Yêu bao tử

CÁC VỊ TRÍ ĐAU BỤNG GIÚP NHẬN BIẾT BỆNH GÌ?

28/09/2021

        Đau bụng là cảm giác khó chịu của người bệnh, do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể lành tính hay ác tính. Là triệu chứng hay gặp nhất khiến bệnh nhân tới khám tại các phòng khám tiêu hoá. 

Các nguyên nhân gây đau bụng thường gặp 

1. Đau bụng vùng trên rốn 

  • Viêm loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân thường gặp nhất 
  • Viêm tuỵ cấp 
  • Viêm túi mật cấp  
  • Sỏi ống mật chủ 

Các nguyên nhân ngoài ổ bụng: 

  • Nhồi máu cơ tim cấp 
  • Tràn dịch màng phổi 
  • Bóc tách động mạch chủ 

Các nguyên nhân ngoại khoa khác:  

  • Tắc ruột non 
  • Thủng dạ dày tá tràng 

Các nguyên nhân ác tính: Ung thư gan, mật, tuỵ, dạ dày, đại tràng… 

2. Đau bụng vùng dưới rốn 

  • Viêm ruột thừa cấp 
  • Viêm đại tràng 
  • Viêm túi thừa 
  • Ung thư đại tràng 
  • Hội chứng ruột kích thích 
  • Viêm phần phụ, thai ngoài tử cung vỡ ở nữ 
  • Viêm bàng quang 

Đau bụng như thế nào cần đi khám bệnh? 

     Đau bụng luôn là bất thường, tuy nhiên không phải đau bụng nào cũng cần điều trị cấp cứu. Nếu chỉ đau nhẹ, thoáng qua không kèm triệu chứng báo động có thể khám sau, khi thuận tiện. Còn khi đau bụng nhiều có kèm theo triệu chứng báo động, bệnh nhân cần phải đi khám ngay. 

Các triệu chứng đau bụng đáng báo động bao gồm: 

  • Đau bụng dữ dội 
  • Sụt cân 
  • Ói máu 
  • Tiêu máu 
  • Sốt 
  • Bụng chướng 
  • Sờ được khối u ở bụng 
  • Vàng mắt vàng da 
  • Bí trung đại tiện 
  • Nôn ói kéo dài 
  • Thiếu máu 

Chẩn đoán nguyên nhân đau bụng 

     Chẩn đoán ra nguyên nhân đau bụng rất quan trọng, giúp cho việc điều trị và dự phòng đau bụng tái phát. Chẩn đoán sớm còn giúp cho việc điều trị hiệu quả, tránh biến chứng. 

1. Dựa vào hỏi bệnh và khám lâm sàng 

Bệnh sử có vai trò rất quan trọng giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh.

  • Vị trí đau: đau thượng vị (thường gặp do viêm loét dạ dày tá tràng, viêm tuỵ cấp), đau hạ sườn phải (thường gặp các nguyên nhân từ gan mật như viêm túi mật cấp, cơn đau quặn mật do sỏi), đau hạ sườn  trái (thường gặp do viêm cấp vùng đuôi tuỵ, bệnh lý của lách), đau hố chậu phải (thường do viêm ruột cấp, viêm đại tràng, ở nữ còn có thể do viêm phần phụ), đau vụng hạ vị (thường gặp viêm bàng quang).
  • Tính chất đau: đau liên tục, âm ĩ, đau quặn từng cơn hay đau đột ngột như dao đâm thường gặp trong thủng tạng rỗng.
  • Hoàn cảnh khởi phát: đau khi ăn no (thường gặp do viêm dạ dày), đau khi đói (thường gặp do loét tá tràng), đau sau khi uống nhiều rượu bia (thường gặp trong viêm tuỵ cấp) 
  • Thời gian đau: đau kéo dài, âm ĩ kèm theo chán ăn, sụt cân nên khám sớm để loại trừ các nguyên nhân ác tính ở đường tiêu hoá.
  • Ngoài ra, tiền sử bệnh, tuổi bệnh nhân và các triệu chứng kèm theo cũng có vai trò rất quan trọng giúp ích cho chẩn đoán bệnh. Ví dụ bệnh nhân lớn tuổi, tiền sử bệnh vành, vào viện chỉ vì nguyên nhân đau thượng vị thì nguyên nhân nhồi máu cơ tim cũng nên được nghĩ đến ngoài nguyên nhân thường gặp do viêm loét dạ dày tá tràng. 
  • Khám thực thể đóng vai trò rất quan trọng không thể thiếu, giúp thầy thuốc chẩn đoán ra bệnh và đề nghị những xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh phù hợp. 

2. Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh 

  • Xét nghiệm máu: công thức máu giúp phát hiện tình trạng nhiễm trùng, sinh hoá máu như men tuỵ giúp phát hiện viêm tuỵ cấp, nước tiểu, phân giúp tìm máu, ký sinh trùng trong phân …. 
  • Siêu âm ổ bụng: đóng vai trò quan trọng, không xâm lấn, cho kết quả nhanh chóng, giúp phát hiện ra một số bệnh lý ngoại khoa: viêm ruột thừa cấp, viêm túi mật cấp do sỏi… 
  • X quang bụng đứng: giúp phát hiện các bệnh lý ngoại khoa: tắc ruột (hình ảnh mực nước hơi), thủng tạng rỗng (liềm hơi dưới hoành), … 
  • Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, cộng hưởng từ ổ bụng được sử dụng trong những trường hợp khó, chi phí cao. 
  • Nội soi tiêu hoá: bao gồm nội soi dạ dày và nội soi đại tràng đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong chẩn đoán xác định các bệnh lý về dạ dày, tá tràng và đại tràng. 
  • Ngoài ra còn nhiều xét nghiệm chuyên biệt hơn tuỳ theo từng bệnh cảnh cụ thể. 

Điều trị đau bụng 

  • Tuỳ theo từng nguyên nhân gây đau bụng mà thầy thuốc có chiến lược điều trị khác nhau: dùng thuốc hay phẫu thuật cấp cứu. 
  • Thuốc giúp cho bệnh nhân giảm đau, giảm tình trạng nhiễm trùng. Đối với viêm loét dạ dày tá tràng thì ưu tiên các thuốc giảm tiết giúp cho tình trạng viêm loét mau lành và kết hợp diệt trừ Hp nếu có. 
  • Sỏi ống mật chủ làm nội soi mật tuỵ ngược dòng lấy sỏi.
  • Viêm ruột thừa cấp thì phẫu thuật cắt ruột thừa viêm.
  • Nói chung tuỳ từng trường hợp cụ thể mà thầy thuốc sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. 

Dự phòng đau bụng 

     Đa số các trường hợp đau bụng đều được chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan nên khám bệnh sớm để phát hiện sớm bệnh và điều trị sớm bệnh để tránh bệnh nặng hơn và các biến chứng của bệnh. 

      Chế độ ăn uống nhiều chất xơ, hoa quả, rau củ, ưu tiên dầu mỡ thực vật, hạn chế ăn nhiều thịt đỏ, các thực phẩm chế biến sẵn, lên men, ủ chua giúp cho đường tiêu hoá được khoẻ mạnh. 

BS Huỳnh Thị Trúc Ly – BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ 

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Harrison’s principles of internal medicine (2015), 19th Edition. 
  2. Textbook of Gastroenterology (2015), 6th Edition. 
  3. Gastrointestinal and liver disease (2020), 11th Edition. 
  4. Bệnh học nội khoa – Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (2012), NXB Y học. 
  5. Triệu chứng học nội khoa - Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (2012), NXB Y học. 

 

 

 

 

Chia sẻ: