Hiểu về Alzheimer

8 quan điểm sai lầm về bệnh Alzheimer

20/03/2023

1. Sa sút trí tuệ là bệnh Alzheimer

Mọi người thường sử dụng định nghĩa bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thay thế cho nhau. Nhưng thực tế, chúng khác nhau. Sa sút trí tuệ là suy giảm về trí nhớ, suy nghĩ, lập luận, hành vi, và Alzheimer là một loại của sa sút trí tuệ. Định nghĩa này dường như bị lẫn lộn vì Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ và cũng được biết đến nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn còn các loại sa sút trí tuệ khác, bao gồm sa sút trí tuệ thể Lewy, sa sút trí tuệ trán - thái dương hay sa sút trí tuệ do mạch máu.

2. Alzheimer là bệnh di truyền, bạn sẽ bị bệnh nếu ba mẹ bạn bị bệnh

Nếu ba mẹ hoặc người thân mắc Alzheimer, bạn có thể lo lắng về việc bản thân sẽ mắc bệnh khi già đi. Khả năng mắc bệnh Alzheimer cao hơn nếu có một số biến thể di truyền nhất định từ ba mẹ cho con. Tuy nhiên, bố mẹ mắc bệnh Alzheimer không có nghĩa là con cái cũng sẽ mắc bệnh này.

Alzheimer là một bệnh phức tạp. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về nguyên nhân bệnh ở hầu hết mọi người. Nghiên cứu cho thấy hầu hết các người bệnh, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự tiến trình bệnh không liên quan di truyền. Các yếu tố môi trường và lối sống như tập thể dục, chế độ ăn, tình trạng tiếp xúc với các chất ô nhiễm và hút thuốc có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc Alzheimer. Mặc dù chưa biết đầy đủ cách ngăn ngừa Alzheimer nhưng chúng ta có thể duy trì những thói quen lành mạnh, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn cân bằng.

8 quan điểm sai lầm về bệnh Alzheimer

Hình 1: Bố mẹ mắc Alzheimer không đồng nghĩa với việc con cái cũng sẽ mắc bệnh này

3. Bệnh Alzheimer chỉ gặp ở người trên 70 tuổi

Mặc dù tuổi tác được biết đến là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến Alzheimer, nhưng không có nghĩa chỉ người lớn tuổi mới mắc bệnh này. Đối với hầu hết người mắc Alzheimer, các triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở tuổi 60 trở lên. Tuy nhiên, một số người có các triệu chứng bệnh sớm hơn, thậm chí lúc 30 tuổi. Bệnh tiến triển từ 30 đến khoảng 60 tuổi được gọi là Alzheimer khởi phát sớm. Tình trạng khởi phát sớm bệnh Alzheimer khá hiếm, chỉ chiếm 10% số người bị Alzheimer.

Sự tiến triển Alzheimer sớm tạo nên nhiều thách thức. Những người được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi trẻ hơn có khả năng đang nuôi con nhỏ hoặc phải quản lý công việc và phải nộp đơn xin trợ cấp nhiều hơn những người được chẩn đoán bệnh ở độ tuổi lớn hơn.

Nhiều người mắc hội chứng Down - một hội chứng di truyền cũng có thể tiến triển bệnh Alzheimer sớm hơn. Trong trường hợp này, các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện lúc 40 tuổi.

4. Bệnh Alzheimer là một quá trình bình thường khi ta già đi

Nhiều người trở nên hay quên khi họ có tuổi và biểu hiệu bằng vài dấu hiệu hay quên, như thỉnh thoảng làm mất đồ. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến của Alzheimer, như thường xuyên phán đoán kém và khó đưa ra quyết định sáng suốt, gặp vấn đề trong nhận biết bạn bè và gia đình hay không nhớ ngày, thời gian trong năm không phải là các dấu hiệu bình thường của quá trình lão hóa.

Nếu bạn lo lắng về trí nhớ hoặc các triệu chứng của bệnh Alzheimer, hãy gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể đặt câu hỏi, đánh giá khả năng suy nghĩ và trí nhớ của bạn. Đồng thời, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định các chẩn đoán.

Hình 2: Các dấu hiệu của Alzheimer không phải là triệu chứng bình thường của quá trình lão hóa

Hình 2: Các dấu hiệu của Alzheimer không phải là triệu chứng bình thường của quá trình lão hóa

5. Không có thuốc điều trị cho người bị bệnh Alzheimer

Đã có nhiều tiến bộ trong phát triển phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Alzheimer. Hiện có một số loại thuốc có thể hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Alzheimer. Bên cạnh đó, cũng có một số liệu pháp điều trị triệu chứng liên quan đến quản lý hành vi.

Mặc dù hiện tại không có cách chữa bệnh Alzheimer, nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học nên đã có nhiều hứa hẹn hơn trong nghiên cứu. Tổng cộng, NIA đang tài trợ cho hàng trăm thử nghiệm lâm sàng bao gồm cả liệu pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp không dùng thuốc. Những thử nghiệm này bao gồm các phương pháp điều trị thử nghiệm nhắm vào các yếu tố hành vi và lối sống, cũng như các nguyên nhân cơ bản của bệnh.

6. Hay quên nghĩa là mắc bệnh Alzheimer

Mặc dù các vấn đề về trí nhớ thường được coi là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh Alzheimer, nhưng không phải tất cả vấn để về trí nhớ đều là dấu hiệu của bệnh lý này. Chẳng hạn: một số trường hợp quên là điều bình thường khi chúng ta già đi.

Hãy trao đổi với bác sĩ để xác định những thay đổi về trí nhớ của bạn là bình thường hay có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng khác. Trong một số trường hợp, trầm cảm và tác dụng phụ của một số thuốc cũng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ. Có thể thay đổi một số vấn đề trí nhớ do những nguyên nhân trên bằng việc điều trị.

7. Uống thực phẩm chức năng có thể phòng hoặc chữa khỏi bệnh Alzheimer

Có nhiều trang web và quảng cáo hứa hẹn cung cấp một số thực phẩm chức năng có thể điều trị hiệu quả các bệnh như Alzheimer. Trong một số trường hợp, họ đưa ra lời khuyên về một quá trình lão hóa khỏe mạnh và bệnh Alzheimer nghe có vẻ đáng tin cậy. Bằng cách đó, họ lấy lòng tin của mọi người và quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho những tuyên bố này. Và hiện tại, chưa có thực phẩm chức năng nào được chứng minh có thể trì hoãn, ngăn ngừa, điều trị hoặc chữa khỏi bệnh Alzheimer.

8. Bệnh Alzheimer có thể phòng được

Hiện tại, chưa có phương pháp nào được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh này.. Bạn có thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ, nhưng cũng có các yếu tố không thể tác động, ví dụ như vấn đề di truyền.

Nhìn chung, lối sống lành mạnh có thể giúp giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh Alzheimer và các vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác khác. Chúng bao gồm:

  • Kiểm soát huyết áp tăng cao.
  • Duy trì cân nặng ổn định.
  • Duy trì các hoạt động tinh thần và thể chất.
  • Ngăn ngừa chấn thương đầu.
  • Ngủ đủ 7 đến 9 giờ mỗi đêm.

Hình 3: Lối sống cân bằng và tích cực giúp phòng chống Alzheimer

Hình 3: Lối sống cân bằng và tích cực giúp phòng chống Alzheimer

Alzheimer là căn bệnh phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiểu nhầm về bệnh, dẫn đến việc người bệnh dễ bỏ qua các triệu chứng và không lựa chọn liệu pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc gỡ bỏ các quan điểm sai lầm về Alzheimer, cũng như hiểu hơn về bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo:

  1. 11 Myths About Alzheimer’s Disease. National Institutes of Health. 2021 Aug 6; Available from: https://www.nia.nih.gov/health/11-myths-about-alzheimers-disease
  2. Myths. Alzheimer’s Disease and Dementia. 2019. Available from: https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-alzheimers/myths
  3. Myths and realities of dementia. Alzheimer Society of Canada. Available from: https://alzheimer.ca/en/about-dementia/stigma-against-dementia/myths-realities-dementia
  4. Robinson KM. 5 Alzheimer’s Disease Myths: Risk Factors, Memory Loss, Prevention, and More. WebMD. Available from: https://www.webmd.com/alzheimers/features/5-alzheimers-disease-myths
Chia sẻ: