Hiểu về Alzheimer

Các giai đoạn tiến triển của bệnh Alzheimer

19/04/2023

Bệnh Alzheimer có xu hướng phát triển chậm và dần dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Mỗi người có một trải nghiệm và các triệu chứng khác nhau với bệnh Alzheimer. Bài viết của Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin các giai đoạn tiến triển của bệnh Alzheimer giúp bạn hiểu điều gì có thể xảy ra. Ngoài ra, còn có một vài lời khuyên hướng dẫn bạn cần làm gì để làm chậm diễn tiến bệnh.


1. Bệnh Alzheimer tiến triển như thế nào?

Theo thời gian, các triệu chứng của bệnh Alzheimer sẽ dần trở nên trầm trọng hơn.  Mặc dù tốc độ tiến triển của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Một người sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer sống được trung bình từ 4 đến 8 năm. Một số khác có thể sống tới 20 năm. Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Những thay đổi trong não liên quan đến bệnh Alzheimer đã bắt đầu từ nhiều năm trước khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Khoảng thời gian này được gọi là bệnh Alzheimer tiền lâm sàng.

Não có thể bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ khi mắc bệnh Alzheimer

Hình 1. Não có thể bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ khi mắc bệnh Alzheimer

Các giai đoạn dưới đây cung cấp cái nhìn tổng quan về sự thay đổi chức năng sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Theo Alzheimer's Association, tổ chức y tế phi lợi nhuận ở Mỹ, bệnh được chia thành ba giai đoạn: bệnh Alzheimer triệu chứng nhẹ, bệnh Alzheimer  triệu chứng trung bình và bệnh Alzheimer triệu chứng nặng. Lưu ý rằng có thể khó xếp một người mắc bệnh Alzheimer vào một giai đoạn cụ thể. Vì các giai đoạn có thể chồng lên nhau.

2. Giai đoạn sớm (Triệu chứng nhẹ)

Trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer, các hoạt động thường ngày của người bệnh vẫn diễn ra bình thường. Người đó vẫn có thể lái xe, làm việc và tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù vậy, người đó có thể cảm thấy như thể mình đang bị mất trí nhớ hay sa sút trí tuệ. Chẳng hạn như quên những từ quen thuộc hoặc vị trí của các đồ vật hàng ngày.

Các triệu chứng có thể không biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn này. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè thân thiết có thể chú ý thấy. Bác sĩ có thể xác định các triệu chứng bằng một số công cụ chẩn đoán.

Những vấn đề thường gặp ở giai đoạn này bao gồm:

  • Khó nghĩ ra đúng từ hoặc tên riêng.
  • Khó nhớ tên những người mới gặp hoặc mới được giới thiệu.
  • Gặp khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ trong công việc và xã hội.
  • Quên tài liệu vừa đọc.
  • Làm mất hoặc thất lạc đồ vật có giá trị.

Hình 2. Người bệnh dễ quên hoặc làm mất các vật dụng cá nhân

Hình 2. Người bệnh dễ quên hoặc làm mất các vật dụng cá nhân

3. Giai đoạn trung gian (Triệu chứng trung bình)

Giai đoạn trung gian của bệnh Alzheimer thường là giai đoạn dài nhất và có thể kéo dài trong nhiều năm. Khi bệnh tiến triển, người mắc bệnh Alzheimer sẽ cần được chăm sóc ở mức độ cao hơn.

Trong giai đoạn này, các triệu chứng sa sút trí tuệ rõ rệt hơn. Người bệnh có thể nhầm lẫn trong việc sử dụng từ ngữ, dễ có cảm giác thất vọng hoặc tức giận. Hoạt động sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng và họ có những hành động khác thường, chẳng hạn như không chịu đi tắm. Các tế bào thần kinh trong não bị tổn thương có thể khiến người bệnh khó bày tỏ suy nghĩ và thực hiện các công việc thường ngày nếu không có sự trợ giúp.

4. Giai đoạn muộn (Triệu chứng nặng)

Các triệu chứng rất đa dạng và khác nhau ở từng người, có thể bao gồm:

  • Quên các sự kiện hoặc các cột mốc đáng nhớ của cá nhân.
  • Cảm thấy ủ rũ hoặc thu mình lại, đặc biệt là trong các hoàn cảnh khó khăn về tinh thần.
  • Không thể nhớ lại thông tin về bản thân như địa chỉ hoặc số điện thoại, trường trung học hoặc đại học mà họ đã theo học.
  • Cảm giác nhầm lẫn không biết mình đang ở đâu hoặc hôm nay là ngày nào.
  • Cần có sự trợ giúp để chọn quần áo thích hợp với thời tiết hoặc dịp nào đó.
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát tiểu tiện và đại tiện.
  • Thay đổi giấc ngủ, chẳng hạn như ngủ vào ban ngày và trở nên bồn chồn vào ban đêm.
  • Những thay đổi rõ rệt về tính cách và hành vi. Hay có nhiều nghi ngờ và ảo tưởng. Họ hành động lặp đi lặp lại và không tự chủ như vắt tay hoặc tự tổn thương bản thân.
  • Thường xuyên đi lang thang và dễ bị đi lạc hơn.

Hình 3. Người bệnh Alzheimer rất dễ bị lạc đường khi bệnh ở giai đoạn nặng
Hình 3. Người bệnh Alzheimer rất dễ bị lạc đường khi bệnh ở giai đoạn nặng

Ở giai đoạn này, người bệnh Alzheimer vẫn có thể tham gia các hoạt động hàng ngày với sự trợ giúp. Điều quan trọng là tìm ra những việc họ có thể làm, đồng thời, tìm cách đơn giản hóa hoạt động đó. Khi cần chăm sóc nhiều, có thể xem xét biện pháp chăm sóc thay thế hoặc trung tâm chăm sóc người cao tuổi vào ban ngày. Điều này giúp người chăm sóc giảm bớt gánh nặng trong khi người mắc bệnh Alzheimer vẫn được chăm sóc một cách an toàn.

Hình 4. Người bệnh cần có người chăm sóc để đảm bảo sức khỏe và an toàn

Hình 4. Người bệnh cần có người chăm sóc để đảm bảo sức khỏe và an toàn

5. Bạn có thể làm gì để làm chậm diễn tiến bệnh

Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ, vì ăn uống lành mạnh sẽ giúp cho bộ não khỏe mạnh hơn. Một số nghiên cứu đã gợi ý chế độ ăn Địa Trung Hải có hiệu quả trong việc làm giảm chức năng nhận thức. Các thành phần chính của chế độ ăn này có thể có lợi đối với sức khỏe của não bộ. Bao gồm các loại thực phẩm như trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá và thịt gia cầm,...

Tiêu thụ ít thịt đỏ hơn và tăng sử dụng chất béo không bão hòa có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, các chất béo bão hòa, đường và thịt đỏ nên được hạn chế trong chế độ ăn. Điều này gián tiếp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh Alzheimer.

Hình 5. Các thực phẩm trong chế độ ăn Địa Trung Hải

Hình 5. Các thực phẩm trong chế độ ăn Địa Trung Hải

Một nghiên cứu đã chỉ ra nhiều sự khác biệt trong bộ não của một người theo chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn của Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều protein beta-amyloid hơn trong não của những người tiêu thụ thực phẩm truyền thống của Mỹ. Protein beta-amyloid là các hạt protein tích tụ trong não của bệnh nhân Alzheimer.

Tập thể dục / Hoạt động thể chất

Có nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể hỗ trợ làm chậm quá trình suy giảm nhận thức. Tập thể dục không những giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn duy trì sức khỏe của não bộ bằng cách tăng lượng máu đến não và tăng cung cấp oxy cho não. Theo một nghiên cứu, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy sự cải thiện giữa cả hai vùng não sau 6 đến 12 tháng tập thể dục. Hơn nữa, điểm nhận thức của những người mắc chứng sa sút trí tuệ lâu năm khi tập thể dục thường xuyên được cho là tốt hơn so với những người ít hoạt động thể chất hơn.

Tập thể dục có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa, làm chậm các triệu chứng của bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Hơn nữa, còn có thể giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập, tiếp thu ở những người mắc bệnh ở giai đoạn giữa hoặc cuối. Điều quan trọng cần lưu ý là một cường độ tập thể chất vừa phải (khoảng ba lần mỗi tuần) là đủ để làm chậm sự tiến triển bệnh sa sút trí tuệ.

Sức khỏe tim mạch

Ngăn ngừa các bệnh về tim và mạch máu là một cách hiệu quả khác để làm chậm quá trình suy giảm nhận thức và tiến triển của bệnh Alzheimer. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, bạn cũng nên giữ cho trái tim khỏe mạnh. Điều cần thiết bạn cần làm là:

  • Ngừng hút thuốc
  • Kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp
  • Duy trì lượng đường trong máu bình thường
  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Thư giãn và tránh căng thẳng

Hình 6. Một trái tim khỏe mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa hoặc thuyên giảm bệnh

Hình 6. Một trái tim khỏe mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa hoặc thuyên giảm bệnh

Nghiên cứu đã gợi ý rằng sức khỏe tim mạch tốt có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác trong tương lai.

Tham gia các hoạt động xã hội

Hoạt động xã hội rất quan trọng vì sự cô lập không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Bộ não của chúng ta hoạt động tích cực hơn khi chúng ta duy trì các hoạt động xã hội. Ở cấp độ tế bào, nó khuyến khích sự phát triển các kết nối thần kinh mới trong não, dẫn đến kích thích hoạt động. Điều đó cũng cho thấy rằng tương tác xã hội là một trong những cách giúp ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức.

Bệnh Alzheimer thường phát triển ở những người sống biệt lập, ít tương tác với người khác. Một nghiên cứu đã được thực hiện trong 3 năm và kết luận rằng những người ít tương tác xã hội có biểu hiện suy giảm nhận thức nhiều hơn. Một nghiên cứu khác đã chứng minh rằng sự cô lập và thường xuyên cảm thấy cô đơn làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Ngược lại, sinh hoạt cộng đồng và giao tiếp xã hội có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và tiến triển của bệnh Alzheimer.

Kích thích thần kinh

Có nhiều bằng chứng cho thấy kích thích thần kinh có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác. Nguy cơ sa sút trí tuệ giảm đáng kể ở những người tích cực tham gia các hoạt động giải trí vào thời gian rảnh rỗi.

Kích thích tinh thần giúp tăng cường kết nối giữa các tế bào não, cũng như củng cố các tế bào não, cũng có thể khuếch đại một chút số lượng tế bào não. Các hoạt động kích thích trí óc sẽ là những bài tập tuyệt vời. Hoạt động đó có thể là giải câu đố, chơi board game, học ngoại ngữ hoặc chơi nhạc cụ. Hơn nữa, bạn có thể thử thách trí não của mình bằng cách cải thiện kỹ năng trong những việc bạn đã làm.

Hy vọng qua bài viết, bạn có được những thông tin hữu ích và cần thiết về các giai đoạn tiến triển của bệnh Alzheimer. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh sẽ thay đổi tùy theo từng giai đoạn bệnh và khác nhau ở từng người. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời ngay khi bạn có nghi ngờ về bệnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Alzheimer's Association. Stages of Alzheimer’s. Alzheimer’s Disease and Dementia. Alzheimer’s Association; 2022. Available from: https://www.alz.org/alzheimers-dementia/stages.
  2. Alzra. Ways to Slow the Progression of Alzheimer’s Disease. Alzheimer’s Research Association. 2022. Available from: https://www.alzra.org/blog/ways-to-slow-the-progression-of-alzheimers-disease/.
  3. Lopez JA, González HM, Léger GC. Alzheimer's disease. Handbook of clinical neurology. 2019 Jan 1;167:231-55.
  4. Scheltens P, De Strooper B, Kivipelto M, Holstege H, Chételat G, Teunissen CE, Cummings J, van der Flier WM. Alzheimer's disease. The Lancet. 2021 Apr 24;397(10284):1577-90.
  5. Oboudiyat C, Glazer H, Seifan A, Greer C, Isaacson RS. Alzheimer's disease. InSeminars in neurology 2013 Sep (Vol. 33, No. 04, pp. 313-329). Thieme Medical Publishers.
Chia sẻ: