Co thắt đau co thắt

Bệnh Cơ Xương Khớp Thường Gặp Ở Người Cao Tuổi

10/12/2021

Người cao tuổi thường mắc các bệnh về cơ xương khớp, trong đó, thoái hóa khớp và loãng xương là hai bệnh lý thường gặp. Các bệnh này gây đau, rối loạn chức năng vận động, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương, ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 1. Loãng xương - bệnh cơ xương khớp

              Loãng xương là một bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng khi mới mắc, người ta thường ví bệnh giống như một “tên ăn cắp thầm lặng”, hàng ngày lấy dần lượng canxi trong ngân hàng dự trữ xương của cơ thể, và chỉ khi khối lượng xương giảm đến 30% thì mới có các biểu hiện lâm sàng. Người bệnh thấy đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài như xương cẳng chân, đau mỏi cơ bắp, hay bị chuột rút.

              Gãy xương là hậu quả nghiêm trọng nhất của loãng xương, làm gia tăng nguy cơ tàn tật, tử vong và gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội. Gãy xương do loãng xương thường xuất hiện sau những chấn thương rất nhẹ, đôi khi không rõ ràng. Vị trí gãy xương thường gặp là ở các đốt sống, đầu dưới 2 xương cẳng tay, cổ xương đùi. Đau và giảm chiều cao so với lúc trẻ là những triệu chứng chính thường gặp trong gãy xương do loãng xương.

              Mục tiêu chính của điều trị loãng xương là giảm nguy cơ gãy xương và tái gãy xương. Quá trình điều trị này cần được duy trì liên tục, phối hợp cả biện pháp không dùng thuốc và dùng thuốc, và được theo dõi bởi bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị.

  • Biện pháp không dùng thuốc

              Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D, protein và các chất khoáng khác. Canxi là khoáng chất quan trọng nhất, quyết định sự vững chắc của hệ thống xương. Nhu cầu canxi tối ưu tùy thuộc vào lứa tuổi và giới tính, song nên đảm bảo khoảng 1000-1200 mg/ngày. Cần sử dụng những thực phẩm giàu canxi, đặc biệt là sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Canxi dược phẩm có thể được bổ sung khi nguồn canxi thực phẩm không đủ. 

              Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu canxi. Khuyến cáo nhu cầu vitamin D hàng ngày cho người lớn trên 50 tuổi là 800-1000 IU hàng ngày. Nguồn cung cấp vitamin D từ ánh sáng mặt trời là quan trọng nhất, ngoài ra thức ăn và các chế phẩm vitamin D có thể dùng bổ sung.

             Cần duy trì thường xuyên hoạt động thể lực và các bài tập làm tăng khối xương, khối cơ và sức cơ. Điều này giúp giảm nguy cơ té ngã và gãy xương. Các hoạt động thể lực có ích như đi bộ, chạy nhẹ, yoga, khiêu vũ… Mọi người nên duy trì hoạt động thể lực thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. 
Người bệnh nên ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh lạm dụng các thuốc (đặc biệt thuốc kháng viêm corticoid).

  • Biện pháp dùng thuốc

              Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc điều trị loãng xương. Trong đó, thuốc chống hủy xương biphosphonate thường được lựa chọn đầu tiên trong điều trị loãng xương. Các thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như: Aledronate, Riserdronate, Ibandronate… Khi uống các thuốc này, cần lưu ý khoảng thời gian của 2 liều thuốc (hàng tuần hay hàng tháng), nên uống thuốc lúc sáng sớm khi bụng đói, với một ly nước lớn (khoảng 200ml), sau uống ít nhất 30 phút không được nằm hoặc ăn uống. Người bệnh không được nhai hoặc nghiền nát thuốc để tránh bị kích ứng hay viêm loét thực quản.
              Các loại thuốc điều trị loãng xương nên được chỉ định và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa. Một đợt điều trị bệnh kéo dài khoảng 3-5 năm, bệnh nhân có thể được bác sĩ xem xét việc “tạm nghỉ thuốc” nếu đạt được mục tiêu của điều trị.

 2. Thoái hóa khớp - bệnh cơ xương khớp

              Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây giảm hoặc mất chức năng ở người cao tuổi. Dù bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng các khớp thường bị tổn thương nhất là khớp gối, bàn tay và khớp háng.
              Có nhiều yếu tố nguy cơ có liên quan đến thoái hóa khớp. Trong đó, có thể kể đến một số yếu tố thường gặp như:

  • Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp càng cao.
  • Béo phì
  • Nghề nghiệp: những hoạt động nghề nghiệp liên quan đến động tác gập gối, ngồi xổm, leo trèo làm gia tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
  • Yếu tố tại chỗ: chấn thương tại khớp, dị dạng bẩm sinh, các bệnh lý viêm khớp…

              Đau khớp là dấu hiệu rất thường gặp, người bệnh thường cảm thấy đau nhiều khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Cùng với đó là triệu chứng cứng khớp vào buổi sáng lúc vừa thức dậy, làm khó co, duỗi, vận động khớp trong khoảng 15-30 phút. Ngoài ra, người bệnh có thể cảm nhận được dấu hiệu lạo xạo khi cử động. Khi có những triệu chứng trên, nên sớm đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng phù hợp.

              Phòng bệnh thoái hóa khớp nên được chủ động ngay từ khi còn trẻ, với một chế độ sinh hoạt hợp lý, bao gồm: ăn, uống, tập luyện khoa học, chống thừa cân, béo phì. Những môn thể thao được khuyến khích như đạp xe, bơi lội, đi bộ… Cần tránh các tư thế xấu khi lao động và sinh hoạt, tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách…

              Các đợt tiến triển của thoái hóa khớp gây đau nhiều, người bệnh nên đến cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, để được kê các thuốc giảm đau đúng chỉ định, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc hoặc lạm dụng thuốc giảm đau. Ngoài ra, một số loại thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm, giúp cải thiện triệu chứng, cải thiện cấu trúc sụn khớp, mang lại lợi ích cho bệnh nhân có thể được xem xét sử dụng kéo dài ở bệnh nhân thoái hóa khớp gối, háng như Glucosamine sulfat/Chondroitin, diacerein, piascledine. 

              Các biện pháp điều trị tiêm nội khớp: acid hyaluronic, huyết tương giàu tiểu cầu hay tế bào gốc từ mô mỡ tự thân cũng cho thấy có hiệu quả, tuy nhiên chi phí cao và cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.

Tài liệu tham khảo: 
1. Joanne S. Cunha, Zuhal Arzomand, Philip Tsoukas (2020), “Osteoarthritis”, Cecil essentials of medicine, 10th, p.813-817
2. Blagojevic M, Jinks C, Jeffery A, et al (2013), “Risk factors for onset of osteoarthritis of the knee in older adults: a systematic review and meta-analysis”, Osteoarthritis Cartilage, 18, p.24–33.
3. Sarah Zaheer and Meryl S LeBoff (2018), “Osteoporosis: Prevention and Treatment”. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279073/)

Bác sỹ: Nguyễn Thái Hòa

Khoa nội khớp  - Đại học Y dược Cần Thơ

Chia sẻ: