Yêu bao tử

Cách phòng ngừa & điều trị vi khuẩn HP (H.pylori)

13/10/2021

Vi khuẩn HP - H. pylori là gì?

Vi khuẩn HP - Helicobacter pylori (H. pylori) là loại vi khuẩn xâm nhập cơ thể và sống trong đường tiêu hóa và có thể gây loét dạ dày và tá tràng (đoạn đầu của ruột non). Nhiễm vi khuẩn HP - H. pylori có thể dẫn tới viêm dạ dày mãn tính và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư dạ dày nếu không được theo dõi và điều trị thích hợp.

Nhiễm vi khuẩn HP - H. pylori rất phổ biến. Ước tính khoảng 2/3 dân số thế giới bị nhiễm H. pylori. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người bị nhiễm không có bất cứ triệu chứng, biến chứng nào thể hiện việc mắc bệnh lý đường tiêu hóa. 

Việc cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn này. 

Vi khuẩn HP - H. pylori gây bệnh như thế nào?

Vi khuẩn sống trong cơ thể người nhiều năm trước khi có triệu chứng. Một số người nhiễm vi khuẩn HP không có triệu chứng rõ ràng. Thông thường, người bị nhiễm sẽ có biểu hiện đau bụng, khó tiêu do vi khuẩn H. pylori đi vào cơ thể. Vi khuẩn HP tấn công lớp bề mặt dạ dày, phá hủy lớp bảo vệ và a-xít có thể đi xuyên qua dễ dàng dẫn đến viêm, loét dạ dày. Những vết loét gây nên hiện tượng chảy máu hoặc cản trở thức ăn đi xuống ruột.

 Người  bị nhiễm vi khuẩn H. pylori thường do thói quen sinh hoạt ăn uống chưa sạch sẽ, những vật dụng bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, Vi khuẩn HP có thể lây lan do tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch tiết tiêu hóa của những người mắc bệnh.

Biến chứng khi nhiễm vi khuẩn HP

Khi bị nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh sẽ có nguy cơ loét dạ dày và cảm thấy đau bụng âm ỉ, nóng rát, rõ nhất khi bụng đói, có thể kéo dài vài phút đến vài giờ, có thể giảm sau khi ăn, uống sữa hoặc uống thuốc trung hòa a-xít.

Những triệu chứng khác của loét bao gồm:

  • Đầy hơi
  • Ợ hơi
  • Không có cảm giác đói
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Người bị loét dạ dày có thể dẫn đến xuất huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bạn phải đến trung tâm y tế ngay nếu có bất cứ những triệu chứng nào sau đây:

  • Phân có dính máu, đỏ sậm hoặc đen
  • Khó thở
  • Chóng mặt hoặc ngất
  • Cảm giác mệt không rõ nguyên nhân
  • Nhợt nhạt
  • Nôn ra máu hoặc nôn ra chất giống như bã cà phê
  • Đau chói bụng, đau dữ dội

Nhiễm vi khuẩn HP - H. pylori có thể dẫn đến ung thư dạ dày ở một số bệnh nhân. Bệnh này ban đầu có ít triệu chứng. Theo thời gian, bạn có thể có các triệu chứng như: 

  • Đau bụng hoặc chướng bụng
  • Buồn nôn
  • Không có cảm giác đói
  • Cảm giác nhanh no 
  • Nôn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân  

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP

Trong trường hợp, bệnh nhân gặp những triệu chứng được liệt kê ở trên, tốt nhất nên đi khám tại các bệnh viện để được bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ được tiến hành nội soi dạ dày để kiểm tra có hay không tình trạng viêm loét và tiến hành xét nghiệm tìm vi khuẩn HP.

Bệnh nhân sẽ được ưu tiên xét nghiệm H.p nếu đã từng bị loét trước đó hoặc đang sử dụng những thuốc như thuốc kháng viêm không steroids (NSAID). Vì thuốc này có thể gây tổn thương bề mặt dạ dày, do đó điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân gây ra những triệu chứng này để điều trị chính xác.

Để nhìn ổ loét kĩ hơn, bác sĩ có thể dùng:

  • Nội soi tiêu hóa trên. Trong bệnh viện, bác sĩ sẽ đưa máy nội soi từ miệng vào dạ dày và tá tràng. Kĩ thuật này cũng có thể được sử dụng để lấy một mẫu mô nhỏ từ dạ dày để tìm vi khuẩn. Bạn có thể được gây mê nhẹ hoặc tỉnh và được gây tê họng trọng khi nội soi. 
  • Chụp Barit cản quang đường tiêu hóa trên. Trong bệnh viện, bạn sẽ được uống một dung dịch có một chất gọi là Barium, và sau đó được chụp X-quang. Dung dịch này sẽ phủ lên họng, thực quản, dạ dày và làm cho nó nổi bật trên phim chụp.
  • Chụp vi tính cắt lớp (CT). Máy CT dùng tia X và chụp nhiều lớp để thấy hình ảnh rõ hơn.

Các phương pháp trong y học được áp dụng để phát hiện vi khuẩn HP bao gồm

  • Xét nghiệm máu và phân: để giúp phát hiện nhiễm khuẩn.
  • Xét nghiệm hơi thở urê. Bạn sẽ uống một dung dịch đặc biệt có chứa một chất gọi là urê được gắn nguyên tử Carbon đồng vị C13. Sau đó, bạn sẽ thở vào túi, và bác sĩ sẽ đem túi đi xét nghiệm. Nếu bạn có nhiễm H. pylori, thì vi khuẩn này sẽ chuyển urê thành khí CO2 có gắn nguyên tử Carbon đồng vị C13, và kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy hơi thở của bạn có nồng độ khí này cao hơn mức bình thường. 

Nếu bạn bị nhiễm H. pylori, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có bị ung thư dạ dày không. Việc này bao gồm:

  • Thăm khám
  • Xét nghiệm máu để phát hiện thiếu máu. Nó có thể xảy ra nếu bạn có một khối u ở dạ dày đang chảy máu.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, xét nghiệm để phát hiện liệu trong phân có máu mà không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Nội soi
  • Sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ dạ dày để tìm dấu hiệu ung thư. Bác sĩ sẽ sinh thiết khi thực hiện nội soi.
  • Những xét nghiệm giúp quan sát rõ hơn những tổn thương trong cơ thể, như chụp CT scan hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).

Điều trị vi khuẩn HP - H. pylori

Nếu bạn bị loét do H. pylori, bạn sẽ cần được điều trị để tiêu diệt vi khuẩn HP, làm lành ổ loét, và ngăn ngừa loét tái phát. Thường cần khoảng 2 tuần điều trị để cải thiện tình trạng bệnh.

Bác sĩ thường sẽ kê cho bạn một số loại thuốc. Những thuốc này gồm:

  • Kháng sinh để diệt vi khuẩn HP
  • Những thuốc giúp giảm lượng a-xít trong dạ dày. 
  • Bismuth subsalicylate, nó cũng giúp diệt H. pylori khi dùng cùng các thuốc kháng sinh.

Phác đồ điều trị làm cho bạn phải uống khá nhiều viên thuốc một ngày trong vài tuần. Nhưng điều quan trọng là bạn cần uống đủ thuốc mà bác sĩ kê và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn không uống thuốc đúng cách, việc điều trị có thể không hiệu quả và vi khuẩn HP sẽ kháng thuốc, và làm việc điều trị khó khăn hơn. Nếu việc uống thuốc làm bạn khó chịu, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp dùng thuốc khác và làm cách nào để tránh và xử lý những tác dụng phụ của thuốc.

Khoảng 2-4 tuần sau khi ngưng dùng thuốc, bác sĩ sẽ xét nghiệm lại hơi thở hoặc phân để kiểm tra đảm bảo nhiễm trùng đã hết.

Phòng ngừa vi khuẩn HP

Bạn có thể phòng ngừa nhiễm H. pylori bằng các phương pháp thông thường giống như phòng ngừa những vi khuẩn khác:

  • Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Dạy trẻ con làm giống như vậy.
  • Tránh dùng thức ăn và nước uống không hợp vệ sinh
  • Không ăn thức ăn không được nấu chín kĩ
  • Tránh ăn thức ăn được nấu bởi những người không rửa tay trước khi nấu 

Tình trạng căng thẳng, những thức ăn chua cay, bia rượu và thuốc lá có thể góp phần gây loét và ngăn ngừa sự lành loét và làm đau bụng nhiều hơn.

Hãy nói chuyện với bác sĩ về các cách để giảm bớt căng thẳng, cải thiện chế độ ăn cho tốt, và bỏ thuốc lá.

Tôi cần lưu ý gì khi bị loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP - H. pylori?

Hầu hết ổ loét gây ra do H. pylori sẽ lành sau vài tuần điều trị. Nếu bạn có loét, bạn nên tránh dùng những thuốc giảm đau không steroid (NSAID), do những thuốc này có thể phá hủy lớp bề mặt của dạ dày. Nếu bạn cần thuốc giảm đau, hãy gặp bác sĩ để được kê thuốc giảm đau an toàn.

Ths.Bs. Đoàn Hoàng Long

ĐHYK Phạm Ngọc Thạch - Khoa nội tiêu hóa

Tài liệu tham khảo:

1. National Digestive Diseases Information Clearinghouse: “Peptic Ulcer Disease and H. Pylori.”

2. National Cancer Institute: “Helicobacter pylori and Cancer.”

3. KidsHealth: “Infections: Helicobacter Pylori.”

4. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases: “The Burden of Digestive Diseases: Peptic Ulcer Disease.”

5. American College of Gastroenterology: “Peptic Ulcer Disease.”

6. UpToDate. “Helicobacter pylori infection and treatment.”

7. American Cancer Society: “How is stomach cancer diagnosed?” “How is stomach cancer treated?” and “Signs and symptoms of stomach cancer.”

Chia sẻ: