những vấn đề ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của não bộ.

 

Chụp sọ não: Bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều phương pháp chụp sọ não để xem xét kỹ hơn não bộ của bạn và cách hoạt động của nó. Chụp sọ não cũng có thể giúp loại trừ các khả năng khác như xuất huyết não, đột quỵ, hay khối u não.

 

Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Bác sĩ sẽ thực hiện chụp một loạt các hình ảnh và ghép chúng lại với nhau để có cái nhìn tổng quan hơn.

 

Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): Phương pháp này sử dụng cộng hưởng từ và sóng để tạo ra hình ảnh chi tiết của não bộ, cũng như các mô và dây thần kinh xung quanh.

 

Chụp PET (Chụp cắt lớp phát xạ Positron): PET có thể cho thấy hoạt động của não bộ và nó cũng được sử dụng để kiểm tra một loại protein nhất định (protein amyloid) - có thể là một dấu hiệu của bệnh Alzheimer’s.

4. Những thứ cần chuẩn bị trước khi đi thăm khám sa sút trí tuệ

Chuẩn bị trước những điều sau đây sẽ giúp buổi thăm khám bác sĩ đầu tiên của bạn diễn ra hiệu quả hơn:

  • Các triệu chứng mà bạn gặp phải - bao gồm cả cảm giác của bạn khi trải qua các triệu chứng này, mặc dù bạn không nghĩ triệu chứng sẽ có liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ.
  • Bất kỳ lý do nào có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hoặc những sự thay đổi trong cuộc sống của bạn gần đây.
  • Danh sách các loại thuốc mà bạn sử dụng, bao gồm cả các loại vitamin, thực phẩm bổ sung và kể cả liều lượng sử dụng chúng
  • Danh sách những câu hỏi mà bạn muốn hỏi bác sĩ

 

Hình 2. Chuẩn bị danh sách các loại thuốc mà bạn đang sử dụng

5. Trường hợp người thân từ chối đi khám sa sút trí tuệ, bạn cần làm gì?

Vì sao người bệnh không muốn đi khám bác sĩ?

Một số người có thể không muốn đến gặp bác sĩ để thăm khám. Trong vài trường hợp, họ không nhận ra hoặc phủ nhận việc bản thân đang gặp vấn đề. Điều này có thể là do những sự thay đổi của não bộ trong chứng sa sút trí tuệ, gây cản trở khả năng nhận biết hoặc đánh giá những vấn đề ghi nhớ của một người. Đối với những trường hợp khác, tuy có thể nhận thức được tình trạng, nhưng họ sợ đi khám bác sĩ vì không muốn đối mặt với sự thật rằng mình đang bị bệnh.

 

Cách đối phó với việc người thân không muốn đi khám bác sĩ

Một trong những cách hiệu quả nhất để khắc phục vấn đề này là tìm một lý do nào đó về sức khỏe thể chất để họ đi khám bác sĩ. Tốt nhất là một triệu chứng mà người đó sẵn sàng thừa nhận, chẳng hạn như đau đầu hoặc suy giảm thị lực.

 

Bạn có thể đề nghị người thân đi khám tim mạch, kiểm tra huyết áp, hoặc bệnh tiểu đường, hoặc đánh giá lại việc dùng thuốc dài hạn. Một cách khác có thể áp dụng là đi kiểm tra sức khỏe cùng nhau. Bất kỳ sự lo lắng nào mà người thân bày tỏ là một cơ hội tuyệt vời để người nhà đề nghị họ đi khám bác sĩ.

 

Hãy tạo cảm giác an tâm, thái độ bĩnh tĩnh và luôn quan tâm tại thời điểm nhạy cảm này có thể giúp người thân vượt qua những nỗi lo lắng và sợ hãi.

 

Hình 3. Tạo cảm giác an tâm và luôn chăm sóc để giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ hãi

 

Trên đây là những thông tin về những thứ cần chuẩn bị để việc thăm khám sa sút trí tuệ diễn ra dễ dàng và hiệu quả. Hy vọng sẽ giúp ích cho quý bạn đọc.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Nelson A. How Is Dementia Diagnosed?. WebMD. 2020. Available from: https://www.webmd.com/alzheimers/diagnose-dementia

 

[2] Dementia Australia. Dementia Australia | Diagnosing dementia. Dementia.org.au. 2014. Available from: https://www.dementia.org.au/information/diagnosing-dementia

 

[3] What Is Dementia? Symptoms, Types, and Diagnosis. National Institute on Aging. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/what-is-dementia#diagnosis

[4] Going to the Hospital: Tips for Dementia Caregivers. National Institute on Aging. 2017. Available from: https://www.nia.nih.gov/health/going-hospital-tips-dementia-caregivers

[5] Centers for Disease Control and Prevention. What is dementia?. Centers for Disease Control and Prevention. 2019. Available from: https://www.cdc.gov/aging/dementia/index.html

[6] Santacruz KS, Swagerty D. Early Diagnosis of Dementia. American Family Physician. 2001 Feb 15;63(4):703–14. Available from: https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2001/0215/p703.html

[7] Getting a diagnosis. Alzheimers New Zealand. [cited 2023 Mar 2]. Available from: https://alzheimers.org.nz/about-dementia/getting-a-diagnosis/

 
Chia sẻ: