Yêu bao tử

BỆNH CROHN LÀ GÌ? CÁCH CHUẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

13/10/2021

Bệnh Crohn là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh do đâu? Biến chứng cũng như cách điều trị bệnh Crohn như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chúng qua bài viết dưới đây. 

1. BỆNH CROHN LÀ BỆNH GÌ ? 

Bệnh Crohn (Crohn Disease) hay còn được gọi là bệnh viêm ruột từng vùng là tình trạng viêm mạn tính ở đường ruột có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa từ miệng đến vùng quanh hậu môn. Bệnh được đặc trưng bởi tổn thương viêm xuyên thành và cách quãng (nơi phát hiện có niêm mạc ruột bình thường nằm giữa các vùng bị bệnh). Bệnh Crohn và bệnh Viêm loét đại tràng (Ulcerative Colitis) là hai thể bệnh chính của bệnh lý viêm ruột mạn tính (Inflammatory Bowel Disease). Bệnh Crohn diễn ra từng đợt với những đợt bùng phát, bệnh thường tiến triển mạn tính và gây ra các biến chứng: có thể gây thủng và có lỗ rò hoặc một số trường hợp dẫn tới xơ hóa, gây ra tắc ruột, lâu dài có thể gây ác tính sinh ung. Bệnh thường gặp ở các nước Phương Tây, nhưng hiện tỉ lệ hiện mắc và mới mắc ở các nước Châu Á ngày càng gia tăng. 

 

2.  NGUYÊN NHÂN BỆNH CROHN  

Một số yếu tố như di truyền và hệ thống miễn dịch đóng vai trò nhất định trong sự phát triển của bệnh Crohn. Hiện nay nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn còn chưa được biết rõ. Một số yếu tố như chế độ ăn kiêng và tình trạng căng thẳng có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh Crohn. 

  • Di truyền: Bệnh Crohn thường gặp phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình mắc bệnh, vì vậy gen có thể đóng vai trò nhất định khiến cho các thế hệ sau trong gia đình có khả năng dễ mắc bệnh hơn. 
  • Hệ thống miễn dịch: Giả thuyết cho rằng sau nhiễm trùng đường ruột do một số loại virus hoặc vi khuẩn kích hoạt có thể gây nên bệnh Crohn. Khi hệ thống miễn dịch của người bệnh cố gắng chống lại các vi sinh vật gây bệnh thì xảy ra phản ứng miễn dịch bất thường, khiến hệ thống miễn dịch nhầm lẫn không chỉ tấn công vi sinh vật xâm nhập này mà tấn công luôn các tế bào bình thường của đường tiêu hóa và gây nên bệnh Crohn. 

3. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH CROHN 

Bệnh Crohn là bệnh viêm mạn tính của đường tiêu hóa và có thể gặp ở tất cả các vị trí khác nhau trên ống tiêu hóa, tuy nhiên bệnh thường gặp chủ yếu ở đoạn cuối ruột non và đoạn đầu ruột già. Một số các triệu chứng điển hình thường gặp trong bệnh Crohn như : tiêu chảy, sốt, tiêu máu (quan sát thấy máu lẫn trong phân), mệt mỏi, đau bụng, chuột rút, viêm loét miệng, nhiệt miệng, giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn, sụt cân, có cảm giác đau quanh hậu môn hay rò hậu môn,… Những người bị bệnh Crohn nặng sẽ có một số triệu chứng khác kèm theo như: viêm da, mắt và khớp, viêm gan hoặc viêm đường mật, sỏi thận, thiếu máu thiếu sắt, trẻ chậm lớn hoặc chậm phát triển các đặc tính sinh dục ở tuổi dậy thì. 

Triệu chứng của bệnh Crohn có thể từ nhẹ đến nặng và tiến triển từ từ, nhưng đôi khi sẽ xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước. Người mắc bệnh có thể có những khoảng thời gian không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh khiến họ không biết bệnh hay nghĩ tình trạng bệnh Crohn đã thuyên giảm.  

4. CHẨN ĐOÁN BỆNH CROHN 

Chẩn đoán xác định bệnh chủ yếu dựa vào sự phối hợp giữa triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, nội soi và mô bệnh học. 

Để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm sau: 

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng thiếu máu, tình trạng viêm và kiểm tra chức năng các cơ quan khác, xét nghiệm phân (tìm máu, ký sinh trùng hay xét nghiệm calprotectin trong phân). 
  • Các xét nghiệm hình ảnh học như: Siêu âm bụng khảo sát đường ruột, chụp cắt lớp vi tính (CT) hay chụp cộng hưởng từ (MRI). 
  • Nội soi đại tràng, đây là xét nghiệm cho phép bác sĩ xem toàn bộ đại tràng và phần cuối ruột non hay hồi tràng của bạn bằng một ống soi nhỏ, linh hoạt, có đèn chiếu sáng và camera gắn ở đầu ống. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô để sinh thiết gửi giải phẫu bệnh làm mô bệnh học giúp xác định chẩn đoán xác định bệnh Crohn. 
  • Nội soi viên nang (Capsule endoscopy), đây là xét nghiệm cho phép quan sát hết trong lòng ống tiêu hóa của bạn. Khi thực hiện xét nghiệm này, bạn sẽ nuốt một viên nang nhỏ có gắn máy camera và máy sẽ chụp, quay ảnh của toàn bộ đường ruột, sau đó truyền dữ liệu đến máy lưu trữ được đeo bên thắt lưng. Các hình ảnh sau đó được tải lên máy tính, hiển thị trên màn hình máy tính và kiểm tra các dấu hiệu của bệnh Crohn. Viên nang thoát ra khỏi cơ thể sau khi người bệnh đi đại tiện. 

5. BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH CROHN 

Không chỉ làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, làm suy giảm sức khỏe. Nếu không được phát hiện, đi khám bệnh và điều trị kịp thời, bệnh Crohn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như: 

  • Tắc ruột 

Người mắc bệnh Crohn không điều trị, khiến các đoạn của ruột có thể viêm, dày lên, xơ hóa và hẹp đi. Từ đó, làm cản trở dòng chảy tiêu hóa ở phần đường ruột bị tổn thương, gây tắc nghẽn đường ruột. 

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp bị tắc nghẽn đường ruột do bệnh Crohn gây nên, một số trường hợp phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị bệnh.  

  • Viêm loét đường tiêu hóa 

Khi không được điều trị dứt điểm, tình trạng viêm loét đường tiêu hóa sẽ trở nên nghiệm trọng hơn. Viêm loét có thể ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa và bao gồm cả: miệng, vùng quanh hậu môn và vùng sinh dục. Gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến đời sống sinh hoạt, cũng như sức khỏe của người bệnh.  

  • Đường rò (fistula) 

Khi tình trạng viêm kéo dài, có thể tạo nên các lỗ rò giữa các phần khác nhau của đường ruột, giữa ruột và da, hoặc giữa ruột và các cơ quan lân cận như âm đạo, bàng quang. 

Đường rò không được khắc phục sẽ xì rò thông nhau, rò ra ngoài da, bị thoát dịch, thức ăn. Những đường rò này nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm nhiễm, tạo thành áp xe, nhiễm trùng nặng và có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.  

  • Nứt hậu môn, Rò hậu môn, Áp xe hậu môn 

Một trong những biến chứng không thể bỏ qua của bệnh Crohn đó là các khe nứt hậu môn hay rò da xung quanh hậu môn, bị nhiễm trùng, áp xe. Tình trạng này sẽ gây đau đớn và khó chịu rất nhiều cho người bệnh. 

  • Chứng kém hấp thu 

Khi mắc bệnh Crohn đường ruột, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, ăn kém, … kéo dài. Khiến người bệnh giảm hấp thu các chất dinh dưỡng. Nếu không điều trị bổ sung sớm, người bệnh sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nặng. 

Ung thư đại tràng 

Nếu bị bệnh Crohn nhiều năm, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư đại tràng tăng lên. Bởi lúc này, khi tình trạng viêm loét, nhiễm trùng, xì rò kéo dài gây ra tình trạng xơ hóa, tái tạo hay tăng sinh bất thường, làm tăng nguy cơ ác tính và sinh ung đối với bệnh Crohn tiến triển lâu dài. 

  • Một số biến chứng khác 

Một số thuốc điều trị có thể gây ra các tác dụng phụ như: Hội chứng Cushing (phù, da niêm mỏng dễ xuất huyết, tăng huyết áp, tăng đường huyết, loãng xương, đục thủy tinh thể,…), tăng nguy cơ nhiễm trùng, lymphoma, ung thư da, ... 

6. ĐIỀU TRỊ BỆNH CROHN  

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh Crohn. Hầu hết các phương pháp điều trị nhằm mục tiêu ổn định lâm sàng, và duy trì tình trạng lui bệnh, phòng ngừa, giảm thiểu và điều trị các biến chứng, tối ưu hóa can thiệp ngoại khoa khi cần thiết. Do đó, người mắc phải bệnh Crohn cần kiên trì điều trị, theo dõi và dùng thuốc lâu dài. Trước khi điều trị, thầy thuốc luôn phải thảo luận với người bệnh về kế hoạch điều trị lâu dài, điều này rất quan trọng, giúp cho người bệnh tuân thủ điều trị và phối hợp theo dõi tốt hơn. Dựa vào nhiều yếu tố khác nhau (mức độ hoạt động, phạm vi, vị trí tổn thương, xu hướng diễn biến của bệnh, đáp ứng với điều trị trước đó, các biến chứng và các yếu tố tiên lượng kém,...) bác sĩ sẽ chọn chiến lược điều trị cho người bệnh phù hợp. Thường có 2 chiến lược được sử dụng:  

  • Nâng bậc: thường được sử dụng hơn ở các nước đang phát triển, sử dụng các thuốc kháng viêm Corticosteroid, điều hòa miễn dịch trước nếu không đáp ứng sẽ sử dụng các thuốc sinh học mạnh.  
  • Hạ bậc: nên áp dụng khi người bệnh có mức độ hoạt động bệnh nặng và có các yếu tố tiên lượng kém. Sử dụng các thuốc sinh học mạnh rồi đáp ứng sẽ xuống thang duy trì bằng các thuốc điều hòa miễn dịch sau. 

Các yếu tố tiên lượng kém:  

  • Tuổi khởi phát bệnh trẻ < 40 tuổi  
  • Có tổn thương quanh hậu môn hoặc bệnh lý trực tràng nặng 
  • Bệnh nhân có rò hay hẹp ruột khi chẩn đoán 
  • Loét sâu  
  • Tổn thương ruột lan rộng 

Tìm điều trị các biến chứng hoặc nhiễm trùng kèm theo trong đợt diễn tiến: Lao, Cytomegalovirus (CMV), Clostridium Difficile hoặc có biến chứng như thủng, rò gây áp xe, ... 

  • Thuốc điều trị cụ thể 
    • Thuốc Corticosteroids: Budesonide, Prednisolone, Methylprednisolone  
    • Thuốc điều hòa miễn dịch: Azathioprine, Mercaptopurine,  Methotrexate 
    • Thuốc kháng TNF: Infliximab (viết tắt IFX: là anti TNF), Adalimumab (viết tắt ADA) 
    • Thuốc kháng integrin (Vedolizumab), kháng IL 12/23 (Ustekinumab), ức chế Janus kinase (Tofacitinib) 
  • Điều trị ngoại khoa 
    • Thường được chỉ định với những trường hợp nặng như: 
    • Không đáp ứng với thuốc  
    • Có các biến chứng: chảy máu tiêu hóa không cầm, thủng ruột, tắc ruột, áp xe, loạn sản gây ung thư, rò hay áp xe quanh hậu môn, rò trực tràng - âm đạo 
  • Điều trị hỗ trợ: Chế độ dinh dưỡng, điều hòa nhu động, bù điện giải, men tiêu hóa, kháng sinh 

7. PHÒNG TRÁNH BỆNH CROHN 

Các cụ xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để có thể phòng tránh bệnh Crohn hiệu quả thì mỗi chúng ta cần kết hợp một lối sống lành mạnh, kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, thì mới có thể đẩy lùi mọi căn bệnh, không riêng gì bệnh Crohn. 

  • Tập thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt đúng giờ giấc, điều độ… 
  • Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, tránh lo lắng, căng thẳng, stress. 
  • Không sử dụng các loại chất kích thích có hại cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá,… 
  • Thường xuyên tập thể dục, tập thở và thư giãn tinh thần. Ths.BS.Quách Tiến Phong 

Bs. Quách Tiến Phong

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM CS1 - Nội tiêu hóa 

Tài liệu tham khảo: 

  1. Pháp đồ chẩn đoán và điều trị bệnh Crohn - khoa Tiêu hóa bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, năm 2020 
  2. Understanding Crohn’s Disease. Medically reviewed by Saurabh Sethi, M.D., MPH - Written by Kimberly Holland - Updated on April 16, 2021 
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/crohns-disease/care-at-mayo-clinic/mac-20353314, Oct. 13, 2020 

 

Chia sẻ: